5 thg 7, 2021

Ký ức đường thiên lý

Thiên lý có nghĩa là nghìn dặm. Đường Thiên lý chạy dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc chí Nam, tương tự như Quốc lộ 1 sau này. Quanh câu chuyện đường Thiên lý có lắm điều hay và sự hiểu biết về nó không phải là vô ích.

Gian nan thiên lý

Tên gọi đường Thiên lý xuất hiện khoảng năm 1402 đời nhà Hồ khi thượng hoàng Hồ Quý Ly và vua Hồ Hán Thương cho xây đắp con đường từ kinh đô kéo dài vào Bắc Trung Bộ, đến Châu Hóa rồi kéo dần về Nam. Thiên lý là nghìn dặm, một danh tự chung dùng làm danh tự riêng, có lẽ vì sự khu biệt nó vốn đã khá rõ, so với các con đường ngang, ngắn hơn nhiều.

Bản đồ Quảng Thuận đạo sử tập phần thể hiện địa bàn Quảng Ngãi, thế kỷ XVIII, con đường vắt ngang chính là đường Thiên lý. ẢNH: CAO CHƯ

Xem vẽ trên các bản đồ chữ Hán như Quảng Thuận đạo sử tập thế kỷ XVIII, Đồng Khánh địa dư chí thế kỷ XIX thì lộ trình của nó không có gì khác so với tuyến Quốc lộ 1 về sau. Ở tập Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785), riêng đoạn tỉnh Quảng Ngãi, đầu phía bắc thuộc địa phận Quảng Nam có Bến Ván (chữ Nôm), các điểm được ghi chú trên đường này lần lượt là đò Châu Tử (Châu Ổ) trên sông Trà Bồng, cầu Ô Sông, truông Ba Gò dương hành, đò sông Vệ, cầu xã Thanh Hiếu, Cẩm Khê tuần. Địa bạ Quảng Ngãi lập năm Gia Long thứ 12 [1813] cho biết đường Thiên lý đoạn qua trấn Quảng Ngãi dài 38.823 tầm, 1 thước, 9 tấc. Bản đồ Đồng Khánh địa dư chí ra đời sau Quảng Thuận đạo sử tập trên dưới 100 năm, cũng vẽ đường Thiên lý vắt ngang, vẽ đậm, nhưng không ghi chú rõ bằng. Đồng Khánh địa dư chí chú trọng ghi chép các làng quê hơn.

Người dân nước ta hẳn không lạ gì câu ca dao: "Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Ít người chú ý rằng đó là các đoạn nằm trên đường Thiên lý.

Gia phả họ Võ làng An Điềm (nay thuộc xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) ghi rằng ông thủy tổ của dòng họ Võ Mậu Công (1626 - 1672) dẫn ba người con từ Nghệ An đi theo đường Thiên lý vào Nam lập nghiệp, đến đèo Hải Vân thì ông ốm chết, ba người con bèn mai táng cha ngay trên đèo rồi tiếp tục đi vào Nam. Đến Châu Ổ, họ rẽ ngoặt lên khai phá, lập các làng mà về sau có tên An Điềm, Tân Minh (Tân Phước) và Hoa Trì (Ngọc Trì), nay thuộc các xã Bình Chương, Bình Minh (Bình Sơn). Ba năm sau, các con quay lại chỗ cũ tìm di cốt cha về cải táng tại quê mới, ở địa danh mà sau này gọi là Đồi Trợ, nay thuộc xóm Bình Bắc, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).

Làng An Điềm có phần xa đường Thiên lý. Vậy mà điều khá lý thú là mãi về sau, các thế hệ con cháu họ Võ làng An Điềm có lệ, cứ ba tháng trước ngày giỗ ông thủy tổ, họ tổ chức giúp đỡ tiền, gạo, nơi nghỉ chân cho những người đi trên đường Thiên lý vào Nam. Có thể hiểu, đó là vì người ta đã cảm nhận về sự vất vả gian nan, nỗi hiểm nguy trên đường Thiên lý mà khách lữ hành phải trải qua, qua cái chết của ông tổ dòng họ.

Cảm nhận về sự gian nan hiểm nguy của đường Thiên lý còn xuất phát từ thực tế đoạn truông Ba Gò ở phía nam huyện Bình Sơn. Dân gian lưu truyền nhiều câu ca nói lên sự hiểm nguy ở đoạn này: "Đưa anh về Quảng em lo/ Ao vuông là một, Ba Gò là hai/ Kiêng gì trong buổi sớm mai/ Đàng trong kẻ cướp, đàng ngoài hang beo", hay "Cách sông khó lội phải đợi có đò/ Qua truông Ba Gò phải cho có bạn".

Đến thời Pháp thuộc, nhà nước “bảo hộ” dựa vào tuyến Thiên lý mà xây dựng trục Quốc lộ 1, các cầu qua các sông lớn được xây dựng; các phương thức thông tin mới du nhập, nhà nước phong kiến cũng đã đánh mất chủ quyền quốc gia nên các phương thức dã trạm dần biến đổi về tính chất và tầm quan trọng. Ngoài việc duy trì các trạm đã có, người Pháp đặt thêm trạm Chánh Lộ ở tỉnh lỵ và các trạm rẽ ngang, như năm Thành Thái thứ 11, đặt các trạm Nghĩa Hòa ở trại An Hòa (Sơn Tịnh), trạm Phổ An ở Phổ An (nay là xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi), trạm Sơn Trà (nay thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn).

Sách Quảng Thuận đạo sử tập ghi chú rõ truông Ba Gò dương hành (đường truông Ba Gò chỉ đi ban ngày) cho thấy không chỉ dân gian, mà sự hiểm nguy ở đây cũng được các nhà quản lý ghi nhận và có quy định. Sách triều Nguyễn chép rằng đời vua Gia Long, tướng quân Lê Văn Duyệt từng sai quân bắt cọp ở đây để người đi đường dần được yên.

Sách Quảng Thuận đạo sử tập vẽ đường Thiên lý hình chiếc cầu và ghi chú ở những chỗ ngày nay xem ra rất nhỏ, như cầu Ô Sông, cầu Cháy, cầu Bàu Giang, cầu Cây Bứa, cầu xã Thanh Hiếu. Điều thú vị là nó cho thấy các địa danh này đã có từ trước thế kỷ XVIII, đồng thời sẽ gây ngạc nhiên khi qua các sông lớn là Châu Tử (Trà Bồng), Trà Khúc, Vệ, đều ghi là “độ” (đò). Tại sao vậy? Một suy luận không sợ sai là trình độ công nghệ thời phong kiến không đủ để xây cầu qua các sông lớn, nên dù là đường huyết mạch của quốc gia, vẫn phải qua lại bằng đò. Vì khách lữ hành phải chờ đò Trà Khúc, nên ở phía bắc bến đò này mới xuất hiện Quán Cơm, Hàng Rượu phục vụ người nghỉ chân và lưu địa danh đến ngày nay.

Hãy hình dung rằng mặt đường Thiên lý lồi lõm sỏi đá, lữ khách từ Bắc đi vào Nam có thể đi ngựa, nhưng phần nhiều phải đi bộ, khi qua các sông lớn đều phải chờ đò, thì chưa kể sự hiểm nguy như trên, sự gian nan cũng đã quá sức tưởng tượng. Cho nên xưa kia nhiều trường hợp người đi di cư từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào lập nghiệp, người ta chọn cách đi thuyền bè. Thuyền bè đi men theo bờ biển không phải thiếu sự hiểm nguy bởi sóng gió và ghềnh đá, nhưng ít ra cũng khỏe hơn, có thể chở theo hành lý, đồ dùng, công cụ sản xuất thuận tiện hơn là đường Thiên lý. Người đi buôn đường dài Bắc - Nam chủ yếu cũng đi bằng đường biển (buôn ghe bầu) chứ không theo đường Thiên lý.

Các điểm trạm

Nói đến đường Thiên lý mà không nói đến các dịch trạm, dã trạm hay điểm trạm là một thiếu sót lớn. Trên đường Thiên lý trong khoảng cách 20 - 30km, chính quyền phong kiến đặt một trạm. Trạm là để phục vụ giao thông và thông tin. Đường Thiên lý qua Quảng Ngãi có 5 dịch trạm, lấy tên xã thôn sở tại làm tên trạm, gồm trạm Trì Bình (nay thuộc xã Bình Nguyên) trạm Diên Lộc (nay thuộc xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh), trạm Đông Mỹ (nay thuộc xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa), trạm Hoa Sơn (Hoa Sơn sau đổi là Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) và trạm Quán Sứ (nay thuộc thôn Thuỷ Thạch, xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ).

Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) giao với đường sắt Bắc - Nam, một bên là núi, một bên là đầm An Khê. ẢNH: LÊ ĐỨC

Đến năm Minh Mạng thứ ba [1821], theo quy định chung trong toàn quốc, các trạm lấy một chữ trong tên tỉnh làm chữ trước, một chữ trong tên thôn xã sở tại làm chữ sau, theo đó các trạm tỉnh Quảng Ngãi đều lấy chữ Ngãi (còn đọc là Nghĩa) làm đầu, cụ thể trạm Trì Bình đổi là trạm Nghĩa Bình, trạm Diên Lộc đổi là trạm Nghĩa Lộc, trạm Đông Mỹ đổi là trạm Nghĩa Mỹ, trạm Hoa Sơn đổi là trạm Nghĩa Sơn, trạm Quán Sứ đổi là trạm Nghĩa Quán.


Ở đầu phía bắc, trạm Nghĩa Bình kết nối với trạm Nam Vân tỉnh Quảng Nam, ở đầu phía nam, trạm Nghĩa Quán kết nối với trạm Bình Đê, tỉnh Bình Định. Mỗi trạm được bố trí canh phòng chặt chẽ, tùy thời kỳ có quy định khác nhau, có sự bố trí khác nhau, nhưng điểm chung là có nhà trạm, các phu trạm, xe ngựa luôn túc trực, đảm bảo các văn thư từ các địa phương về triều đình và từ triều đình về các địa phương được thông suốt. Nếu ví đường Thiên lý là cái xương sống của đất nước, thì các dã trạm tựa như từng đốt xương sống, hữu cơ với nhau và đều vô cùng quan trọng.

CAO CHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét