4 thg 7, 2021

Khèn bầu 6 ống của người Mạ

Trong số các nhạc cụ của người Mạ trên địa bàn tỉnh, M'buốt (còn gọi là khèn bầu 6 ống) là nhạc cụ có cấu tạo phức tạp và khả năng diễn tấu phong phú.

Loại nhạc cụ này có thể dùng để đệm hát, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong các dịp lễ hội. Trai tráng trong bon làng dùng khèn bầu để thổ lộ tình cảm với người yêu…

Nghệ nhân người Mạ trình diễn khèn bầu 6 ống

Khèn bầu 6 ống thuộc loại nhạc cụ họ hơi (sáo). Khèn cấu tạo bởi 6 ống trúc có độ dài ngắn khác nhau kết thành 2 bè. Bè trên 4 ống, bè dưới 2 ống gắn vào một quả bầu khô làm bộ phận khuếch đại âm thanh.

Đường kính mỗi ống thường từ 1,5 - 2 cm. Để làm một chiếc khèn bầu đẹp, người Mạ thường chọn những quả bầu có thân vừa phải, tròn đều, vỏ ngoài láng đều, không bị sâu bọ chích hút, cổ thuôn dài và phần gần cuống hơi cong. Quả bầu phải đủ độ già để lớp vỏ dày, cứng, không bị dễ vỡ.

Những quả bầu già khoét một lỗ phía đầu cuống để lấy hạt giống. Mang quả bầu đi ngâm dưới bùn, bên cạnh khe suối cho ruột quả bầu rữa ra. Khoảng 2 tháng sau, người Mạ lấy quả bầu lên moi hết phần ruột. Phần xơ bầu còn sót lại trong quả phải lấy sạch sẽ.

Đem quả bầu treo lên giàn bếp để hơi khói làm khô, bóng, tăng độ bền, đồng thời tạo màu vàng nâu cho quả bầu. Vỏ bầu sau khi được xử lý qua các công đoạn trên thường không bị mối mọt, có độ bền chắc cao, không thấm nước.

Chế tác khèn bầu không quá phức tạp, song đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người nghệ nhân. Ở công đoạn này người chế tác tỉ mỉ dùng dao để tiện, gọt, khoét..., tránh làm sứt mẻ quả bầu khô. Người chế tác sẽ cắt bỏ phần đầu cuống để tạo thành lỗ nhỏ làm nơi thổi. Thân bầu được khoét sáu lỗ xuyên qua hai lớp vỏ bầu để lắp ống khèn.

Khi tạo các lỗ này, họ thường chú ý đến chiều cong của cổ quả bầu và hướng của ống nứa, sao cho khi thổi lỗ ống thổi quay ra phía sau còn các ống khèn chĩa phía trước; dùng sáp ong gắn kết 6 ống trúc vào để làm ống khèn. Quả bầu khô làm hộp cộng âm cho chiếc khèn bầu. Một đầu các ống nứa có mắt bịt kín, đầu kia cắm xuyên qua vỏ trái bầu khô. Các mối nối phải được hàn thật kín bởi sáp ong.

Phần xuyên qua để lộ 6 đầu ống. Thân các ống nứa có lỗ thoát âm và lỗ để điều chỉnh âm thanh. Người thổi ngậm miệng vào đầu cuống của quả bầu và thổi. Khi thổi, người thổi phải bấm ngón tay, kết hợp hơi thổi ra, phát thành các âm thanh trầm bổng của đồ - rê - mi- pha - son - la…

Với người Mạ, khèn bầu gắn bó rất gần gũi và không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Người Mạ sử dụng khèn bầu 6 ống trong các lễ hội cộng đồng, lễ lên nhà mới, lễ ăn hỏi… Trong các lễ hội này, khèn bầu 6 ống được sử dụng thổi theo làn điệu bài hát. Những giai điệu của khèn bầu mang theo tâm sự buồn vui trong cuộc sống. Âm thanh của khèn bầu lúc trầm lúc bổng, vang vọng, thiết tha, mang âm hưởng và cả nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét