24 thg 2, 2014

Đờn ca tài tử - dấu ấn đất phương Nam

Từ lâu, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tinh thần của người dân đất phương Nam. Ngày 5/12/2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và đây cũng là lần đầu tiên, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ở Nam Bộ được công nhận là di sản thế giới. 

«
    

         Nghệ thuật đờn ca tài tử đạt đủ các tiêu chí để trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO đề ra, đó là: Tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng nhất là nó có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh thành Nam Bộ.

»
Khám phá điệu dân ca đất phương Nam

Nhắc đến đờn ca tài tử, người ta thường nghĩ ngay đến loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được xem như một thứ “đặc sản” riêng có của người Nam Bộ. Người dân đất phương Nam có thể chơi đờn ca tài tử ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và đặc biệt là ai cũng có thể chơi, không phân biệt giàu sang, gái trai hay già trẻ. Chính vì vậy đờn ca tài tử có thể xuất hiện trong những bữa trà dư tửu hậu, trong những đêm trăng thanh gió mát ở các miệt vườn, trên những con thuyền trôi lững lờ dưới dòng kênh xanh, hay những dịp cúng tế, cưới hỏi, ma chay, gỗ chạp…

Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế, và sớm trở thành loại hình âm nhạc dân gian truyền thống mang đậm sắc thái âm nhạc bình dân của miền sông nước Nam Bộ.


Chữ “tài tử” trong đờn ca tài tử dùng để chỉ người nghệ nhân giỏi về cổ nhạc, có biệt tài về đàn và ca, chứ không có nghĩa là “nghiệp dư”. Điều này còn có nghĩa, các “tài tử” không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh nhai mà chỉ chơi khi vui hay lúc ngẫu hứng, nếu không hứng thì thôi, không ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ. Tuy vậy, trình độ của các “tài tử” đúng nghĩa lại không hề thấp khi họ phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu và luôn tạo cho mình một phong cách riêng. Nghệ thuật đờn ca tài tử không có trang phục biểu diễn riêng, các “tài tử” thường cũng không câu nệ về trang phục, chỉ khi tham gia trình diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới chú ý tới ăn mặc sao cho phù hợp với không gian trình diễn là được. 

Du khách thưởng thức biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ ở ngôi nhà cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Ảnh: Nguyễn Luân

Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách trong không gian vườn cây ăn trái ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Lê Minh

Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử tại Lễ hội Văn hóa người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quốc

Các loại nhạc cụ dùng trong biểu diễn đờn ca tài tử như: (từ trái qua) đàn guitale, đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn sến 3 dây, đàn gáo, đàn cò, đàn nguyệt, đàn tranh. Ảnh: Lê Minh 

Theo GS Trần Văn Khê, người đã dành trọn đời để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng với thế giới, đầu thế kỷ XX nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển rất mạnh, nhanh chóng lan tỏa khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Đặc biệt, lúc bấy giờ nhờ có sự giao lưu và thi đua giữa các nhóm tài tử nên không chỉ kỹ thuật đờn, ca được nâng cao mà việc ghi chép, hệ thống hoá các bản nhạc cổ cũng ngày càng được hoàn thiện. Thời bấy giờ, làng đờn ca tài tử Nam Bộ nổi lên rất nhiều tên tuổi lớn, tiêu biểu như các nghệ nhân: Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Quờn (Ký Quờn) ở Vĩnh Long, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền ở Cần Thơ, Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị) và nhà sư Nguyệt Chiếu ở Bạc Liêu… Những người này đã có công lớn trong việc thúc đẩy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển rực rỡ trong nửa đầu thế kỷ XX.

Nhạc khí chính trong đờn ca tài tử là đàn kìm (đàn nguyệt), đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, tục gọi là “tứ tuyệt”. Vào khoảng năm 1930 có thêm cây đàn guitare phím lõm, violon, guitare hawaii. Bên cạnh đó còn có song lan (còn gọi là song loan) dùng để đánh nhịp. Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường song tấu đàn kìm và đàn tranh với tiếng “thổ” pha tiếng “kim”, hoặc tam tấu (kìm, tranh, cò), đôi khi có ống sáo thổi ngang hay ống tiêu thổi dọc. Khi biểu diễn, phần hay nhất của đờn ca tài tử là phần rao của tài tử đàn và nói lối của tài tử ca để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra, do biểu diễn ngẫu hứng, các tài tử ca thường cải biên đi theo cách riêng sau khi dựa trên bản nhạc gốc truyền thống. Chính những điều này đã tạo nên nét mới lạ và sức hấp dẫn đối với người nghe khi thưởng thức đờn ca tài tử.

Tuy có nhiều bài bản khác nhau nhưng về tổng thể, đờn ca tài tử có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” cho 4 hơi điệu, bao gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả những cảnh sầu não, đau buồn, chia ly). Sau này còn phát triển thêm 8 bài Ngự, 10 bài Liên hoàn cùng rất nhiều dị bản và các bản mới do các nhạc sư, nghệ sĩ tài năng sáng tác.

Trải qua hơn một thế kỷ, đờn ca tài tử vẫn tồn tại và phát triển vững bền, trở thành một món ăn tinh thần thường nhật, và cũng là “đặc sản” của người Nam Bộ dùng để đãi du khách khi về với miền sông nước phương Nam.

Sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử

Khác với nhiều loại hình dân ca, nghệ thuật đờn ca tài tử có một sức sống mãnh liệt. Không chỉ người trong nước mà cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng rất thích thưởng thích bộ môn nghệ thuật này bởi tính dân dã, gần gũi, mùi mẫn và độc đáo của nó.

GS Trần Văn Khê cho biết, năm 1963, ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu một đĩa đờn ca tài tử để giới thiệu với UNESCO. Năm 1972, ông gửi tiếp cho UNESCO một đĩa thu âm đờn ca tài tử thứ hai do chính mình và nhạc sư Vĩnh Bảo cùng trình tấu. Ngoài ra, cơ quan truyền thông Cocora Radio France của Pháp cũng đã mời GS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) ghi âm hai đĩa đờn ca tài tử khác và cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất nước Pháp, được nhận giải Phê bình âm nhạc trong năm phát hành.

Chúng tôi tìm về Bạc Liêu, địa phương có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất mạnh ở Nam Bộ và cũng là quê hương của soạn giả Cao Văn Lầu, tác giả của bản “Dạ cổ hoài lang”, một di sản mang tính biểu tượng của làng đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu.

Nhạc hội đờn ca tài tử Tp. Hồ Chí Minh 2011 đã thu hút 126 tài tử đến từ các CLB đờn ca tài tử tại Tp.HCM và nhiều tỉnh Nam Bộ về tham gia tranh tài và biểu diễn. Ảnh: Lê Minh

Các nghệ sĩ Hoàng Long - Thanh Thảo (Trung tâm văn hóa huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) biểu diễn một trích đoạn tại Nhạc hội đờn ca tài tử Tp. Hồ Chí Minh 2011. Ảnh: Lê Minh

GS. Trần Văn Khê giao lưu với khán giả yêu đờn ca tài tử tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh

Các tài tử biểu diễn tại Nhạc hội đờn ca tài tử Tp. Hồ Chí Minh 2011. Ảnh: Lê Minh

Các nghệ sĩ đờn ca tài tử thắp hương tưởng nhớ cố soạn giả Cao Văn Lầu tại Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và soạn giả Cao Văn Lầu. Ảnh: Lê Minh

Một góc Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và soạn giả Cao Văn Lầu. Ảnh: Lê Minh

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và soạn giả Cao Văn Lầu. Ảnh: Lê Minh

Lớp học đờn ca tài tử tại khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh 

«

     “Festival Đờn ca tài tử Việt Nam - Bạc Liêu lần thứ I/2014 là một sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia và có tính quốc tế, nhằm tôn vinh và giữ gìn cũng như phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, đồng thời đây là dịp để quảng bá hình ảnh, con người Bạc Liêu đến bạn bè trong nước và thế giới”.


(Ông Nguyễn Chí Thiện,
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu)


»
Ở Bạc Liêu, mỗi ấp, mỗi khóm, mỗi xã, mỗi phường, đến thành phố đều có câu lạc bộ đờn ca tài tử. Hiện toàn tỉnh có 227 câu lạc bộ đờn ca tài tử, với tổng số 2.143 thành viên: 475 tài tử đờn và 1.668 tài tử ca. Trong đó 55 câu lạc bộ được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt. Các câu lạc bộ luôn sinh hoạt định kỳ. Ngoài ra, hàng năm tỉnh Bạc Liêu còn tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử nên các câu lạc bộ càng có thêm cơ hội được giao lưu biểu diễn, nâng cao trình độ chuyên môn.

Ngoài ra, hơn 10 năm nay, hàng năm, ba tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau cùng với một số tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, giúp cho phong trào đờn ca tài tử ở Nam Bộ có điều kiện được phát triển mạnh.

Anh Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm, kiêm Trưởng Phòng Văn hóa Tp. Bạc Liêu cho biết, lớp tập huấn cộng đồng “Hát bài Dạ cổ hoài lang (bản chuẩn) và ca vọng cổ” do Trung tâm Văn hóa Tp. Bạc Liêu tổ chức hiện thu hút rất đông học viên. Lớp học có đủ mọi lứa tuổi, có những cụ đã hơn 80 tuổi và cũng có những em mới 14, 15 tuổi…

Em Lê Thị Thu Thảo (14 tuổi, phường Nhà Mát) tâm sự: “Em rất thích đờn ca tài tử vì từ nhỏ đã được nghe ba mẹ, cậu dì ca trong mỗi dịp sinh hoạt trong gia đình, hay những lần đi đám tiệc. Em học để biết cách lấy hơi, giữ nhịp, để lúc ca em cũng thấy tự tin hơn”.

Với những thành tựu và truyền thống đáng tự hào về quá trình phát triển đờn ca tài tử, Bạc Liêu đã được Chính phủ chọn làm nơi đăng cai Festival đờn ca tài tử Việt Nam lần đầu tiên. Liên hoan sẽ diễn ra vào tháng Tư năm 2014 với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tiếng lòng người phương Nam”.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy phong trào đờn ca tài tử, Bạc Liêu đã tiến hành xây dựng và tu sửa 26 công trình trọng điểm, điển hình như: Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu; Quảng trường Hùng Vương…

Theo kết quả thống kê mới nhất, phong trào đờn ca tài tử hiện đã phát triển đến 21 tỉnh thành trên cả nước, với 2.258 câu lạc bộ và 13.800 người tham gia, người trẻ nhất 6 tuổi, già nhất 99 tuổi.

Bên cạnh phong trào đờn ca tài tử đang phát triển sôi nổi ở khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, việc nghiên cứu và đào tạo nghệ thuật đờn ca tài tử theo hướng chuyên nghiệp, bài bản cũng đang được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Và Tp. Hồ Chí Minh chính là trung tâm đào tạo và nghiên cứu đờn ca tài tử lớn nhất của cả nước. Tại đây, hiện có hai đơn vị có thể đào tạo ra những nghệ sĩ đờn ca chuyên tài tử chuyên nghiệp là Khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc Viện Tp. Hồ Chí Minh và Khoa Kịch hát dân tộc của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ngoài ra còn có nhiều lớp đờn ca tài tử do các Nhà văn hóa ở thành phố, quận, huyện và của các nghệ nhân mở ra để dạy cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

Có thể nói, đờn ca tài tử chính là “hồn cốt” trong di sản văn hóa Nam Bộ. Nó không chỉ là loại hình nghệ thuật thể hiện đậm nét văn hóa, cũng như tính cách giản dị, gần gũi, phóng khoáng và giàu tình cảm của người dân đất phương Nam, mà còn cho thấy đây là một loại hình nghệ thuật có khả năng lôi cuốn và gắn kết cộng đồng rất cao, nhờ đó mà nó luôn có một sức sống mãnh liệt, trường tồn với đời sống văn hóa của dân tộc.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân

1 nhận xét:

  1. Xin hỏi muốn liên hệ với Nguyễn Luân, tác giả bức ảnh "Du khách thưởng thức biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ ở ngôi nhà cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long)". thì làm cách nào ạ???

    Trả lờiXóa