Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây nguyên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây nguyên. Hiển thị tất cả bài đăng

26 thg 4, 2021

Gió và nước ở Kontum

 Những ai đam mê kiến trúc ắt hẳn đều biết đến tên kiến trúc sư Võ Trong Nghĩa với vô số tác phẩm đoạt giải quốc tế của anh, trong đó nổi bật là những kiến trúc xanh - đặc biệt là với vật liệu chủ lực là tre. Công trình nổi bật, đoạt giải quốc tế đầu tiên của Võ Trọng Nghĩa là cafe Gió và Nước ở Bình Dương, hoàn thành năm 2008.

Sau Gió và Nước ở Bình Dương, nhiều công trình tương tự đã được Võ Trọng Nghĩa tạo nên cả trong và ngoài nước. Một trong những công trình ấy là Cafe Indochine ở KontumCafe Kontum Indochine được xây dựng tháng 7/2013 và ngay sau đó đã được tạp chí ArchDaily (Mỹ) đưa vào danh sách 5 công trình được đề cử giải thưởng Building of the Year (công trình của năm) tại hạng mục khách sạn - nhà hàng. Giải thưởng trên được quyết định bởi chính các nhà chuyên môn và hơn 300.000 độc giả trên toàn thế giới của ArchDaily bình chọn cho công trình kiến trúc ấn tượng nhất trong năm.

Cafe Indochine Kontum. Ảnh: PHN

19 thg 4, 2021

Xôi măng - món ăn kỳ lạ ở Kon Tum

Đến Kon Tum, nơi mảnh đất núi rừng "ngã ba biên giới", đừng quên ăn thử món xôi măng kỳ lạ của mảnh đất phố núi Tây Nguyên này nhé.

Nói tới xôi, bao nhiêu cái tên như xôi ngô, xôi dừa, xôi lạc, xôi thập cẩm ăn với chả, thịt, pate, trứng, xôi xéo của Hà Nội, xôi mặn của Sài Gòn... hẳn chẳng còn xa lạ gì. Nhưng có một món xôi mà đảm bảo khi nghe tên ai cũng thấy... sốc, một món xôi vô cùng kì lạ của người Kon Tum: xôi măng.

17 thg 4, 2021

Hoang sơ thác Liêng Nung

Nằm bên Quốc lộ 28, chỉ cách Tp. Gia Nghĩa khoảng 8km, thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa thung lũng núi rừng hoang sơ, trên địa bàn buôn N’riêng, xã Đăk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đăk Nông) thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Truyền thuyết kể rằng, Liêng Nung là thác nước duy nhất của dòng suối Đăk Nia, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, ăm ắp đổ trắng xóa quanh năm. Theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi.

Vào thời xa xưa, khi xảy ra hạn hán thì toàn bộ cây rừng và vật nuôi chết vô kể, tuy nhiên chỉ có động vật, cây cối ở dòng suối Đăk Nia thì sống được, từ đó người người kéo đến đây để uống nước. Sau này, nơi đây trở thành một biểu tượng mà người Đắk Nông vô cùng coi trọng, bảo tồn cho đến ngày nay, trở thành một điểm đến mà nhiều du khách quan tâm.

Thác Liêng Nung gồm ba cụm, cụm thác chính lớn nhất cao khoảng 30m, đổ xuống suối Đăk Nia bên dưới. Nhìn từ xa, con thác hiện ra đầy ấn tượng với hình dáng của một dải lụa trắng vắt dọc trên vách đá cheo leo. Thác đổ qua trần hang là những khối đá lục giác xếp liền kề nhau như một tổ ong đặc khổng lồ, trong hang thảm thực vật xanh mướt.

Thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa núi rừng hoang sơ khu vực xã Đăk Nia.

9 thg 4, 2021

Vào rừng khộp săn ảnh chim

Yok Đôn, vườn quốc gia duy nhất Việt Nam bảo tồn rừng khộp đang vào mùa rụng lá khô, là điểm săn ảnh chim lý tưởng.


Vườn Yok Đôn mùa này như thể "châu Âu mùa lá rụng" khi đi qua các thảm rừng khộp dọc đường liên khu trạm 5 và trạm 2. Trong VQG có hơn 12 trạm kiểm lâm nên công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng luôn được quan tâm. Ngoài ra, các kiểm lâm nơi đây còn chú trọng công tác đề phòng cháy lá rừng trong mùa khô.

Không giống các khu rừng nhiệt đới, rừng thường xanh, rừng rậm hay rừng ngập mặn, Yok Đôn là rừng khộp duy nhất còn lại ở Việt Nam, có mùa xanh và mùa rụng lá như rừng ôn đới. Theo nhân viên kiểm lâm tại vườn, chữ "khộp" được đọc từ tiếng Lào, nghĩa là "khổ, nghèo", rừng khộp "nghèo" dinh dưỡng đất nên cây không lớn, tán không rậm và vào mùa khô thì cây trút lá để giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Ảnh: Ngô Vũ Thắng

2 thg 4, 2021

5 ngôi nhà rông đặc biệt ở xứ Biển Hồ

Du khách có thể ghé thăm nhà rông lớn Tây Nguyên Kon So Lăl, hoặc nhà thờ Công giáo có kiến trúc nhà rông duy nhất ở Pleiku.

Nhà rông Kon So Lăl
Cách buôn làng huyện Chư Păh, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 50 km, còn tập trung nhiều ngôi nhà rông truyền thống của người dân tộc bản địa. Trong đó, làng Kon So Lăl sở hữu nhà rông lớn nhất Tây Nguyên. Ngôi nhà rộng hơn 320 m2, cao 20m. Ảnh: Nguyễn Chí Nam

29 thg 3, 2021

Đăk Nông – bản trường ca của Đá và Nước

Trải qua hàng triệu năm, những đợt phun trào dữ dội của núi lửa cùng với sự kiến tạo đặc biệt của vỏ trái đất đã tạo nên một Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông có hệ thống hang động, những cánh đồng dung nham, thác nước hoang sơ, kì vĩ… với vẻ đẹp nguyên sơ, huyền hoặc như những cảnh quay ấn tượng trong phim “Công viên kỉ Jura” của đạo diễn Steven Spielberg.

Krông Nô – “vương quốc” hang động núi lửa

Krông Nô là huyện nằm ở phía Đông Bắc, cách thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đăk Nông khoảng 100km. Đây được xem là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông, là “vương quốc” núi lửa và khoảng 50 hang động núi lửa có một không hai trên thế giới.

Lịch sử phát triển địa chất của Đắk Nông có từ kỉ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm về trước và vùng đất này vốn từng là một phần của đáy đại dương mênh mông. Mãi đến kỉ Paleogene (cách đây khoảng 60 triệu năm), nước biển rút đi, mặt đất nâng cao và bắt đầu xuất hiện các ngọn núi lửa để rồi từ đó nhiều đợt phun trào bazan kéo dài cho đến cách nay khoảng 10.000 năm thì mới kết thúc.

23 thg 3, 2021

Món cà đắng của người Ê đê

Đối với người Ê đê, món cà đắng giã cùng cá hấp tuy dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Đây là một trong những món ăn truyền thống trong bữa cơm hằng ngày của người Ê đê. Món ăn chế biến khá đơn giản nhưng đã trở thành đặc sản gây “thương nhớ”, đặc biệt là những người con Ê đê xa quê hương…

Nguyên liệu chế biến món ăn này khá quen thuộc trong đời sống người Ê đê, gồm có cà đắng, cá hấp, sả, ngò gai, ớt, củ nén ngắn, người Ê đê đã có món cà đắng giã cá hấp dân dã.

Các nguyên liệu chế biến món ăn gần gũi với đời sống thường ngày của người Ê đê

19 thg 3, 2021

Lễ cúng sức khỏe cho voi

Với người Mnông, Ê Đê sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, voi không chỉ là tài sản quý giá của gia đình mà còn được xem là người bạn, là thành viên trong gia đình. Vì vậy mà hàng năm, những gia đình có voi thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng độc đáo này không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nhắc nhở nhau phải trân trọng, chăm sóc, bảo vệ voi.

Ông Đàm Năng Long, sinh sống tại huyện Lắk chia sẻ: “Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn”. Tùy theo từng dân tộc, điều kiện kinh tế của gia đình chủ voi sẽ có những cách cúng khác nhau, lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mang ý nghĩa cầu sức khỏe cho voi, để voi đỡ đần, gánh vác những phần việc nặng nhọc cho con người. Đồng thời nhắc nhở con người phải biết trân quý, chăm sóc loài voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường có những vật phẩm quen thuộc như: rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo, bắp tươi, hoa tươi, chuối, một ít gạo, cá khô và thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho voi.

Thầy cúng dẫn đầu đoàn rước tiến hành nghi thức bắt đầu lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ

2 thg 3, 2021

Mùa hoa cà phê trong mắt người con Tây Nguyên

Những đồi hoa cà phê trắng muốt nở rộ sau nhà gắn liền trong tâm thức những người con vùng cao nguyên đất đỏ.


Bộ ảnh hoa cà phê bung nở ngày đầu năm do Văn Nguyên, (26 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP HCM) thực hiện, trong thời gian trở về nhà đón Tết Nguyên Đán ở Đắk Lắk, Tây Nguyên.

Có niềm đam mê nhiếp ảnh, anh sở hữu fanpage với hơn 160.000 lượt theo dõi. Sau khi đăng tải bộ ảnh, anh nhận được nhiều sự chia sẻ của cộng đồng mạng.

18 thg 2, 2021

Ðộc đáo Tết Khỉ của người Ca Dong

Vào những ngày cuối năm, khi ruộng rẫy đã thu hoạch xong, kho lúa đã đầy, người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plông lại tất bật chuẩn bị đón lễ hội lớn nhất trong năm– Tết Khỉ. Cũng giống như Tết Nguyên đán, Tết Khỉ đối với người Ca Dong đánh dấu một năm cũ qua đi, năm mới đã đến cùng những ước nguyện tốt lành.

Với mong muốn tìm hiểu về Tết Khỉ, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với người Ca Dong ở làng Măng Lây, thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring - nơi bà con còn lưu giữ và kế thừa truyền thống tốt đẹp phong tục này qua bao đời nay.

Năm nay, vào ngày 3/12 (âm lịch), làng Măng Lây tổ chức Tết Khỉ. Trong tiết trời giá buốt, sương mù bao phủ núi rừng, dân làng Măng Lây quây quần bên bếp lửa hồng tí tách. Với giọng trầm đục, già A Tóc đưa tôi vào câu chuyện của người Ca Dong. Rằng, chẳng biết từ bao giờ, người Ca Dong ở đây đã coi loài khỉ như linh vật. Người xưa quan niệm, ở mỗi dãy núi, cánh rừng luôn có một Ông Khỉ xua đi tai ương, vận rủi, gìn giữ từng cây lúa, hạt thóc để giúp mùa màng bà con bội thu, lương thực đủ đầy. Cũng vì thế mà vào mỗi thời điểm vụ mùa kết thúc, người Ca Dong luôn tổ chức một lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, đồng thời gửi gắm kho thóc của mình để Ông Khỉ trông coi đến khi vụ mùa mới bắt đầu. Theo dòng thời gian, lễ cúng này đã trở thành Tết Khỉ trong đời sống của người Ca Dong.

Dựng cây nêu đón Tết Khỉ. Ảnh: T.T

Đàn T’rưng của người Gia Rai

Với người Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), đàn T’rưng là nhạc cụ quen thuộc gắn bó mật thiết trong đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng. Mọi người không chỉ sử dụng đàn T’rưng trong các dịp lễ hội mà còn sử dụng ở nương rẫy để bảo vệ mùa màng trước muông thú và để giao lưu trong cộng đồng, phục vụ các sinh hoạt văn hóa, sau một ngày lao động vất vả.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc ở làng Chốt, Nghệ nhân ưu tú A Huynh (39 tuổi) hiểu rõ đàn T’rưng có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người dân trong làng. A Huynh nhớ lại, khi còn nhỏ, lúc cùng cha mẹ lên rẫy, anh đã nhìn thấy đàn T’rưng ở trong chòi rẫy của hầu hết các gia đình trong làng.

Cùng ăn Tết truyền thống của người Xơ Đăng

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong mỗi góc nhà sàn, ánh nắng cũng dần dịu trong cái se lạnh đầu đông cũng là thời điểm đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô ăn Tết lúa mới truyền thống.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng Đăk Rô Gia vào một sáng mùa đông se lạnh. Cả ngôi làng vẫn còn chìm trong sương sớm bên dòng Đăk Tờ Kan thơ mộng. Ngay từ tinh mơ, đàn ông, con trai đã dậy thật sớm mặc trên mình những bộ áo quần mới nhất để đón Tết lúa mới truyền thống của cha ông. Những người phụ nữ, con gái dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị nấu nướng, chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn nhất để đón Tết.

Tết lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô, thường được tổ chức 2 ngày, 2 đêm. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức linh thiêng để cúng thần linh và các hoạt động múa hát làm cho không khí của ngày Tết mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh và gắn kết cộng đồng làng.

Vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa vụ, người Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Cũng gần giống như Tết Nguyên đán, đây là Tết truyền thống quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Trăm nói riêng, cả huyện Đăk Tô nói chung. Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau.

Đội cồng chiêng làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm) biểu diễn trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: N.P

Món thịt giã của người Mạ

Thịt giã là món ăn khá đặc biệt của người Mạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Từ kinh nghiệm thực tiễn, chắt lọc qua thời gian, đồng bào Mạ tạo ra món thịt giã độc đáo, làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Với đặc điểm thơm, ngon, dễ tiêu hóa, món ăn còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Các loại thịt dùng để chế biến món ăn như gà, heo, chim, cheo, thỏ… Các con vật này được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng hay vườn nhà, chỉ ăn cây cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon sau khi chế biến.

Thịt được đem nướng trên than hồng trước khi giã

14 thg 2, 2021

Cách làm đẹp của người M’nông xưa

Xưa kia, chiếc lược làm bằng sừng trâu là vật dụng không thể thiếu của các cô gái M’nông để chăm chút nét đẹp nữ tính. Vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng cháy của cao nguyên đại ngàn.

Các cô gái chải tóc bằng chiếc lược sừng trâu hay lược làm bằng tre để tóc không rối sau khi tắm gội ở sông suối. Sau khi mái tóc gọn gàng, các thiếu nữ dùng dây buộc tóc bằng thổ cẩm, hạt cườm, dây cỏ tranh hay vòng tre để giữ tóc khỏi bị buông xõa khi tham gia nhảy múa trong lễ hội bon làng.

Lược sừng trâu của người M’nông

Củ mài trong đời sống ẩm thực của đồng bào M’nông

Từ bao đời nay người M'nông luôn sống trong sự đùm bọc, che chở của rừng. Rừng ban tặng nhiều nguồn thực phẩm quý báu như rau tươi, đọt măng, đọt mây, trái cà đắng, chim thú… trong đó phải kể đến củ mài. Không những giúp cứu đói, củ mài chứa nhiều dinh dưỡng, trở thành món ăn ngon cải thiện bữa ăn gia đình. Nhiều lớp người M’nông lớn lên từ vị bùi ngọt của củ mài.

Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, cùng họ với khoai mỡ, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét. Lớp vỏ mỏng bên ngoài màu xám nâu, xung quanh tua ra những rễ mành, dày theo thân củ như lông bám…

Đồng bào M'nông ưa thích luộc củ mài chín, ăn dẻo ngon

Canh cá lăng nấu jam tang của người Ê đê

Người Ê đê đã kết hợp các loại đặc sản tạo nên món canh cá lăng nấu hoa và lá jam tang vô cùng độc đáo.

Cá lăng là loại cá da trơn nước ngọt, được xem như đặc sản nổi tiếng vùng sông Sêrêpốk. Trên dòng sông hùng vĩ, cá lăng sinh tồn, phát triển với thân mình săn chắc. Thịt cá lăng mềm nhưng dai, không bở, vị ngọt, thơm ngon, ít xương lại rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài cá lăng nướng muối ớt nổi tiếng, người Ê đê còn dùng cá lăng nấu canh rất thơm ngon. Người Ê đê nấu canh cá lăng theo nhiều kiểu ứng với các nguyên liệu theo mùa như canh chua cá lăng, canh cá lăng nấu măng, canh cá lăng nấu hoa chuối... Món canh cá lăng nấu hoa jam tang cũng chỉ thường được nấu vào mùa cây jam tang đâm chồi nở hoa. Vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 dương lịch, người Ê đê đi dọc sông Sêrêpốk tìm hái hoa, đọt và lá non của cây jam tang.

Hoa jam tang khi chín vị bùi, đắng nhẫn lẫn ngọt

Cá suối giã đinh lăng của người M’nông

Người M’nông dùng lá đinh lăng giã cùng cá suối tạo ra món ăn ngon miệng, hấp dẫn, độc đáo. Người M’nông còn xem đây là một món ăn tốt cho sức khỏe.

Cách chế biến món cá suối giã lá đinh lăng tương đối đơn giản. Chính vì vậy, món ăn này cũng thường xuyên được chế biến trong bữa cơm đời thường của nhiều gia đình. Người M’nông thường dùng các loại cá nước ngọt bắt được ở suối, sông, đồng ruộng để chế biến như cá lăng, cá trê, cá chép, cá trắng, cá vượt, cá mè dinh, cá rô phi… Cá được sơ chế bỏ ruột và mang cá, phần vẩy, bóng cá được giữ nguyên. Những con cá tươi rói được rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi đem chiên trên dầu nóng. Khi chiên để lửa nhỏ và vừa, trở đều hai mặt cá đến độ chín vàng ươm, lớp da cá bên ngoài giòn ruộm. Cá chiên xong đem bóc tách lấy phần thịt, bỏ xương.

Cá sau khi chiên chín vàng ươm được bóc tách phần thịt cá

9 thg 2, 2021

Chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 4 giờ đồng hồ đi xe máy có một chợ phiên mang đậm bản sắc của người Mông miền Tây Bắc.

Dịp cuối năm thường là những dịp chợ phiên đông người mua sắm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Chợ phiên Đắk R’Măng (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và buôn bán của hơn 600 hộ người Mông ở Đắk Glong.

Chợ Đắk R’Măng nằm ở ngay trung tâm xã, trước kia đây vốn chỉ là một điểm người Mông đem đồ nông sản ra bán ven đường một cách tự phát, lâu dần được quy hoạch, xây dựng thành khu chợ rộng 1.000m2. Hiện nay không chỉ người Mông ở địa phương, mà người Mông ở các huyện khác cũng tụ về đây mua bán.

Người Mông quan niệm đi chợ không chỉ là đến mua bán mà còn đến để giao lưu, gặp gỡ, kết duyên đôi lứa nên thường thì chợ tuần nào cũng đông. Tuy nhiên, những dịp cuối năm, người thường đông đúc, hàng hóa cũng đầy đủ hơn.

5 thg 2, 2021

Buôn M’liêng - nơi lưu giữ văn hóa người M’nông

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của Tây Nguyên. Về với buôn M’Liêng bên bờ Hồ Lắk, ta có thể cảm nhận được một Tây Nguyên hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông.

M’Liêng là một buôn đẹp có quy mô lớn còn giữ được nét cư trú truyền thống của người M’nông giao thoa với người Ê-đê. Khu nhà ở là những nhà sàn dài được phân bố tập trung, trên một khu đất rộng, xung quanh được rào kỹ bằng các bụi tre lớn, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, cánh đồng, ruộng nước, cây cổ thụ lâu năm, bến nước truyền thống.

Người dân trong buôn vẫn làm các nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, lối sống tiêu biểu của vùng đầm lầy trên cao nguyên Đăk Lắk. Trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn không còn nhà nào có voi, nhưng không gian riêng của buôn với những con suối, sông, bến nước, bến voi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

3 thg 2, 2021

Non nước Tà Đùng

Trong hành trình khám phá Nam Tây Nguyên, đến với Đắk Nông, điểm đến hồ Tà Đùng đang được du khách yêu thích vì cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ và vẫn lưu truyền những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...

Hồ Tà Đùng thuộc tại 2 xã Đắk P’lao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (cách TP Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông 48km), là hồ nước ngọt có diện tích khoảng 22.103ha. Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, người ta đã chặn, ngăn dòng chảy của một nhánh sông Đồng Nai để tạo nên hồ Tà Đùng mênh mông, kỳ vĩ. Hồ có độ sâu trung bình trên 20m, trong lòng hồ rải rác hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt, rậm rạp. Từ cảnh quan đó mà người ta còn ví von hồ Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao nguyên.

Du khách thường đến Tà Đùng vào khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Vào cuối mùa mưa, nước hồ dâng cao, cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.

Hồ Tà Đùng gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam. Ảnh: Công Đạt