10 thg 9, 2014

Truyền thuyết 7 hồ ở Măng Đen

Bảy hồ và ba thác nước tuyệt đẹp ở khu du lịch sinh thái Măng Đen (H.Kon Plông, Kon Tum) được người Mơ Nâm địa phương lý giải bằng câu chuyện đắm màu huyền thoại.

Thác Pa Sỹ, một cảnh đẹp thoát tục ở Khu sinh thái du lịch Măng Đen - Ảnh: Hoàng Ngọc 

Già làng A Đồ Ren ở làng Kon Bring (xã Đăk Long, H.Kon PLông) kể, người Mơ Nâm gọi Măng Đen là T'măng Deeng, nghĩa là đất bằng (rộng lớn).

Yang Plinh nổi giận

Trong truyền thuyết “Bảy hồ và ba thác”, ngày xưa Măng Đen là vùng bằng phẳng, đẹp lạ lùng với rừng thiêng xanh mênh mông trải dài như dải lụa. Dù đẹp vậy nhưng Măng Đen lại không có người và loài vật sinh sống. Một hôm, Yang Plinh (tương tự như Ngọc Hoàng thượng đế) từ trên trời nhìn xuống Măng Đen cảm thấy buồn bã, bèn gọi 7 người con trai đến, gồm: Gu Kăng Đam, Gu Kăng Lung, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng và em út là Gu Kăng Pô. Yang Plinh phán: Các con hãy xuống Măng Đen lập làng. Mỗi người được phong thần cai quản một vùng đất, gọi là Huynh.

Xuống lập làng, 7 người con của Yang Plinh lấy vợ, nhưng các bà vợ phải biến thành loài vật. Vợ của Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong biến thành heo thần gọi là Chu Huynh, vợ của Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng biến thành nai thần gọi là Zoi Huynh, vợ của Gu Kăng Lung biến thành cá thần gọi là Ca Huynh và vợ của Gu Kăng Pô biến thành thằn lằn thần gọi là Pô Huynh. Các bà vợ có trách nhiệm cai quản những con vật cùng loài với mình. “Các ngươi suốt đời không được ăn thịt các loài do vợ mình biến thành. Nếu phạm lỗi thì sẽ bị trừng phạt”, Yang Plinh căn dặn các con.

Một hồ nước ở giữa đại ngàn Măng Đen 

Nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết thuận hòa, các vị thần lại dạy cho con cháu dựng nhà, làm rẫy, săn thú, dệt vải, đan lát, hát ca, đánh cồng chiêng…, 7 làng của 7 anh em ở Măng Đen ngày càng sung túc. Mỗi năm, những người con của Yang Plinh về báo cáo với cha mình về công cuộc chăn dắt loài người ở Măng Đen. Sau này, cuộc sống ở trần gian say mê hấp dẫn, người làng ngày càng đông đúc nên các thần phải thường xuyên đi đây đó chăn dắt giúp đỡ dân và họ không về trời nữa.

Tuy vậy, mỗi năm khi lúa đã về đầy kho, heo gà đầy sân, thịt thú rừng cũng như cá ở suối được sấy khô gác đầy trên chạn bếp, con trâu, con bò, con dê thả trong rừng béo mập là lúc 7 vị thần dạy dân làm lễ ăn trâu cúng Yeeng (gọi là ăn trâu mừng năm mới). Những lần cúng Yeeng, người dân mặc đồ đẹp nhất, uống rượu và ăn những món ngon nhất, ca hát nhảy múa từ đêm này sang đêm khác. Trong những lần cúng Yeeng, nhất thiết phải có cây nêu vẽ hình trang trí thể hiện cuộc sống xung quanh họ, hình núi non, sông nước và trên cùng là hình mặt trời. Thông qua cây nêu (tượng trưng cho đường lên trời) các Huynh báo cáo với Yang Plinh về cuộc sống ở trần gian.

Trong các lễ hội này, các vị thần cũng vui chơi nhảy múa, ăn uống với dân làng. Thế rồi có một lần, do vui chơi, ăn uống cả tuần, những người con Yang Plinh quên mất lời cha dặn, ăn cả thịt cùng loài với vợ mình biến ra, chỉ có người em út là Gu Kăng Pô ở làng Huynh Pô là còn nhớ lời cha không ăn thằn lằn. Từ trên trời nhìn xuống, Yang Plinh nổi giận, dùng lửa trừng trị 6 đứa con trai lớn. Giữa lễ hội đông vui, giông tố nổi lên đùng đùng, 6 cột lửa trên trời đánh xuống 6 làng của 6 người anh, lửa phụt lên mù mịt, đất đá biến thành nước chảy tràn khắp vùng, nhà cửa tài sản, con người cũng như các Huynh đều bị nhấn chìm trong biển lửa.

Người em út làng Huynh Pô, dù không ăn thằn lằn nhưng biết mà không nhắc nhở các anh mình cũng bị trừng trị bằng một cột lửa. Nhưng Yang Plinh cho lựa chọn một là dân làng phải chết hoặc Gu Kăng Pô phải chết. Vì quá thương xót dân làng nên Gu Kăng Pô tự nhận cái chết về mình và xin mang theo một đứa nhỏ để hầu hạ. Các cột lửa từ từ tắt sau khi đã nuốt vào lòng đất toàn bộ con người và tài sản của 6 làng và 6 miệng cột lửa đó biến thành 6 cái hồ lớn. Dân làng Huynh Pô sống sót chuyển đi nơi khác và tại miệng hố lửa làng này cũng biến thành một hồ nhỏ. Trong khi Yang PLinh trừng phạt những đứa con trai, có ba cột lửa bắn lên và biến thành ba thác nước ở Măng Đen bây giờ.

Vùng đất của núi lửa

Theo già làng A Roi ở làng Kon Bring (xã Đăk Long, H.Kon PLông), truyền thuyết “bảy hồ, ba thác” xuất hiện từ bao giờ không ai rõ. Tuy nhiên, không chỉ có chuyện kể ở trên mà còn có một số dị bản lưu truyền qua lời kể của người Mơ Nâm ở vùng Măng Đen. Theo ý kiến một số người, có thể vùng đất này ngày xưa có núi lửa, vì theo truyền thuyết lửa đã biến vùng này thành 7 cái hồ lớn nhỏ, đồng thời đất ở đây là đất bazan, phù hợp trồng các loại cây công nghiệp, nhất là cà phê, khác với H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) và Kon Rẫy (Kon Tum) sát bên chỉ có đất thịt pha cát, hoặc tỷ lệ đất bazan trong đất rất ít.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, các hồ ở Măng Đen hiện lớn nhất là 3 ha, nhỏ nhất 0,5 ha. Đó là các hồ Toong Đam, Toong Ly Lung, Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Xăng, Toong Rơ Poong và Toong Pô. Theo tiếng Mơ Nâm, Toong có nghĩa là “nước”. Tuy nhiên, những truyền thuyết về các hồ này đang dần mai một nên cần phải viết thành sách dạy lại cho học sinh ở địa phương.

Phạm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét