12 thg 3, 2014

Lang thang tới rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một dạng rừng ngập nước tiêu biểu của miền Tây Nam bộ. Hàng năm, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 - tháng 10 âm lịch), đây là nơi thu hút rất nhiều khách tham quan.

Rất nhiều bài viết, hình ảnh về rừng tràm Trà Sư trên mạng, do đó ở đây không nhắc lại. Nếu thích, bạn có thể đọc bài Chơi rừng Trà Sư hoặc Rừng tràm Trà Sư, bữa tiệc màu xanh mùa nước nổi.

Ở đây tui muốn nêu vài suy nghĩ cá nhân của mình, so sánh giữa 2 rừng tràm: Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang) và Gáo Giồng.(Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Về cảnh quan:

Trà Sư ăn đứt Gáo Giồng về cảnh quan, với một thứ đặc sản không đụng hàng. Đó là lớp bèo xanh phủ trên mặt nước thành một tấm thảm xanh mượt mà, lung linh, mát rượi. Chim cò cũng nhiều hơn và rất dạn dĩ. Chèo xuồng giữa rừng tràm như lướt trên tấm thảm xanh, chim bay ríu rít trên đầu, và thỉnh thoảng có những chú chim đứng bên rừng, sát mái chèo ngó nghiêng du khách rất ấn tượng.


Đi xuồng trong rừng tràm


Chim ở Trà Sư rất nhiều và dạn dĩ.

Về dịch vụ:

Dịch vụ chèo xuồng đưa khách tham quan thì 2 bên tương đương nhau. Ở Trà Sư tạo cảm giác tốt hơn vì tuyến đường dài hơn, lâu hơn, thỏa thích ngắm cảnh. Tuy nhiên, nếu xét đến dịch vụ khác như ăn uống, nghỉ ngơi, giới thiệu điểm đến... thì Trà Sư thua xa Gáo Giồng.

Tên gọi của 2 nơi giải thích sự khác biệt đó. Gáo Giồng có tên là Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng, rõ ràng tên gọi cho thấy đây là đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp. Còn rừng tràm Trà Sư là rừng đặc dụng do kiểm lâm An Giang quản lý. Đây là đơn vị sự nghiệp có làm du lịch chứ không phải nơi làm du lịch chuyên nghiệp.

Về khoảng cách:

Nếu tính từ TPHCM đến 2 điểm nêu trên thì:
  • Để đến Trà Sư: từ TPHCM đi Long Xuyên 185 km, từ Long Xuyên đến Trà Sư 75 km. Tổng cộng 260 km.
  • Để đến Gáo Giồng: từ TPHCM đi Cao Lãnh 155 km, từ Cao Lãnh đến Gáo Giồng 27 km. Tổng cộng 182 km.
Chất lượng đường đi tương đương nhau (Gáo Giồng có 12 km đường rất hẹp). Như vậy đường đến Trà Sư xa gấp rưỡi đường đến Gáo Giồng, đồng nghĩa với mất thời gian và chi phí nhiều hơn.

Tóm lại, so với Gáo Giồng thì Trà Sư chỉ có một ưu thế, đó là cảnh quan đẹp hơn còn những mặt khác đều thua. Nếu bạn đi du lịch vào mùa này thì Trà Sư lại càng thất thế, vì cảnh quan Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi, mà bây giờ còn xa lắm mới tới mùa mưa... 


Đây là nhận định cá nhân tui thôi, nghĩ thế nào là tùy bạn. Nếu bạn kết hợp thăm Trà Sư với những điểm du lịch nổi tiếng gần đó như núi Cấm, đồi Tức Dụp... và thay vì ăn ở Trà Sư bạn ra ngoài dùng những món đặc sản của vùng Bảy Núi như cháo bò Tri Tôn, gà hấp lá trúc... thì cũng hợp lý lắm đó! (giống như tui đã làm vậy mà, ha ha!).

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét