27 thg 7, 2013

Thanh ngọt chè hoa cau

Từ lâu người ta vẫn thường quen gọi là chè hoa cau, nhưng không phải chè được nấu từ hoa cau mà bởi đỗ xanh vàng ươm như những bông hoa cau rụng xuống, trôi lững lờ trên mặt hồ sớm mai, gợi cảm giác thanh tịnh, ấp ủ nỗi nhớ thương...

Bát chè hoa cau

Nhìn bát chè hoa cau nhỏ xinh, được bày biện trông thật thích mắt, ấy vậy mà những nguyên liệu làm nên bát chè lại chẳng phải là thứ gì xa lạ mà nó chính là tinh túy của thứ sản vật gần gũi, mang đậm hương vị quê hương: bột sắn, nước dừa, hoa bưởi, đỗ xanh... Tuy vậy, chè hoa cau lại được chế biến hết sức tỉ mẩn và người chế biến cũng phải rất tinh tế thì mới cho ra được bát chè hoa cau đúng với hương vị của nó.


Gốm Biên Hòa

Ít ai biết rằng, gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm đối với những người chơi gốm cổ.

Biên Hòa được xem là nơi có trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương, đó là Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa) được thành lập vào năm 1903. Đến khoảng năm 1913, Trường đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Bien Hoa). Năm 1923, khi vợ chồng ông bà Robert Balick (Hiệu trưởng) và Mariette Balick (Trưởng Ban gốm) lãnh đạo trường có thể được coi là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Bà Balick đã vạch hướng đi riêng cho Ban gốm. Đó là tập trung vào các dòng sản phẩm gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn chạm khắc đặc sắc, màu men lạ. Đa số những men này được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh (mảnh), cát Đà Nẵng… Những loại men được bà Balick cùng các cộng sự người Việt tạo ra thời bấy giờ là men ta (men làm từ tro), men màu xanh đồng, men đá đổ (men làm từ đá ong Biên Hòa)… 

Gốm Biên Hòa được đúc bằng khuôn.

21 thg 7, 2013

Tuyến đường xe lửa ngắn nhất, mắc nhất và chậm nhất Việt Nam

Ga Đà Lạt được xem là nhà ga độc đáo với nhiều kỷ lục: Nhà ga cao nhất, nhà ga cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng), đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất (chỉ có ở Đà Lạt), nhà ga độc đáo nhất và đẹp nhất...

Ga Đà Lạt bây giờ vẫn còn xe lửa chạy trên một tuyến đường - và chỉ một mà thôi - đó là tuyến Đà Lạt - Trại Mát (có thể thêm một kỷ lục nữa là nhà ga xe lửa có ít tuyến nhất không ta?) dài 7 km.

Tuyến đường 7 km này xe lửa chạy trong 30 phút, giá vé là 43.000 đ. Như vậy tốc độ trung bình là 14 km/giờ. Thế là có thêm 3 kỷ lục nữa: Tuyến đường xe lửa ngắn nhất, mắc nhất và chậm nhất Việt Nam!

(Để so sánh, tàu Thống Nhất tuyến ngắn nhất là Sài Gòn - Biên Hòa, 30 km, giá vé ngồi mềm là 16.000 đ, vận tốc của tàu chậm nhất cũng tới 40 km/giờ).

Ngắn nhất, mắc nhất, chậm nhất, vậy có nên đi không? Nên quá đi chớ, vì đây là trãi nghiệm du lịch mà, ăn chơi ngại gì mưa rơi?

Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc Tp. Hồ Chí Minh (Công viên LSVHDT) là địa chỉ văn hóa đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh. Đây vừa là nơi tham quan vừa có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và đồng bào ở nước ngoài về thăm quê hương, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9, Công viên LSVHDT là công trình trọng điểm và quy mô ở Tp. Hồ Chí Minh, được Chính phủ phê duyệt năm 1995 và hoành thành vào năm 2009.

Đền tưởng niệm các Vua Hùng, công trình trung tâm của Công viên LSVHDT.

Viên ngọc xanh trên phố núi Pleiku

Đến Tây Nguyên hẳn ai cũng mong muốn được ghé thăm Biển Hồ, một điểm du lịch đẹp nổi tiếng thuộc Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, nơi được mệnh danh là “viên ngọc xanh” trên cao nguyên này.

Nằm cách trung tâm TP. Pleiku 6km về hướng Bắc, Biển Hồ hay còn là hồ Tơ Nưng, hồ La Nueng, có diện tích khoảng 250ha, độ sâu trung bình khoảng 18m, nguyên là một miệng núi lửa có hình bầu dục đã ngưng hoạt động cách đây hàng trăm triệu năm. Chính sự rộng lớn mênh mông như biển khơi nên người dân địa phương đặt tên hồ nước là Biển Hồ.

Cái tên Biển Hồ còn xuất phát từ chính khát vọng của người dân nơi đây khi mà cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét và theo nguyên tắc bình thông nhau thì sẽ không có giọt nước nào tồn tại được trên những đỉnh núi cao này. Vì thế mà con người nơi đây luôn khao khát nước, khao khát biển, dẫu mùa khô Tây Nguyên hàng năm khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu thì nước Biển Hồ cũng chưa bao giờ cạn.


Nhà thờ Hạnh Thông Tây

Ẩn mình sau cánh cổng nhỏ và những hàng cây, giữa khuôn viên thoáng đãng đầy ắp cỏ hoa, nhà thờ Hạnh Thông Tây cổ kính như đang lặng lẽ ngắm nhìn dòng đời tấp nập của Tp. Hồ Chí Minh, đô thị lớn bậc nhất ở Việt Nam.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây toạ lạc tại số 53/7, đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh trong dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát với gam màu trắng, xám chủ đạo. Đây là một công trình hiếm hoi theo phong cách kiến trúc Byzantine, trong khi hầu hết nhà thờ ở Việt Nam được thiết kế theo phong cách Gothique hoặc Romanesque. Điểm riêng biệt của kiến trúc Byzantine ở nhà thờ thể hiện qua tháp tròn có mái vòm đúc hình bán cầu duy nhất phía cuối gần cung thánh (kiểu mặt bằng tập trung). Bên trên mái vòm là tháp nhỏ hình chóp nhọn để lấy ánh sáng. Tường ngoài nhà thờ là những mảng trơn được đắp gờ, chỉ trang trí kết hợp hoa văn, phù điêu đơn giản bằng thạch cao. Phía dưới tháp chuông nhà thờ được xây bằng đá tảng, bên trong là một bộ chuông gồm ba cái mang ba âm khác nhau. Bộ chuông này được hãng đúc chuông nổi tiếng Paccard của Pháp đúc vào năm 1925. 

Nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine.

Màu xanh suối Moọc

Nằm cách thành phố Đồng Hới khoảng 60km về phía Bắc, Khu Du lịch Sinh thái suối Moọc thuộc địa phận xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được ví như viên ngọc bích bí ẩn giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngay từ cái tên “nước Moọc” của Khu du lịch này đã khiến chúng tôi ai cũng tò mò. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, hướng dẫn viên du lịch cho biết, tên gọi “Moọc” theo tiếng địa phương có nghĩa là “mọc”, tức là nước mọc từ dưới lên. Nguồn nước ở đây khá đặc biệt, nó bắt nguồn từ hệ thống sông ngầm bí ẩn chảy trong lòng các dãy núi đá vôi và là hợp lưu của nhiều khe nước nhỏ trồi lên từ dưới lòng đất. Đây là một trong những hiện tượng thiên nhiên độc đáo và kì thú mà các chuyên gia thám hiểm Hoàng gia Anh sau khi tiến hành khảo sát vẫn chưa thể giải thích được.


Tam Đảo với nét đẹp tâm linh

Rời trung tâm thị trấn Tam Đảo (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đi một đoạn vòng vèo qua con dốc ven sườn núi rợp bóng cây rừng, du khách đôi lúc bị màn mây mù tuyệt đẹp lùa qua trong tiếng ve rền mùa hạ. Nhưng đẹp nhất là lối đi lót đá xanh uốn khúc như rồng lượn dẫn đưa lên ngôi đền Chúa.

Một góc chùa Vàng với đặc trưng mái hình đao. 

Lối đi có hai hàng tay vịn bê tông cốt thép càng lúc càng lên cao giữa hai cánh rừng trúc thơ mộng. Những thân trúc thẳng cao phủ trùm bóng mát. Đúng là một cõi thần tiên! Mà thần tiên thật vì lên hết 300 bậc cấp là khách đã tiếp cận được một phần thế giới tâm linh Tam Đảo.

20 thg 7, 2013

Đền Mẫu Thượng Ngàn trên đỉnh núi Chúa

Bà Chúa Thượng Ngàn (hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Lâm Cung Thánh Mẫu) là một trong ba vị mẫu được thờ trong đền hoặc điện theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Nhiều người tin rằng, cùng với nhiều vị thần thánh khác, Mẫu Thượng Ngàn đem đến sự may mắn, bình yên cho dân chúng và gọi bà là Mẫu một cách tôn kính và gần gũi. 

Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Theo truyền thuyết, Bà là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Lúc còn con gái, Bà có tên là La Bình. Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương, theo lệnh Ngọc Hoàng trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha trông coi tất cả các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi của nước ta. Ảnh: đền Bà Chúa Thượng Ngàn trên đỉnh Bà Nà, núi Chúa, Đà Nẵng.

Cá hanh

Cá hanh thuộc họ cá chép, có hình dáng như bàn tay xòe, lớp vảy có màu xanh ô liu, sẫm hơn phía trên lưng và chuyển sang màu vàng kim phía dưới bụng. Vây đuôi có tiết diện gần như hình vuông. Miệng cá hanh khá hẹp, mép có sợi râu mảnh. Hai mắt cá hanh có màu đỏ cam. Vảy cá hanh nhỏ, gắn sâu vào lớp da dày, khiến mình cá rất trơn, giống cá chình, lươn hay cá trê. Chính chất nhờn nầy một khi cá hanh chạm vào thân cá khác bị bệnh sẽ “chữa” con cá nầy hết bệnh. Vì vậy người ta còn gọi cá hanh là “cá bác sĩ”.

Cá hanh nướng. Ảnh: Phương Kiều