11 thg 1, 2013

Quán ca cổ trên chợ nổi Cái Răng



Hai nghệ nhân đang đờn ca phục vụ khách trong quán cà phê nhà bè trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết 

Anh bạn rủ đi chợ nổi uống cà phê, nghe ca cổ. Chợ nổi Cái Răng thì mình đi nhão cả rồi, mỗi lần bạn bè nơi khác đến Cần Thơ mình vẫn dẫn ra chợ nổi tham quan mà. Nhưng vô Cái Răng uống cà phê nghe cũng hay, coi như đổi quán một bữa, lại có màn thưởng thức ca cổ thì càng vui. Vậy là sáng sớm, mấy người bạn cùng xuống bến tàu du lịch mướn tàu vào Cái Răng.

Khu chợ nổi họp mỗi sáng cách chân cầu Cái Răng khoảng 500 thước đông đúc ghe xuồng tụm lại dài theo mặt sông, mấy cây bẹo treo trước mũi ghe lủng lẳng nào khóm, nào cam, củ khoai, củ sắn và trăm thứ khác. Bữa nay cận tết nên cam, bưởi, dưa hấu, vú sữa đầy ghe và đã có nhiều xuồng chở hoa kiểng cho người mua chưng tết… Mấy con tàu du lịch cứ tới lui nườm nượp chở khách nước ngoài vẻ háo hức với những chiếc máy ảnh, quay phim. Cảnh vật, không khí trên khu chợ nổi đã bắt đầu rộn ràng không khí tết tuy có vẻ không được sung như mọi năm.

Cậu lái tàu quen đưa chúng tôi đi một vòng chợ nổi, vô tận phía trong rồi quay tàu ngược trở ra tấp vào một nhà bè nằm sát bến trái cây đầu mối có những cần xé trái cây đầy ắp chuẩn bị chở đi khắp nơi. Từ dưới sông nhìn lên, cái bảng hiệu với mấy dòng chữ ngộ nghĩnh viết trên tấm vách nhà đập vào mắt “Cà-pê Lý Tài, ca cổ”, kế bên nguệch ngoạc thêm mấy chữ “Bún nước lèo Sóc Trăng kính mời”. À, thì ra đây vừa là quán nước, vừa có bán thức ăn và phục vụ ca cổ. Cái này hay à! 



Những dòng chữ nguệch ngoạc trước cửa quán cà phê nổi ở Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết 

Nghe anh bạn nói nhà bè này mới có mấy tháng nay, chủ quán chính là người vừa đàn vừa ca cổ tên là Lý Hùng. Trước đây cả gia đình gồm hai vợ chồng bốn đứa con vẫn túm tụm trên chiếc ghe cũ bán cà phê kiếm sống qua ngày trên chợ nổi, gần năm nay mới mua được cái nhà bè 50 triệu, trả góp mới hơn phân nửa.

Khi chúng tôi bước lên cái nhà bè khoảng 20 mét vuông, ông chủ quán Lý Hùng đã đứng sẵn trước nhà để đón khách. Quán xá lèo tèo chỉ có hai chiếc bàn nhỏ, một kệ cao để mấy chai nước ngọt và một chiếc ghế dựa, một chiếc võng giăng phía trước. Cô vợ Lý Hùng tên Kim Chưởng đã chở ghe nước đá đi bán quanh chợ nổi, chỉ còn một cô gái đang làm xưởng giày dép hôm nay được nghỉ ở nhà tiếp cha bưng nước cho khách. Tuy có nêu trên bảng hiệu nhưng cái món “Bún nước lèo” gì đó vẫn chưa có người nấu.

Ngồi xuống bàn, nhìn quanh đã thấy mấy cây đàn treo trên vách. Thì ra đó là giàn đờn của ông chủ. Chủ khách nói ba điều bốn chuyện xong, anh bạn tôi gợi ý cho Lý Hùng ca vài bài. Nhà ca cổ tài tử cười bẽn lẽn: “Mấy hôm rày em không ca hát gì được bị cái ampli cứ rọt rẹt hoài, khách nghe tức nghẹn luôn”. Anh bạn cùng đi cười nói, vẻ hào hứng: “Thì ca không cũng được”. 


Giàn đờn treo trên vách quán cà phê của vợ chồng Lý Hùng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết 

Nói vậy nhưng Lý Hùng cũng mở điện, cắm dây micro vào ampli rồi ngoắc một người đàn ông trạc tuổi anh đang ngồi trước nhà vào. Hùng giới thiệu anh kia tên Nhân, từ Phong Điền cùng vợ sáng sáng chạy ghe ra đây bán trái cây, trưa về theo con nước lớn đổ vào. Mấy hôm trước anh Nhân này vẫn cùng Hùng đàn ca trên bè phục vụ khách du lịch.

Hùng kể: “Có hôm hai ba tàu du lịch ghé vào, nhà chỉ chứa được một đoàn khách chừng hai chục người. Đoàn kia phải ngồi chờ dưới sông. Chỉ tiếc máy móc trục trặc, cả nửa tháng nay khách không ghé vào nữa”.

Rồi Lý Hùng cầm cây đàn chỉ có hai dây, đàn cho bạn hát. Giọng ca của anh bạn tên Nhân cũng khá mùi mẫn, tuy không sánh bằng nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng nếu có giàn đờn tốt, âm thanh ngon lành chắc cũng đủ sức vang xa trên dòng chợ nổi Cái Răng vốn đã phong phú các dạng mua bán này.

Sau anh Nhân, Lý Hùng cũng vừa đàn, vừa ca một câu vọng cổ mùi rệu cho chúng tôi nghe. Hình ảnh gầy gò của anh nông dân quê gốc ở Long Tuyền từ nghề cắt lúa mướn sinh nhai trở thành ông chủ một quán nước với câu hát, tiếng đàn khiến khu chợ nổi tấp nập ghe thuyền trước mắt tôi như có thêm chút lãng mạn dễ thương. 


Du khách nước ngoài đi chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết 

Âm hưởng của tiếng đàn, giọng hát chợt đứt đoạn khi chị Kim Chưởng, vợ Lý Hùng tấp ghe lại bước lên bè. Chị vợ còn vui vẻ hơn ông chồng. Vừa lau mồ hôi trán, chị vừa hối con khui thêm nước ngọt, làm thêm cà phê đá cho khách. Hỏi về cuộc sống hiện tại, chị cười tươi rói:

- Giờ khỏe lắm rồi. Trước đây sống trên ghe, đêm nào cũng phải tát nước cho khỏi chìm ghe. Chỉ mong làm ăn khấm khá, trả hết nợ mua bè.

Trong khi đó, ông chồng cứ mơ ước một cái ampli mới để có thể ca tốt hơn, để khách du lịch nước ngoài và bà con mình được phục vụ tốt và ghé lại quán đông hơn. Trò chuyện với cả hai vợ chồng mà lòng rưng rưng cảm hoài. Bởi một bộ ampli chỉ ba, bốn triệu đồng mà mơ ước của người đàn ông say mê ca hát này dường như xa vời làm sao. Có phải đó cũng là lý do anh bạn dẫn chúng tôi đến chợ nổi sáng nay chăng?

Trên tàu du lịch trở về Cần Thơ, tôi lại gặp rất nhiều tàu chở khách nước ngoài rẽ nước lướt qua. Khách bên này, bên kia vẫy chào nhau rối rít. Máy ảnh cứ giơ lên, chụp qua chụp lại, vui ơi là vui. Không khí ngày tết như đã tỏa ấm trên sông. Chạnh nghĩ đến quán ca cổ với mấy dòng chữ nguệch ngoạc của Lý Hùng ghi trên bảng hiệu. Lòng thầm mong một ngày trở lại, sẽ được nghe tiếng đàn, tiếng ca vang lên trên dòng chợ nổi đầy ắp ghe xuồng này.


Chi Lan 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét