21 thg 7, 2013

Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc Tp. Hồ Chí Minh (Công viên LSVHDT) là địa chỉ văn hóa đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh. Đây vừa là nơi tham quan vừa có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và đồng bào ở nước ngoài về thăm quê hương, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9, Công viên LSVHDT là công trình trọng điểm và quy mô ở Tp. Hồ Chí Minh, được Chính phủ phê duyệt năm 1995 và hoành thành vào năm 2009.

Đền tưởng niệm các Vua Hùng, công trình trung tâm của Công viên LSVHDT.

Chung quanh quảng trường Công viên trồng nhiều cây cọ được vận chuyển từ vùng đất Tổ Phú Thọ.

Hai bên đường vào Đền thờ Hùng Vương là hai hàng tre dài 360m.

54 trụ đá biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam.

Ban thờ Quốc Tổ Hùng Vương.

Bên trong Đền thờ còn có ban thờ các danh nhân lịch sử Việt Nam.

Trống đồng, biểu tượng văn hóa Việt.

32 bia đá chủ quyền Trường Sa trưng bày ngay gian ngoài của Đền thờ Hùng Vương.

Ngôi đền biểu thị cho tấm lòng những người con phương Nam luôn hướng về Quốc Tổ. 

Công viên LSVHDT có tổng diện tích gần 400ha, được chia thành 4 khu chính là Khu Cổ đại, Khu Trung đại, Khu Cận đại và Khu sinh hoạt văn hóa.

Khu Cổ đại, diện tích hơn 84ha, tái hiện các truyền thuyết cổ đại với trung tâm là Đền tưởng niệm các Vua Hùng. Đền được xây dựng trên một đỉnh đồi cao 21m so với mặt nước biển với biểu tượng chim Lạc vươn cánh hướng về phương Bắc, biểu thị cho tấm lòng những người con phương Nam luôn hướng về Quốc Tổ, tìm về cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Chung quanh sân quảng trường trồng nhiều cây cọ, được vận chuyển từ Phú Thọ vào để thể hiện sự gần gũi và mang hơi thở của miền đất Tổ. Dưới nền quảng trường là hình ảnh mô phỏng mặt trời tỏa sáng. Cổng chính gọi là Nghi môn, có chiều cao 8m, hai bên tả và hữu của Nghi môn là phù điêu 2 võ sĩ mô phỏng theo Đền Hùng ở Phú Thọ. Đường tre lên đền dài 360m, được xây dựng đào sâu theo triền dốc tự nhiên, có độ sâu trung bình 1,5m, rộng 10m. Mặt đường tre được lót bằng đá. Hai bên vách đường trang trí bình cổ làm theo mẫu thời Vua Hùng.

Khu Trung đại có diện tích hơn 29ha. Phía Nam xây dựng các công trình lịch sử từ thời Đinh đến triều đại Tây Sơn. Phía Bắc là khu dịch vụ, giải trí. Khu Cận hiện đại rộng hơn 35ha là nơi tái hiện lịch sử thời kỳ nhà Nguyễn, giai đoạn Pháp thuộc và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây có quảng trường Độc Lập và đài Thống Nhất. Khu sinh hoạt văn hóa có diện tích hơn 245ha, gồm nhiều khu về lịch sử, văn hóa, giải trí công cộng, nghỉ dưỡng, bảo tàng lịch sử tự nhiên, khu làng văn hóa dân tộc, khu tái hiện rừng Trường Sơn, khu công viên điện ảnh, khu công cộng…

Ngoài ra, còn có các khu du lịch nghỉ dưỡng như Khu làng văn hóa - du lịch suối khoáng, Khu công viên mạo hiểm và quảng trường Hòa Bình, Khu nhà nghỉ thấp tầng ở phía Đông, Khu Du lịch sinh thái cù lao Bà San, Khu sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời và đất dự trù phát triển dịch vụ hạ tầng…Giao thông tiêu chuẩn đường nội bộ từ 12- 20m, các đường vành đai, trục đường chính từ 20m đến 60m, đặc biệt có tuyến đường sắt đi ngang qua khu vực này. Công viên trồng mới hơn 30ha rừng, trong đó có 12ha rừng gỗ quý như cẩm lai, sao, lim… đồng thời cải tạo và trồng thêm gần 100ha cây xanh tạo cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng, góp phần cân bằng sinh thái cho môi trường của Thành phố.

Kiến trúc sư Cao Hữu Niên, Phó Trưởng ban Quản lý khu Công viên LSVHDT, cho biết: “Đây là công trình trọng điểm nên được Thành phố chỉ đạo thực hiện tập trung. Đó là thuận lợi lớn nhất của dự án Công viên LSVHDT. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành tất cả các hạng mục công trình vào năm 2020 như kế hoạch của UBND Tp. Hồ Chí Minh giao".

Công viên LSVHDT là địa chỉ văn hóa đặc biệt, nơi giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Nhân dân Nam Bộ với lễ hội dâng bánh chưng, bánh tét lên các Vua Hùng và danh nhân Việt Nam.

Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương.

Lãnh đạo nhân dân Tp. Hồ Chí Minh thành kính dâng hương các Vua Hùng. 

Ngoài các giá trị về mặt lịch sử, Công viên còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nhằm giới thiệu những sự kiện lịch sử, các công trình văn hóa tiêu biểu, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian Việt Nam…, là điểm tham quan, học tập, vui chơi giải trí, hướng về cội nguồn, đồng thời mang lại những giá trị về kinh tế - xã hội cho Thành phố và khu vực.


Bài và ảnh: Đặng Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét