19 thg 1, 2013

Hát hò Bình Định

Ði khắp các huyện"Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn... trên đồng ruộng, nương rẫy, hoặc trong những đêm trăng họp mặt, ta thường nghe vút lên những giọng hò khoan thai dìu dặt, những lời đối đáp nhộn vui, thú vị, ấy gọi, goi là "Hát hò",còn gọi là "hát đối đáp". Các cụ già vẫn yêu thích Hát hò như người ta yêu quý máu thịt của mình vậy, vì một thời Hát hò đã trôi qua trong tuổi trẻ của họ trong ánh mặt trời cần thiết cho cuộc sống.



Đến nay vẫn chưa biết được phạm vi sinh hoạt của Hát hò có đến đâu, song dù sao Hát hò cũng cần được xem là một vốn quý trong kho tàng văn hoá địa phương, bởi vì nó sống trong sinh hoạt của người địa phương từ lâu đời, rất thiết tha, gắn bó.




Hình thức sinh hoạt của Hát hò được gắn liền với hoạt động sản xuất của nhân dân địa phương. Ta thường nghe Hát hò trong những đêm giã gạo, những buổi làm việc, hoặc những buổi họp mặt đông vui.

Hát hò trong những đêm giã gạo được gọi là "Hò giã gạo". Ngày xưa, không có máy xay, giã gạo bằng chày là chính. Không có gì vui bằng những đêm giã gạo, hạt gạo trắng nõn nà, tình người rộn ràng vui sướng. Khi ấy, Hát hò phủ chắp thêm đôi cánh cho niềm vui bất tận, cho mọi người thêm sức dẻo dai sau một ngày lao đọng vất vả. Khi giả gạo, người ta thường tập trung cối bên lề đường hay trên những bãi sân rộng. Số cối và số người không hạn định, từng đôi nam nữ vào cối. Người nào còn lại vây vòng ngoài để thưởng thức, cũng là để góp giọng"hò hê" phụ họa. Giọng hò khoan thai hoà cùng tiếng chày nhịp nhàng cứ thế kéo dài suốt đêm không mệt mỏi.


Hát hò còn được tiếng hành trong những buổi sinh hoạt khác như: làm mía, cấy lúa, hoặc trong những buổi lao động tập trung khác. Về cơ bản, không khác hình thức hát giã gạo. Cùng những bài hát đối đáp trữ tình, cùng tiếng hát bên nam bên nữ vút cao hoà trong giọng "hò hê" ngân dài... chỉ khác là do điều kiện lao động, nghệ nhân tập trung ít, địa điểm không cố định, và nhất là thiếu nhịp chày làm nên cuộc hát thiếu hấp dẫn hơn. Tuy vậy, ngày nay nhữnghinh thức nay vẫn được tiến hành thường xuyên, duy trì được sự sống của Hát hò trong sinh hoạt quần chúng từ khi hình thức giã gạo tập trung không còn nữa.


Dẫu trong hình thức nào cuộc hát cũng được thực hiện theo một tiến trình nhất quán. Tiến trình ấy do tập thể quy định và tự giác tiến hành.


Thông thường, cuộc hát được mở đầu bằng những bài hát chèo, hát hỏi. Hát chào, hát hỏi là để làm quen, vào cuộc như người lịch sự muốn bắt đầu câu chuyện:



"Xoay bên nam nữ tôi chào trai nam tử.
Xoay bên nữ tôi chào thục nữ thuyền quyên.
Chào chung trở lại chào riêng
Chào người bạn lạ kết duyên buổi đầu".

Hát chào đã được xem là một quy ước. Vào cuộc ai không chào sẽ bị đẩy: nghĩa là không được tham dự cuộc hát nữa. Đáp lại hát chào gọi là hát dưng. Sau khi hát dưng người ta sẽ hát định đội, kết bạn:



"Em gặp anh đây giữa đám đất cày.
Lấy gì mà trả ơn dày cho nhau.
Thương thời bước tới mau mau.
Kẻo mà ly biệt ngày sau khó tìm.
Khen ai khéo gãy đàn kìm.
Như dao chứ ruột như kim đâm lòng".

Kết thúc giai đoạn mở đầu, cuộc hát bắt đầu giai đoạn tâm tình. Câu chuyện tâm tình thật nhiều dạng nhiều vẻ. Tuỳ theo sự gợi chuyện, dẫn dắt của từng đôi bạn hát, khi là những bài hát đố hiểm hóc để thử tài ứng đối, khi là những bài đối đáp tình tứ, duyên dáng:

Nam:


Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi trong lãnh hẹ nhớ mùi rau răm.
Nhớ người bạn cũ trăm năm.
Quay tơ có nhớ nghĩa tình hay quên.
Nữ:
Em quay tơ nhớ từ bướm dẻ
Ơn nghĩa chàng khong lẽ nào quên.
Nghĩa nào nghĩa nay em quên.
Nghĩa anh em để một bên tấm lòng.


Sau khi đã thử tài, thông hiểu nhau, các đôi bạn tâm tình với nhau bằng những bài hát đậm đà tình nghĩa. Gặp hoàn cảnh trái ngang họ hát than, hát trách để được bạn về tình động viên an ủi. Tình yêu thuận buồm xuôi gió, họ hát nguyền, hát kết để hẹn hò gắn bó thuỷ chung. Bên đối đáp, lời hát thắm thiết nghĩa tình. Đã có nhiều đôi bạn hát thành vợ chồng từ những nghĩa tinh ấy. Đây là giai đoạn thú vị nhất, sinh động nhất của cuộc hát mà thời gian và bài hát có thể kéo dài không hạn định. Đây cũng là giai đoạn bộc lộ nhất tài năng của các nghệ nhân.


Cuộc hát được kết thúc bằng những bài hát chào về, hát đưa tiễn để chia tay và họ hẹn. Lời chào cũng như lời tiễn thương mang nội dung lưu luyến, hối tiếc vì cuộc vui chóng tàn:



Bây giờ đã hết canh ba.
Láo lư trong dạ xót xa muôn phần.
Nàng ơi xich lại cho gần,
Để qua phân tấn phân tần cho nghe.
Để anh về kẻo núi áng mây che.
Tình chàng nghĩa thiếp vẹn bề thiết tha.

Như vậy, tiến trình của cuộc bài hát, Hát hò được xếp vào loại giao duyên tình cảm. Tất cả các bài hát thi đối, đối đá, than trách... đều thể hiện được tình cảm mãnh liệt, trong sáng, trẻ trung của những người lao động tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống. Ta có thể bắt gặp trong câu Hát hò đầy đủ các cung bậc tinh yêu: có cái nhìn ấm áp yêu thương giữa đồng ruộng đang trưa, có cái náo nức đợi chờ trong những đêm hò hẹn; có niềm vui rưng rưng nước mắt khi gặp người yêu:

Em gặp anh đây cha chả là mừng.
Tưởng như lúa trổ nửa chừng gặp mưa.
Em gặp anh đây tròn bóng đang trưa.
Rưng rưng nước mắt tay đưa miếng trầu.

Vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại, tình yêu của họ rất bền chắc, thuỷ chung:


Anh với em thương đã chắc.
Cắt tóc thề nguyền.
Dù ai nói ngã nói nghiêng.
Trăm năm ta không bỏ nghĩa em
Trăm nơi phú quý ta không thèm nơi mô.

Một lời nói ra chắc nịch như khắc vào đá. Thật đúng là tính cách người Trung bộ giản dị, thật thà mà thẳng thắn, thủy chung.

Tình yêu sâu sắc, thiết tha trong Hát hò gắn liền với đạo đức truyền thống của nhân dân. Họ yêu say mê, chân tình, nhưng không chân thành mà để tình yêu cám dỗ. Càng xúc động trước sự bày tỏ của người yêu, các cô gái càng khôn khéo thử thách để giữ lấy tình yêu trong sáng. Thử nghe chuyện tình của một đôi trai gái. Chàng trai tỏ tinh đâu phải đã không thành thật:



Ghé vào Suối Đục đục mưa.
Chẳng duyên thời nợ gió đưa gặp nàng.
Tứ bề ruộng vắng gò hoang.
Cho đây gửi chút can tràng được chăng?

Cô gái thông minh bày tỏ tình cảm của mình một cách khéo léo và đúng mực:


Giữa đường không tiện nói năng
Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tỏ tình
Gò Găng có chợ có đình
Người quen thấy mặt, thần minh chứng lời.

Ai bảo cô gái đã không yêu? Tình yêu của cô cần có sự chứng lời của "thần minh",sự "biết mặt" của mọi người. Quả là tình yêu trong sáng của một thôn nữ Việt Nam.

Nội dung bài Hát hò còn bày tỏ được nỗi cơ cực bần hàn của một cuộc sống nghèo khổ, sự day dắt của tình yêu ngang trái, và cả những băn khoăn, lo lắng của các cô gái bất hạnh. Nghe lời than của cô gái mồ côi thật cảm động:



Ngọn cỏ phất phơ ngọn cờ phơ phất,
Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.
Em than với anh một tiếng mồ côi.
Nơi ăn không có, chỗ ngồi cũng không,
Nhà thời đứng dựng đòn dông.
Tôi ngủ dưới đất cũng không chiếu giường
Liệu bề thương đặng thì thương
Đừng trao gánh nặng giữa đường tội em.

Khi thì trách ông tơ bà nguyệt trớ trêu, trời đất cay nghiệt, khi thì trách người yêu bội bạc, phỉnh phờ... Lời than trách bao giờ cũng chua xót đắng cay. Song, than trách không phải để buồn chán, bi lụy, mà là để mong được bạn tình an ủi vỗ về thường là những lời yêu thương đầy thông cảm. Vì vậy, càng than trách, tình cảm càng thêm gắn bó, đậm đà. Cũng vì vậy mà nội dung than trách cũng chiếm số lượng nhiều nhất trong Hát hò.

Qua nội dung của Hát hò, ta thấy được đời sống tình cảm phong phú, lành mạnh của người lao động địa phương, tình cảm son sắt, bền chặt của những đôi trai gái.


Lời hát được nhân dân sáng tác theo thể thơ dân gian. Phần lớn là ứng tác. Những nghệ nhân giỏi có thể ứng tác ngay trong cuộc hát. Có lẽ vì thế mà lời hát ít được trau chuốt. lời ít được trau chuốt nhưng bài hát vẫn được nhân dân sáng tác theo lối diễn đạt của người địa phương, từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ... được thể hiện mang đậm sắc thái địa phương đồng thời bộc lộ mối quan hệ ruột thịt giữa Hát hò với các làn điệu dân ca Miền Bắc, nhất la Bắc Trung bộ. Có thể tìm gặp trong Hát hò những cau hát phổ biến ở Bắc bộ:



Người về tôi cũng trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.

Cũng có thể tìm gặp trong Hát hò những từ ngữ địa phương, lối diễn đạt của vùng Bình Trị Thiên – Nghệ Tĩnh "mô-tê, răng-rứa"... Phải chăng đất là những dấu vết chứng minh rằng Hát hò có nguồn gốc từ Miền Bắc, theo các đợt dia dân vào nam?


Dù sao điểm nổi bật trong nghệ thuật ngôn từ của Hát hò vẫn là tính địa phương của nó. Trong kết câu, cách diễn đạt, nhịp điệu... của bài hát, để thấy được nét riêng:mộc mạc, trần trụi của vùng đất Trung Bộ. Ngay khi vay mượn bài hát của địa phương khác cũng địa phương hoá cho phù hợp với lối diễn đạt của người địa phương.



Hôm qua trăng sáng mờ mờ
Em đi giã gạo tình cờ gặp anh
Vào vườn bẻ trái cau xanh,
Bửa ra tám miếng mời anh ăn trầu...

Giã gạo, bửa ra, bẻ trái, ăn trầu... đây là những từ ngữ người Trung Bộ thay vào bài ca phổ biến để phù hợp với cách diễn đạt của họ.

Tính địa phương là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hát hò tồn tại trong gia đình dân ca Việt Nam.


Về mặt diễn xướng, Hát hò thuộc loại hình sinh hoạt, không phải loại biểu diễn như: chèo, hát quan họ... Hát hò được diễn xướng trên sân bãi, bên lề đường hay trên đồng ruộng. Không cần bài trí, hoá trang.


Nghệ nhân trang phục như người lao động bình thường, nhạc cụ là những công cụ cầm tay nhịp nhàng theo tiếng hát. Thủ tục cuộc hát không phức tạp nghi lễ như Hát phường vải, Hát quan họ, ai biết hát cứ vào cầm chày, kết bạn rồi cất giọng hò khoan. Nếu không thì đứng vòng ngoài tham gia bằng cách góp giọng "hò hê" đưa đây. Cuộc hát không hạn định số người, địa điểm, thời gian. Tất cả những người có mặt trong cuộc đều là nghệ nhân. Nghệ nhân vừa hát, vừa thưởng thức, đồng thời vừa là giám khảo. Vì vậy Hát hò mang tính tập thể rất cao.


Tính tập thể cao nhưng vai trò cá nhân trong cuộc hát cũng rất quan trọng. Những cuộc hát hay bao giờ cũng cần những nghệ nhân giỏi. Nghệ nhân thường ứng đối nhanh, giọng hò khỏe khoắn, có tài sáng tạo độc đáo khi diễn xướng làm sinh động cuộc hát.


Hát hò được diễn xướng theo lối xướng xô đối đáp nam nữ. Trong cuộc hát, thường chỉ có tay đôi đối đáp với nhau. Bài hát do thuộc lòng, hoặc ứng tác. "Cái kể" chia làm bên nam bên nữ đối đáp nhau, "con xô" là những người vòng ngoài cất giọng "hò... hê..." để tiếp hơi, phụ hoạ. Bắt đầu một bài hát, bao giờ cũng mở hơi bằng một đoạn hò: "Chớ khoan hỡi... hò... khoan" hoặc: "khoan lên... bạn... hò..." cách mở hơi tuỳ theo sở thích của tập thể để giọng cái kể, con xô hoà với nhau nhịp nhàng.


Nhìn chung, Hát hò là loại hinh sinh hoạt dân gian, để thực hiện bài hát, dễ nhớ cho nên được quần chúng yêu thích, lưu truyền rộng rãi.


Từ bao đời nay, Hát hò đã sống gắn bó trong sinh hoạt của nhân dân Bình Định. Chúng như dong suối mát không bao giờ cạn. "Cái gì đẹp thì cần phải giữ lấy nó..."(Lênin). Hát hò là một cái đẹp , một chất ngọc quý trong kho tàng văn hoá Bình Định đang chờ những bàn tay thợ mài sáng và giới thiệu với mọi người


Huỳnh văn Tới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét