22 thg 3, 2014

Tục trả áo cho cha mẹ sau ngày cưới của người Chăm

Sau ngày cưới hai ngày ba đêm người con trai không được phép về nhà cha mẹ ruột, sang ngày thứ ba chàng trai sẽ đem lễ vật về nhà cha mẹ để thực hiện lễ tục trả áo.
Tháng 7 hè sang, những ngọn đồi ở Ninh Thuận phủ trọn một màu tím của sắc hoa bằng lăng, người nông dân xong vụ đồng áng, đó cũng là lúc người Chăm rộn ràng, náo nức chuẩn bị mùa cưới cho những đôi vợ chồng trẻ. Ngày cưới diễn ra trong một ngày nhất định, cả xóm làng rềnh rang những bản nhạc tình yêu đương nồng thắm.

Người Chăm sống theo chế độ mẫu hệ, ở đó con gái chịu tất cả những chi phí cho việc cưới hỏi người chồng để về làm rể. Người chồng được cưới về có trách nhiệm tạo dựng một gia đình hạnh phúc, chăm lo việc đồng áng, dạy dỗ con cái và thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng tôn giáo.

Để tiến đến một lễ cưới, những chàng trai và cô gái Chăm phải tìm hiểu nhau trước, ngoài việc hợp nhau về tính cách, yêu thương nhau, yếu tố quan hệ cộng đồng và muôn đăng hộ đối trong gia tộc, dòng họ vẫn mang tính quyết định. Chàng trai Chăm luôn chủ động trong việc tìm người bạn tình. Khi biết và có tình ý với cô gái, chàng trai sẽ đến nhà cô gái chào hỏi, trò chuyện và tán tỉnh cho đến khi nào cô gái hiểu được tâm ý, chấp nhận tình yêu của chàng trai đó. Lúc này gia đình nhà gái sẽ nhờ người mai mối đến xin phép và chào hỏi gia đình chàng trai, để cho hai gia đình cũng như hai bạn tình được qua lại tìm hiểu thêm về nhau. 

Chú rể, cha đỡ đầu và trưởng tộc làm lễ để sang nhà cô dâu. Ảnh: Lâm Chiêu 

Khi đã chính thức quyết định lấy nhau, gia đình nhà cô gái sẽ chuẩn bị lễ vật như bánh ít lá chuối, bánh bông lan truyền thống, nải chuối chín, rượu và thịt hay khô cá đuối để mời họ hàng hai bên cùng thưởng thức. Trưởng tộc họ nhà cô gái sẽ đại diện để xin gia đình và dòng họ nhà chàng trai định ngày cưới chính thức cho đôi bạn tình.

Lễ cưới sẽ diễn ra vào ngày thứ 4 thượng tuần trăng trong các tháng 3, 6, 10, 11 (Chăm lịch) ứng với tháng 7, 9, 1, 2 (dương lịch). Rộn ràng và đông đúc nhất là tháng 3 Chăm lịch (tháng 7 dương lịch), các xóm làng trở nên náo nhiệt và đông vui từ sáng sớm cho đến tối mịt. Tiếng đờn ca thánh thót hòa với tiếng bước chân của dòng người qua lại làm cho xóm làng vốn bình yên trở nên rôm rả như một ngày hội.

Bắt đầu vào lúc 2h chiều ngày thứ 4, họ hàng bên nhà chàng trai sẽ chuẩn bị một bộ áo quần mà chàng trai hay mặc thường ngày đựng trong một cái túi, cha mẹ đỡ đầu (theo tục lệ), cùng cha mẹ chính thức và họ hàng, bạn bè sẽ dẫn chàng trai với bộ đồ Chăm truyền thống đến nhà cô gái. Trong một gian nhà cổ kính, cha mẹ đỡ đầu chàng trai sẽ thực hiện những nghi lễ chào hỏi và chính thức trao tay chàng trai cho cô gái và gia đình. Chàng trai với chiếc áo quạ truyền thống, đầu quấn khăn và cô gái với chiếc áo dài xinh xắn, rạng rỡ nắm tay nhau bước ra chào hỏi gia đình hai họ trong niềm vui vẻ, hạnh phúc, hân hoan. 

Lễ vật hai vợ chồng đưa đến được bày ra để cúng tổ tiên. Ảnh: Putra Jatrai 

Sau khi lễ cưới kết thúc, trong hai ngày ba đêm đầu chàng trai tuyệt đối không được bước chân vào nhà cha mẹ của mình, cho đến ngày thứ ba (nhằm ngày thứ 7 trong tuần) đôi vợ chồng trẻ sẽ đem bánh trái theo tục lệ gồm bánh ít, bánh sakaya, bánh bông lan, bánh tét, chuối, rượu đến nhà chàng trai để thực hiện nghi lễ “trả áo”.

Chàng trai sẽ mặc trên mình bộ áo quần mà cha mẹ đã sắm sửa chăm lo, nuôi nấng từ lúc lọt lòng đến khi lấy vợ để quay lại làm lễ tục “trả áo”. Người Chăm quan niệm người con trai khi lấy vợ sẽ không được mang bất cứ thứ gì của gia đình đi dù là một bộ áo quần vì công lao dưỡng dục, nuôi nấng của cha mẹ từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đã trọn vẹn và đầy đủ. Khi lấy vợ chàng trai sẽ phải tự sắm sửa cho mình, đã thực sự trưởng thành và tự chăm lo cho gia đình mới. 

Cô dâu và chú rể Chăm cùng họ hàng hai bên. Ảnh: Putra Jatrai 

Lễ vật mà hai vợ chồng trẻ đem đến sẽ được bày ra để dâng cúng và thỉnh mời linh hồn tổ tiên về chứng giám và cầu xin cho đôi vợ chồng trẻ làm ăn phát đạt, con đàn cháu đống và mãi mãi hạnh phúc bên nhau.

Sau khi kết thúc lễ “trả áo”, cha mẹ chàng trai sẽ sắm sửa một bộ lễ vật để cầu chúc cho đôi vợ chồng gồm: một bộ nồi, niêu, chén, bát, đũa với ý nghĩa từ nay hai vợ chồng sẽ tự túc cơm nước, ăn riêng, ở riêng; một miếng vải với ý nghĩa hai vợ chồng tự may vá cho mình cái áo để sưởi ấm cho nhau;một túi đậu phộng với ý nghĩa hai vợ chồng sẽ vượt qua mọi khó khăn lo lắng và một trái dừa với ý nghĩa hai vợ chồng sẽ làm ăn phát đạt, sung túc.

Lễ tục xong xuôi mọi người trong gia đình sẽ làm một bữa tiệc cùng nhau ăn uống, chuyện trò, buổi chiều cùng ngày chàng trai về lại nhà cô gái và ở rể bên nhà gái đến trọn đời.

Putra Jatrai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét