Nhà cổ Trần Ngọc Du là công trình có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Nếu không có biện pháp bảo tồn, quản lý một cách bài bản, di tích này có nguy cơ bị quên lãng
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào một ngày đầu tháng 6. Ngôi nhà hơn trăm năm tuổi từng được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” (năm 2004) và UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2005). Thế nhưng, di tích này đang rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài” và có dấu hiệu xuống cấp.
Được kiến trúc sư Nhật trùng tu tỉ mỉ
Ngôi nhà do cụ Trần Ngọc Du (1862-1932), vốn là tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (cũ) xây dựng từ năm 1900 trên mảnh đất hương hỏa của dòng tộc họ Trần, có tổng diện tích sử dụng khoảng 1.200 m2, mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào núi Sảnh, thuận theo thuyết bền vững của phong thủy. Nhà được xây dựng theo dạng nhà rọi, có 3 gian, 2 chái; mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu do cụ Trần Ngọc Du trực tiếp chỉ đạo toán thợ mộc Thủ Dầu Một và Biên Hòa vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại làm cột, xuyên, đòn tay, rui và xẻ ván để trang trí nội thất. Toàn bộ số gạch lát nền và ngói âm dương được đặt mua ở các lò gốm vùng Tân Vạn, đá tảng dùng kê chân cột được khai thác từ núi Sảnh. Riêng việc chạm trổ các họa tiết nơi cánh én, khuôn bông, đầu các vì kèo, cửa buồng, khánh thờ, bàn thờ theo các mô típ dân gian, như: tùng - lộc, cúc - bướm, trúc - mai... được làm rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong suốt 2 năm.

Di tích nhà cổ Trần Ngọc Du