30 thg 3, 2014

"Trái tim" của trà Thái Nguyên là đây?

Đất chè Thái Nguyên có một loại được gọi là "vô danh trà", âm thầm góp vị xứ trà thêm nổi tiếng. 

"Mật danh" Khe Cốc

Đã từ lâu, giới sành trà nước ta nhắc đến một loại chè không hề nổi tiếng, thậm chí không có tên tuổi trên thị trường và cũng chẳng mấy người biết tới. Đó là loại chè có "mật danh" Khe Cốc. Trên thực tế, đó là chè do người làng Khe Cốc, xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên làm ra. 

Làng Khe Cốc chông chênh trên những đồi đất gan gà của xã Tức Tranh. Từ lâu, làng đã trở thành "rốn trà" xứ Thái với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho Khe Cốc thổ nhưỡng tuyệt diệu để trồng thứ cây giúp họ đổi đời. Ở Khe Cốc, người ta rất hiếm tìm ra những thuở ruộng trồng lúa hay ngô, khoai, sắn. Tất cả từ đồi cao đến đồi thấp, đồi xa đồi gần đều một màu xanh mướt của chè. 

Đồi chè Khe Cốc. 


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng xóm Đập Tràn, một trong những xóm có diện tích chè lớn nhất Khe Cốc tự hào kể: "Hầu hết người trong làng không phải người gốc Thái, số nhiều di cư khai hoang từ Phú Xuyên (Hà Tây cũ) lên những năm 1976 rồi học bà con bản địa cách chọn giống, trồng chè đến thu hái sao chế mà trở thành nghề. Ở đây, nghề trồng lúa không cạnh tranh được với chè nên không tồn tại. Vả lại, trồng chè hiệu quả gấp chục lần trồng lúa nên người dân chọn cây chè làm hướng đi lâu dài". 

Vậy là từ những năm sau giải phóng, người Khe Cốc đã trồng chè không phải để xoá nghèo, mà là làm giàu. Hiệu quả gấp chục lần trồng lúa nên ở Khe Cốc không có người đói, không có người nghèo mà chỉ khá giả hoặc giàu. Với họ, cây chè là thứ cây "đẻ" ra tiền cho nên họ không làm bất cứ một thứ nghề phụ nào khác. Theo như lời ông trưởng xóm Nguyễn Văn Hiếu thì, họ dành thời gian nhàn rỗi để "hái tiền". 

Khe Cốc có diện tích chè khiêm tốn - chỉ 200ha và cũng cho ra một sản lượng trà khiêm tốn với gần 2 nghìn tấn chè búp tươi/năm, ứng với 1 nghìn tấn chè khô thành phẩm. Giá chè cũng không đắt, tất nhiên cũng không phải rẻ khi luôn ở mức 200.000 - 250.000đ/kg. Thế nhưng, cái gì khiến "vô danh trà" trở thành danh trà số 1 ở Thái Nguyên? 

Lửa sao chè phải đủ độ và loại củi đặc biệt. 

Tuyệt kỹ "vô danh trà" 

Theo giải thích của ông Đặng Văn Chuyên, một người làm chè lâu năm và có tiếng của Khe Cốc thì tất cả đều nằm ở bí quyết. Bí quyết nằm trong lòng bàn tay của những người coi việc sản xuất chè là một nghệ thuật. Cho nên, người Khe Cốc chăm chút cho chè ngay từ khâu chọn đất. 

Những quả đồi chênh vênh ven những con suối được người dân trưng dụng dùng để trồng chè. Tất nhiên, đó phải là những quả đồi nhận được nhiều ánh sáng mặt trời để lá chè có màu tươi của nắng. Không như những vùng chè khác, người Khe Cốc chỉ trồng chè ta, thứ chè mà gần như tất cả các vùng trồng chè khác bỏ đi. 

Trong 2 năm ròng từ khi trồng chè giống, họ chăm bẵm cho chè từng li từng tí. Từ tưới tắm, phun thuốc, cắt tỉa, bắt sâu đến làm cỏ đều hết sức tỉ mỉ. Thậm chí, họ còn nhai lá của từng cây chè để loại bỏ ra những cây không đủ vị khi làm trà thành phẩm. 

Chè đủ độ phải đưa ra khỏi lò. 

Theo ông Chuyên, ngay cả khâu bón phân cho cây cũng phải cần công thức. Sau 2 năm, chè có thể thu hái được thì cách hái búp cũng phải có quy tắc. Đó là cách hái theo công thức "một tôm hai lá" tức là hái một búp và hai lá non. Khi hái, tay phải sạch, nếu dính mỡ động vật sẽ khiến cây chè biến đổi vị thành chua hoặc chát. 

Khâu sao sấy mới thật kỳ khu. Sau khi chè được hái về, người Khe Cốc sẽ chọn những loại củi đặc biệt để đốt lò. Theo ông Chuyên, có hai loại củi đặc biệt phải tránh là xoan và bạch đàn. Nếu dùng 2 loại củi này đốt lò khi sao sấy thì chè sẽ bay sạch mùi. Khi pha, nước trà vẫn xanh nhưng không có mùi vị gì. 

Và khi sấy, lửa phải đúng độ. Lúc đầu cần lửa to nhưng phải giảm dần. Khi chè chín đủ độ giống như "cơm chín tới" thì phải bỏ chè ra khỏi chảo và dùng tay bóp nhuyễn. Khâu này chỉ người kinh nghiệm mới làm được vì lúc đó, chè nóng hàng trăm độ khiến bất cứ một bàn tay nào cũng có thể bỏng rát. 

Bóp nhuyễn khi chè nóng hàng trăm độ. 

Đoạt giải cũng không ai biết 

Theo thống kê của UBND xã Tức Tranh, diện tích trồng chè của cả xã lên tới hàng nghìn ha và sản lượng trà lên tới hàng chục nghìn tấn một năm. Nhưng chỉ duy chè Khe Cốc mới đủ sức đối chọi với thị trường. Trà làm ra bao nhiêu hết tới đó, không có tình trạng ế ẩm, trong khi chè các làng khác phải vật lộn khổ cực để bán với giá rẻ mạt cho các thương lái đi thu gom.

Theo ông Tạ Quang Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh: "Người Khe Cốc làm trà thuộc hạng điêu luyện của tỉnh Thái Nguyên. Hầu hết các cuộc thi, hội chợ thì Khe Cốc đều "ẵm" những giải cao nhất. Như dịp Festival trà quốc tế, chúng tôi đạt những 4 giải nhưng chẳng ai biết vì họ không muốn quảng bá". 

Quả thật, vào Khe Cốc nếu không để ý sẽ rất khó nhận biết đó là làng nghề chuyên sản xuất trà. Bởi không có quảng bá, không một biển hiệu. Thậm chí đường làng vắng tênh không bóng người. Tất cả âm thầm dãi nắng trên nhưng đồi chè cao ngút ngát hoặc bận bịu trong những bếp lò xao sấy. 

Tín hiệu để nhận biết của Khe Cốc là hương trà lan toả từ những bếp lò rực lửa, đó là mùi của sự thanh thoát và dịu nhẹ - mùi của Khe Cốc.



  •  "Trà Khe Cốc tuy không nổi tiếng nhưng thuộc loại "thượng trà" đáng để thưởng thức. Chính thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất ấy, đặc biệt sự thích hợp về thổ nhưỡng để có thể thu hái được những lá chè tốt nhất, mà như chúng ta đã biết, búp chè có thành phần sinh hoá cân đối tốt nhất theo bí quyết hái chè của người Khe Cốc là 1 búp và 2 lá non". 
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính (Chủ tịch Hội Khoa học - Công nghệ chè Việt Nam) 
  •  "Những người sành trà ở Thái Nguyên, đặc biệt là các cụ già đều rất yêu mến trà Khe Cốc. Nước trà xanh, pha mấy nước vẫn chưa nhạt màu, vị trà đậm để lại chút ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Và trà Khe Cốc không quá mạnh nên người thưởng trà vào ban đêm cũng không bị mất ngủ như nhiều loại trà khác". 
TS Trịnh Quang Dũng (Nhà nghiên cứu trà đạo) 

Trần Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét