11 thg 1, 2013

Về Ô Môn thưởng thức khô chạch nướng



Khô cá chạch nướng chấm mắm me. Ảnh: Tương Tâm 

Cá chạch đồng (chạch bùn) là loài cá nước ngọt, sống ẩn mình dưới bùn nơi sông rạch, theo con nước chúng ngoi đầu lên tìm các phiêu sinh vật hoặc bọt nước để ăn. Thân cá chạch tròn dẹt, khi trưởng thành dài khoảng một gang tay. Da cá trơn láng có màu vàng nâu hoặc xám đen. Đầu và miệng nhỏ, mắt bé, vảy cá nhỏ li ti ẩn sâu dưới da, và nơi phần đuôi có những chấm tròn đen. 


Tôi nhớ những năm còn ở Ô Môn (Cần Thơ), cứ đến mùa cá chạch (khoảng tháng 10 – 11 âm lịch), tôi và bạn thường rủ nhau xuống sông cào chạch. Mỗi lần đặt bàn cào xuống bùn thấy rung nhẹ thì chắc chắn rằng sẽ có một hoặc hai chú chạch dính vào, liền kéo bàn cào lên, gỡ chạch ra cho vào giỏ. Nhìn những chú chạch màu vàng nhạt, tươi roi rói đang ngọ nguậy, thật hấp dẫn. Một người nếu cần mẫn và có kinh nghiệm, trong một con nước, có thể kiếm được vài ký chạch rất dễ dàng.

Cá chạch thịt ngọt, béo, dai, giàu chất dinh dưỡng. Theo Đông y, thịt chạch có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống lão hóa, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già…; còn theo Tây y, thịt chạch có nhiều chất đạm, chất béo, và các axit amin cần thiết khác cho cơ thể… Ngoài ra, theo dân gian, nhớt cá chạch cũng có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, kháng khuẩn mạnh. 



Cá chạch. Ảnh: Tương Tâm 

Chính vì có những "ưu điểm” nêu trên, nên cá chạch được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng trong việc chế biến món ăn như cá chạch tươi nướng dầm nước mắm tỏi ớt, cá chạch kho nghệ sả ớt, cá chạch làm khô… Nhưng “cánh mày râu” chúng tôi mê nhất là món khô chạch nướng chấm nước mắm me.

Chế biến món ăn này rất dễ, không cầu kỳ, nhưng phải tốn thời gian để phơi khô. Chạch khi đánh bắt được (hoặc mua về) phải lựa những con còn tươi, cỡ vừa ăn (một ký lô khoảng 20 con) vì cá chạch lớn quá, phơi sẽ lâu khô. Trước hết, cho cá chạch vào thau có pha nước cốt chanh (hoặc giấm) rửa sạch nhớt và mùi tanh (không cần đánh vảy hay mổ bỏ nội tạng gì cả, cứ để nguyên con). Kế đến ướp gia vị theo tỷ lệ như sau: cứ một ký lô cá chạch cho 3 muỗng cà phê bột nêm + 1 muỗng cà phê muối bọt + 1 muỗng cà phê tiêu (hoặc ớt bằm, ít nhiều tùy khẩu vị), trộn đều, để ngấm khoảng hai tiếng. Ướp xong, cho cá chạch ra rổ phơi, khoảng hai ngày là được.

Cho khô chạch vào bếp nướng chín vàng, xếp ra dĩa cùng với mấy thứ ăn kèm như dưa leo, chuối chát, khế chua, rau thơm (húng, quế)… Và quan trọng nhất là chén nước mắm me. Khâu pha chế nước mắm me là cả một nghệ thuật, quyết định chất lượng món ăn.. Nước mắm phải là nước mắm ngon nguyên chất (nước mắm hòn Phú Quốc) cùng với me chín dầm lấy cơm me (bỏ hạt), hòa với đường, bột ngọt, ớt cho vừa ăn. Nên nhớ, pha nước mắm me phải sệt mới ngon.

Còn gì thú vị cho bằng trong những ngày nghỉ cuối tuần cùng bạn bè về Ô Môn, ghé vô quán vắng ngoại thành yên ả để thưởng thức món khô cá chạch nướng. Cầm con cá chạch nướng chấm vào chén nước mắm me đưa lên miệng nhai chậm rãi. Thuận tay nhón vài cọng rau sống cặp vào. Vị béo ngọt, dai dai của cá chạch, vị chua ngọt của nước mắm me lẫn mùi thơm của rau húng như đánh thức mọi giác quan. Nếu thêm một cốc bia lạnh vào nữa chắc chắn bạn sẽ luyến nhớ mãi một món ăn dân dã đặc trưng nơi miền Tây Nam bộ này.

Tương Tâm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét