Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng

22 thg 2, 2015

Dù Kê – loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam Bộ

Những tích truyện từ ca kịch dù kê, món ăn tinh thần của người Khmer Nam Bộ trong suốt mấy chục năm qua đã in sâu trong đời sống chân chất, mộc mạc, vun đắp nên tình làng nghĩa xóm để khẳng định, giữ gìn những nét đặc sắc riêng có của dân tộc mình.

Dù Kê – loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Ảnh: Internet

Người Khmer ở Nam bộ vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc và luôn được bảo tồn, phát huy.

13 thg 2, 2015

Về miền Ví, Giặm

Ngày 27/11/2014, tại Thủ đô Paris (Pháp), dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được tôn vinh trên trường quốc tế. 
«
          Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Vì vậy, các lối hát thường được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví Phường Vải, Ví Phường Đan, Ví Phường Nón, Ví Phường Củi, Ví Trèo Non, Ví Đò Đưa, Giặm Ru, Giặm Kể, Giặm Khuyên… Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là dân ca Ví, Giặm.
»

Dân ca Ví, Giặm có một sức sống cực kì mãnh liệt. Sức sống ấy không phải chỉ có ở quá khứ, mà đến nay nó vẫn đang không ngừng sinh sôi nảy nở trong chính tâm hồn người dân xứ Nghệ hôm nay. Chẳng thế mà người xứ Nghệ có câu nói nổi tiếng rằng: “Bao giờ người xứ Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đó mới mất đi tiếng hát dân ca Ví, Giặm”.

Ngay sau khi dân ca Ví, Giặm chính thức được UNESCO vinh danh, chúng tôi đã về Nghệ An, về với “miền Ví, Giặm” để khám phá tính đặc biệt của loại hình dân ca này.

1. 
6h sáng, chúng tôi rời Hà Nội đúng vào ngày tiết trời lạnh giá nhất của mùa đông để bắt đầu chuyến hành trình tìm về “miền Ví, Giặm”. Địa danh đầu tiên chúng tôi đến là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những nơi có phong trào hát dân ca Ví, Giặm phát triển mạnh mẽ nhất và cũng là cái nôi của điệu Ví Phường Vải, một trong những điệu Ví nổi tiếng của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Đón đoàn chúng tôi là anh Trịnh Hưng Minh, cán bộ văn hoá huyện Nam Đàn. Là cán bộ văn hóa, anh Minh cũng là người soạn lời phần lớn các bài hát Ví, Giặm cho các Câu lạc bộ (CLB) ở trong vùng. Anh Minh đưa chúng tôi đến một ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm ở xã Kim Liên, nơi sinh hoạt thường xuyên của gần 30 thành viên trong CLB Ví Phường Vải Kim Liên.

20 thg 11, 2014

Tôi hát bài ca ngợi ca cây... cà phê!

Ở Việt Nam, cây được người ta ăn nhiều nhất là cây lúa. Dĩ nhiên không phải nhai sống cây lúa, mà là ăn những thành phẩm của nó: cơm, cháo, cốm...

Còn cái cây được người ta uống nhiều nhất có lẽ là cây cà phê. Cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa... Có thể nếu tính theo dung tích thì người ta uống bia nhiều hơn, nhưng tính theo số lần uống thí ắt là cà phê nhiều hơn. Vả lại, không nên kể bia vô đây vì nó không phải cây Việt Nam.

Cây cà phê

2 thg 7, 2014

Người chinh phu về đâu?

Ngay đoạn đầu nhạc phẩm Hòn vọng phu 3 (Người chinh phu về), Lê Thương đã viết:

Nơi phía Nam
Giữa núi mờ
Ai bế con
mãi đứng chờ


Vậy là người vọng phu chờ ở phương Nam. Chờ ở đâu nơi phương Nam?

Còn chàng đang đi về từ phương Bắc xa xôi:




Đò vạn lý, đò ải quan,
Đò rừng lá nước trong bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, Đền Vạn Kiếp,
Bao tháng năm dấu chưa xóa nhòa


Chàng đi qua Cổ Loa (Hà Nội), đến Vạn Kiếp (Hải Dương) của miền Bắc, qua miền Trung:

Vượt Hoành Sơn
Vòng thành Huế
Mong tới nơi cô thôn ước thề.


Chàng sẽ về đến miền Nam, vì đó là nơi nàng đang ôm con đứng đợi mà. Và đây là nơi nàng đang chờ chàng ở phương Nam:

Từ dạ đất miền Đồng Nai
Lời hẹn ước tương lai
đang chúc mừng chàng về
Chờ nhìn con, chờ người đón,
bao nét xưa ước mong sẽ còn


A, vậy là người chinh phu về Đồng Nai.

Hic, ta biết rồi, chàng về chẳng còn gặp lại nàng mà chỉ thấy

Núi đá thu rêu đã lấp mờ bao nghìn xưa

bởi vì

Thời gian đã thắm biết bao suy tàn
Người xưa đâu còn hình đá bơ vơ đứng đợi chồng đi đã không hứa về


Lòng son lụn chí trước cơn hư thề
Đà xuôi tan tành đời đá nên mưa gió đổ quạnh hiu xuống ai mới về


Đồng Nai có hòn vọng phu ở đâu? Chắc chắn là đèo Mẹ Bồng Con ở Long Khánh rồi!

Đèo Mẹ Bồng Con - Ảnh: Phạm Tường Nhân

Vậy là người chinh phu trong nhạc phẩm bất hủ của Lê Thương đi về là về... Long Khánh!


Nhảm chơi vậy thôi, chuyện chàng chinh phu về Đồng Nai hay về đâu có gì là quan trọng. Chỉ là buồn buồn, nghe nhạc thấy nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng, vậy thôi!

Phạm Hoài Nhân

29 thg 5, 2014

Gành Hào ơi...!

Tôi không phải dân Bạc Liêu hay Cà Mau nên không gắn bó gì với tên sông Gành Hào hay huyện Gành Hào, nhưng tôi thích nghe bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển nên nhập tâm hai tiếng Gành Hào. Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang

Bạc Liêu ơi có nhớ chăng ai? 

Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng

Và rồi khi đi qua Cà Mau, Bạc Liêu, được giới thiệu rằng mình đang đi trên sông Gành Hào thì nghe lòng xao xuyến lạ: đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang...



5 thg 5, 2014

Hoa thông thiên hình quả chuông nho nhỏ

Hoa thông thiên là tên một bài hát do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Đào Tiến Luyện. Ca khúc này được thể hiện rất truyền cảm qua giọng ca Duy Quang.

Nội dung bài hát là câu chuyện một cuộc tình giữa chàng trai và cô gái miền quê, trong đó bóng dáng hoa thông thiên bàng bạc. Ngày chia tay chàng ra chốn thành đô, đôi lứa hẹn hò nhau bên những đóa thông thiên:

Ngày chia ly tay trong tay ủy mị,
Ngón ngọc ngà nhẹ bứt đóa thông thiên
Cài lên áo đây cánh hoa diễm lệ
Bóng hình em người em gái dịu hiền


16 thg 4, 2014

5 anh em trên một chiếc xe tăng

1. 

Tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum) có 2 chiếc xe tăng. Cậu hướng dẫn viên giới thiệu với tôi:
  • Đây là 2 chiếc xe tăng T54 tham gia chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972. Một trong 2 chiếc xe tăng này là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Trong trận chiến Đắk Tô - Tân Cảnh 1972, chiếc xe tăng này đã bị bắn cháy và toàn bộ kíp lái 5 người đã hy sinh cùng với chiếc xe tăng của mình.
Đó là 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 377 và 472. Tôi vốn không rành về quân sự, nên nghe vậy biết vậy, lấy làm xúc động và chụp ảnh lưu niệm với một trong 2 chiếc xe tăng.


30 thg 3, 2014

“Vua” tính tẩu 12 dây

"Để kiếm một cây đàn tính tẩu thì không hề khó, nhưng đi khắp Việt Nam thì không thể tìm đâu ra cây đàn tính tẩu 12 dây như ở vùng núi trùng điệp này được" 

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tạ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn nói về chiếc đàn tính "độc nhất vô nhị" của nghệ nhân Dương Thục.
Kỳ nhân phố núi

Theo lời giới thiệu của ông Hoàng Văn Tạ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi men theo con đường dẫn lên hồ Ba Bể và dừng lại ở thị trấn Chợ Rã, nơi được coi là cái nôi văn hoá cổ xưa nhất của người Tày nước ta. Không khó lắm để tìm đến nhà nghệ nhân Dương Thục, vì ở đất Chợ Rã này ai cũng biết đến ông như một vị "vua" của nhạc cụ hát then truyền thống nổi tiếng Tây Bắc. 

Ngôi nhà sàn mà nghệ nhân Dương Thục đang ở khá cổ kính, khác biệt với những ngôi nhà sàn cách tân hiện thời. Từ trong ngôi nhà ấy, tiếng hát lúc trầm lúc bổng hoà cùng tiếng đàn tính làm vương vít lòng người. Hôm ấy, nghệ nhân Dương Thục đang dạy nhạc miễn phí cho hơn chục thanh niên Tày bản địa. 

9 thg 3, 2014

Đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến...

Có một nhà thơ không sinh ra ở Bình Định, đời thơ của ông ở Bình Định cũng ngắn ngủi, thế nhưng khi nhắc đến ông người ta lại nhắc đến đất Quy Nhơn, Bình Định. Vì cuộc đời sầu thảm của ông đã kết thúc tại Quy Nhơn, cũng tại nơi đây có ngôi mộ nơi ông an nghỉ ngàn thu. Không phải một mà đến hai ngôi mộ!

Tìm vào cô đơn, đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến.
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa.
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ.
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia.
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao.
Mặc Tử nay còn đâu?


Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) sinh năm 1912 tại Quảng Bình. Lớn lên, ông đi học ở Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, rồi làm báo, làm thơ ở Sài Gòn. Ông bị bịnh phong (cùi), được đưa vào trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn vào tháng 9 năm 1940 và qua đời tại đây 2 tháng sau đó.

24 thg 2, 2014

Đờn ca tài tử - dấu ấn đất phương Nam

Từ lâu, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tinh thần của người dân đất phương Nam. Ngày 5/12/2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và đây cũng là lần đầu tiên, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ở Nam Bộ được công nhận là di sản thế giới. 

«
    

         Nghệ thuật đờn ca tài tử đạt đủ các tiêu chí để trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO đề ra, đó là: Tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng nhất là nó có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh thành Nam Bộ.

»
Khám phá điệu dân ca đất phương Nam

Nhắc đến đờn ca tài tử, người ta thường nghĩ ngay đến loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được xem như một thứ “đặc sản” riêng có của người Nam Bộ. Người dân đất phương Nam có thể chơi đờn ca tài tử ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và đặc biệt là ai cũng có thể chơi, không phân biệt giàu sang, gái trai hay già trẻ. Chính vì vậy đờn ca tài tử có thể xuất hiện trong những bữa trà dư tửu hậu, trong những đêm trăng thanh gió mát ở các miệt vườn, trên những con thuyền trôi lững lờ dưới dòng kênh xanh, hay những dịp cúng tế, cưới hỏi, ma chay, gỗ chạp…

Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế, và sớm trở thành loại hình âm nhạc dân gian truyền thống mang đậm sắc thái âm nhạc bình dân của miền sông nước Nam Bộ.


4 thg 2, 2014

Âm thanh của tre nứa còn mãi với thời gian

Anh vào rừng sâu tìm những ống lồ ô.  Anh chọn ống to căng no gió núi. Anh lựa ống nhỏ chứa tròn tiếng suối.  Về làm đàn Ting gling. Anh treo thành dàn trên rẫy.  Anh giăng thành dãy trên nương. Nước suối kéo cần đung đưa ống đàn.  Cho những âm thanh vui rừng ấm núi ....

Đấy là những ca từ mở đầu của ca khúc Ting gling - Đàn suối khá nổi tiếng của Nhạc sỹ A Đủh phổ thơ của Tạ Văn Sỹ. Ca khúc này đã được Đoàn nghệ thuật dân tộc Kon Tum dàn dựng đi tham gia và giành được Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ting gling - là tên gọi theo tiếng đồng bào Ba Na về một loại đàn nước (thủy cầm), ngoài Ting gling, ở Kon Tum còn có Klong put của người Xơ Đăng, Đing Tut của người Giẻ-Triêng - ba loại nhạc cụ dân gian truyền thống được làm từ những ống lồ ô, ống nứa đơn giản, khiêm nhường, mọc hoang dã tự nhiên ở các cánh rừng, với ba cách sử dụng khác nhau là gõ, vỗ và thổi tạo ra những âm thanh vô cùng quyến rũ làm nên bản sắc độc đáo của các tộc người bản địa ở Kon Tum - những tiếng vọng trường tồn của thời gian từ đại ngàn hùng vĩ.

Vỗ đàn Klong put

22 thg 11, 2013

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

Hồi mới giải phóng, lứa tuổi teen như tôi (teen là nói theo kiểu bây giờ cho dễ hiểu, chớ hồi đó không có khái niệm teen à nghen!) khoái hát bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp - thơ: Phạm Tiến Duật). Khoái hát bởi vì đó là bản nhạc trữ tình lãng mạn và êm ái hiếm hoi giữa vô số những bài hung hăng, gào thét khác (Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Bão nổi lên rồi...).

Bài hát mở đầu nhẹ nhàng như lời tâm sự:


Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

và kết thúc bằng âm điệu vút cao tha thiết


Từ bên em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn


22 thg 8, 2013

Đã tìm ra “đáp số” đường Phượng Bay

Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn tranh cãi với nhau về con đường có cái tên thật hoài niệm, đường Phượng Bay. Thực sự thì đường Phượng Bay là con đường nào ở Huế? Không ai buộc, cũng chẳng ai hối thúc, nhưng mà sao vẫn cứ muốn đi tìm. 

Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, chúng tôi mạo muội thử nêu những kiến giải của mình...”- Đó là lời mở đầu cho bài viết “Đi tìm đường Phượng Bay” của tôi được đăng trên Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Tý-2008.

Đường Phượng Bay đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ tài danh họ Trịnh sáng tác nên nhạc phẩm Mưa hồng làm say lòng bao thế hệ. Và rồi, không rõ căn cứ vào đâu, nhiều người xác tín rằng, đường Phượng Bay chính là đường Đoàn Thị Điểm - con đường men dọc bờ thành bên trái của Đại Nội Huế, song song với đường Đinh Tiên Hoàng và giao cắt với các đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Mai Thúc Loan… 


Đường Lê Duẩn đoạn trước Phu Văn Lâu

26 thg 6, 2013

Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi

Có 2 thứ trái cây mang tên nhãn lồng. Một là loài dây leo mọc hoang dại ở miền Nam, còn có tên là chùm bao. Hai là một loại nhãn đặc sản nổi tiếng ở Hưng Yên. Vậy con chim quyên ăn trái nhãn lồng nào?

Nhãn lồng Hưng Yên chính là trái nhãn, một giống nhãn rất ngon đã từng được tiến vua. Có tên gọi là nhãn lồng vì khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa che lại để chim dơi khỏi ăn (đây là tôi ghi lại theo thông tin trên Wiki, ở miền Nam thì thường thấy bao lại bằng bao nylon hơn!).

27 thg 5, 2013

Rượu Bàu Đá và nhạc võ Tây Sơn

Xuân 1991, có lần đến nhà thơ Quách Tấn tại Bến Chợ - Nha Trang tôi có nghe tác giả Nhà Tây Sơn nói về huyền thoại 99 ngọn núi của vùng Tây Sơn (bao gồm cả huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định và huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Tôi hỏi: những huyền thoại ấy, ông nghe từ đâu? Nhà thơ trả lời: từ dân gian. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn 12 trống trận Tây Sơn. Ảnh: TL SGTT 

Quách Tấn sinh ra và lớn lên từ đất Tây Sơn (thời đó đã bị triều Nguyễn đổi tên là huyện Bình Khê), thuở lên mười, ông đã bắt đầu nghe kể chuyện Tây Sơn với vô số huyền thoại. Cũng phải thôi, kể từ năm 1802 sau khi tiêu diệt xong nhà Tây Sơn, triều Nguyễn đã tận diệt tất cả các di tích còn sót lại, kể cả đồng tiền Tây Sơn cũng bị nấu chảy. Cái còn lại của Tây Sơn nằm trong đáy lòng của người dân ở đây.

Ninh Kiều ở Cần Thơ hay ở... Hà Nội?

Hồi còn nhỏ, tôi chưa được đi nhiều để biết đó biết đây nên chưa có dịp đến và biết bến Ninh Kiều ở Cần Thơ. Thế nhưng tôi lại biết đến địa danh Ninh Kiều! Và tôi nhớ như in rằng đó là một nơi ở gần thành Đông Quan (tức là Hà Nội bây giờ), không phải thông qua tài liệu du lịch mà qua bài học... lịch sử!

Trận Ninh Kiều là một trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra năm 1426, còn gọi là trận Chúc Động. Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy), khi quân Minh tháo chạy qua sông, nghĩa quân Lam Sơn đã tập kích và chặt đứt cầu, quân Minh chết đuối làm nghẽn cả một khúc sông. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có nhắc đến sự kiện này trong câu:

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm

Ninh Kiều ngày ấy nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng

Các bạn đã từng nghe bài hát này chưa



Thung lũng buồn trong mờ sương
Nhà tôi chênh vênh trên đèo mây
Phố núi nghèo như bàn tay
Nhà bên kia vẫy nhà bên này

12 thg 4, 2013

Còn đâu men rượu cần xưa

“Nhà rông bập bùng ánh lửa, rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em. 
Anh vít cần, vít cần mà không dám uống. 
Điệu xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh. 
Anh cứ sợ, cứ sợ mình lạc mất nhau thôi” 


(Đêm xoang Tây nguyên - nhạc sĩ Nguyễn Cường).

Đến Tây nguyên vào mùa lễ hội hoặc có dịp ngồi lại bên nhau, người dân ở các buôn làng thường đưa rượu cần ra để đãi khách phương xa. Bên bếp lửa, men rượu cần thơm ngát hòa vào ánh lửa bập bùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa đặc trưng của miền nắng gió. Tuy nhiên giờ đây đến Tây nguyên, rượu cần dù “nhiều như cây trên rừng” nhưng thật khó để tìm thứ “rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt” như nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng viết. 



Thưởng thức rượu cần tại hội thi tạc tượng nhà mồ Tây nguyên ở Buôn Đôn - Ảnh: Thái Bá Dũng


Còn đâu kơnia ngả bóng che ngực em

Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây kơnia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ.


Đã mấy chục năm rồi kể từ khi bài thơ nổi tiếng Bóng cây kơnia của nhà thơ Ngọc Anh ra đời và được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Có dịp ghé lên Tây nguyên, không ít người lại muốn nhìn thấy bóng cây kơnia lãng mạn đó.

Nhưng bây giờ tìm kơnia ở đâu giữa Tây nguyên bạt ngàn?

Buôn Kơnia chỉ còn ba cây 


Cây kơnia còn sót lại ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG


Đi tìm “cánh chim kơtia”

“Chim kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông...”.

Gần 40 năm sau khi bài hát Đắk Krông mùa xuân về, nhiều người vẫn đi tìm câu trả lời về địa danh Đắk Krông và gắn liền với đó là hình ảnh “chim kơtia bay tới”.

Chim kơtia là chim gì?

Đại tá hải quân Nguyễn Văn Huân, lữ đoàn phó lữ đoàn 125, là người rất thích bài hát Đắk Krông mùa xuân về của nhạc sĩ Tố Hải. Hầu như buổi giao lưu văn nghệ nào ở căn cứ hải quân Cát Lái cũng thấy ông bước lên sân khấu thông báo “chim kơtia bay tới...”. Hỏi ông có biết kơtia là chim gì không, đại tá cười: “Mình chỉ biết hát thế thôi chứ chim kơtia thì thú thật mình chưa thấy bao giờ, không biết nó là con chim gì”.

...Đến Tây nguyên vào thời điểm khoảng tháng 7 đến tháng 10, khi các rẫy bắp của người dân đang bước vào vụ thu hoạch, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân cắm bù nhìn đuổi chim muông. Trong các loài thì người nông dân sợ nhất là... chim kơtia.