7 thg 3, 2014

Rước lễ Tiên công

Hằng năm, cứ tới mùng 7 tháng Giêng, người dân vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh lại nô nức tham gia lễ hội Tiên công, một trong những lễ hội độc nhất vô nhị ở Việt Nam với tục rước người sống. Vào thời Hậu Lê, khoảng năm 1434, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, một nhóm người gồm 17 nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, nông dân… đã xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng tìm đất lập nghiệp. Vùng đảo Hà Nam ngày nay là một trong những vựa lúa, vựa thủy sản của Quảng Ninh cũng chính là nơi 17 vị Tiên công chọn để lấn biển, khai hoang, lập ấp, dựng làng 580 năm trước.

Lễ hội Tiên công năm nay ở vùng đảo Hà Nam có 206 cụ thượng thọ được rước võng lọng về miếu Tiên công lễ tổ; trong đó có một cụ tròn 100 tuổi, 35 cụ tròn 90 tuổi và 170 cụ tròn 80 tuổi. Có 34 cụ được con cháu tổ chức rước lên miếu, chia thành 3 đoàn rước tập thể và một đoàn rước cá nhân. Đoàn rước có số cụ Thượng đông nhất là 28 cụ. Ảnh: Toàn cảnh lễ hội Tiên công năm Giáp Ngọ.


Các đoàn rước ở các làng xuất phát từ tinh mơ bắt đầu chuyển động theo nhịp trống khẩu và tiếng trống múa kỳ lân dồn dập, thôi thúc. Đội nữ tân rước cờ, rước bát biểu, đồ tế khí cổ… bước hai hàng dọc nghiêm trang theo nhịp trống khẩu. Đi sau hàng cờ ngũ sắc là hai hàng bát bảo do mười nữ tú đầu vấn khăn mỏ quạ, hai dải khăn thắt phía sau gáy, mặc trang phục áo dài tứ thân, chân đi giày vải, đi nghiêng người, hai hàng quay mặt đối diện nhau. Đi sau hai hàng bát bảo là đội bát âm, các nhạc công đội khăn xếp, mặc áo dài the đen vừa đi vừa chơi khúc nhạc “Lưu thuỷ hành vân". Ảnh: Đông đảo người dân và du khách chen chúc xem lễ rước.

Đi sau đội bát âm là những người con gái hoặc dâu hoặc cháu gái nội cụ Thượng đội hai mâm lễ vật dâng Tiên công gồm: một mâm có chai rượu trắng, một buồng cau, một ít lá trầu, bánh dày hoặc bánh chưng, một con gà luộc hoặc thịt lợn (thủ lợn và đuôi lợn cài ngang hàm) và một đĩa muối. Một mâm ngũ quả. Kế sau hai mâm lễ vật là một hương án do tám thanh niên đầu quấn khăn đầu rìu, mặc áo thắt đai màu đỏ, là họ hàng cụ Thượng khiêng.

Khoảng 12 giờ trưa, đoàn tế của bốn thôn bắt đầu nghi lễ tế Tiên công. Ban tế tứ xã tế xong các cụ Thượng mới được vào miếu lễ tổ. Mỗi cụ Thượng khi vào lễ đều được cụ tiên thứ chỉ của xã đọc một bài văn ngắn ca ngợi phúc đức tổ tiên, kể công lao của người thượng thọ và chúc cụ Thượng đó sống lâu, chúc dòng họ có cụ Thượng làm ăn phát đạt để có nhiều người được hưởng tuổi trời cho.

Sau lễ Tiên công xong, hàng xã mời hai cụ Thượng còn khoẻ ra trước cửa miếu Tiên công làm nghi lễ ‘vượt thổ’ và thực hiện nghi thức ‘đánh vật’. Đắp đê và đánh vật của cụ Thượng là nét văn hoá độc đáo, tinh tế của người Thăng Long nơi cửa biển. Cùng với nghi thức lễ tế Tiên công, xung quanh khu vực đền Tiên công diễn ra các hoạt động như: đấu cờ người, chơi đu, bài điếm, chọi gà, hát đúm và một vài trò vui khác.

Hát dân ca trên hồ, một trong những hoạt động văn hóa của ngày hội lễ Tiên công.

Bài và ảnh: Thảo Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét