11 thg 2, 2016

Tục treo tranh Tết của người Dao

Cùng với việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và vật dụng cần thiết cho ngày Tết Nguyên đán thì một nghi thức không thể thiếu của người Dao ở Nậm Lành (Yên Bái) là phải treo tranh trên bàn thờ.

Ông Lý Hữu Vượng, thầy cúng duy nhất vẽ tranh ở Nậm Lành. Ảnh:Tuệ Lâm.

Những ngày cận Tết, không khí ở xã Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái), nơi phần đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, khá rộn rã với việc chuẩn bị thực phẩm, bánh trái. Trong đó có một nghi thức không thể thiếu là vẽ tranh treo bàn thờ. Đây là nét văn hoá lâu đời, phản ánh sống động đời sống tâm linh và cuộc sống ấm êm no đủ của gia đình người Dao mỗi khi Tết đến xuân về.

Theo các cụ cao niên trong xã, từ xa xưa, trên bàn thờ mỗi gia đình người Dao đều treo một bức tranh. Tranh thờ không mua ở dưới chợ, không được sản xuất hàng loạt mà mỗi bức đều được thầy mo vẽ trên giấy bản. Nội dung tranh cũng được thế hiện theo yêu cầu riêng của từng dòng họ.

Cứ vào dịp cuối năm, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thầy cúng để nhờ thầy xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thầy mo sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ thì tiến hành vẽ tranh. Vì thế mỗi gia đình có một bức tranh riêng và không giống với bất cứ nhà nào trong bản.

Tranh được vẽ xong được treo lên tường. Ảnh: Nguyễn Nghĩa.

Thầy cúng dùng ký tự riêng để vẽ vua và các thần, gồm: thần Ngọc Thanh (Tồ tác) coi giữ bầu trời, thần Thượng Thanh (Lềnh pú) coi giữ mặt đất, thần Thái Thanh (Lềnh sị) coi giữ âm phủ… Theo quan niệm của người Dao, đây là các thần linh thiêng và khi thờ cúng luôn được đặt cao hơn tất cả thần khác.

Khi những bức tranh thờ đã cũ, hoặc con cháu ra ở riêng và làm nhà mới thì người chủ gia đình phải nhờ thầy vẽ lại tranh mới. Người Dao quan niệm có như vậy thì vua và các thần mới phù hộ, che chở cho gia đình có cuộc sống bình an, làm ăn phát đạt, con cháu không bị ốm đau, bệnh tật.

Tranh được vẽ xong, gia chủ phải chuẩn bị lễ để trả công thầy cúng. Lễ vật gồm một con lợn, một con gà. Tùy thuộc vào kinh tế và tấm lòng của gia chủ mà lợn, gà to hay bé. Đây là nghi thức để rửa mặt và mở mắt cho tranh. Sau đó thầy cúng chọn ngày mang tranh đến tận nhà gia chủ để làm thủ tục treo tranh mới.

Thầy cúng làm lễ khai quang treo tranh mới. Ảnh: Tuệ Lâm

Mâm lễ cúng treo tranh mới hay còn gọi là lễ khai quang của người Dao Nậm Lành gồm: một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng và 2 con lợn đã mổ và làm sạch. Đến 1h sáng, thầy mo bắt đầu làm lễ cúng báo cáo với các thần linh, tổ tiên, thần rừng, thần núi..., cầu mong phù hộ cho con cháu một năm mới có sức khoẻ, có cơm no áo ấm, thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy chuồng…

Tất cả thủ tục, từ mổ lợn đến cúng và treo tranh đều được diễn ra trong đêm, khi trời sáng thì mọi việc phải hoàn tất. Đến lúc mặt trời lên, gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con lối xóm mới đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ.

Tuệ Lâm - Nguyễn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét