19 thg 7, 2021

Cây cầu thần thoại giữa núi rừng Hải Vân

Cầu Đồn Cả - một trong những cây cầu đường sắt cao tuổi nhất ở việt Nam bỗng dưng “nổi tiếng muộn” trong cộng đồng ưa xê dịch thời gian gần đây.


Tôi qua lại đèo Hải Vân rất nhiều lần, bằng xe đò, xe du lịch, xe máy, tàu hỏa, những tưởng mình đã quen thuộc lắm con đèo này. Rồi có một ngày, tôi bất ngờ được một người bạn cùng quê Đà Nẵng giới thiệu điểm đến mới khám phá gần đây ở đèo Hải Vân - đèo nối liền con đường thiên lý giữa Đà Nẵng và Huế.

Đó là cầu Đồn Cả trên tuyến đường từ ga Hải Vân Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) với ga Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là cây cầu quan trọng trong hành trình ngược xuôi vượt đèo Hải Vân của các chuyến tàu xuyên Việt cả trăm năm qua.


Niềm nhớ qua cầu và trải nghiệm ô cửa con tàu


Không ai nhớ chính xác cây cầu Đồn Cả được xây từ năm nào nhưng những người tuần đường ở cung đường Hải Vân khẳng định với tôi rằng, đường sắt xuyên Việt bao nhiêu năm thì cầu bấy nhiêu tuổi, nghĩa là cũng đã trên dưới trăm năm. Đây là cây cầu tôi đã nhiều lần qua lại từ thuở ấu thơ trên những chuyến tàu lửa xuyên Bắc - Nam, tính ra đã hơn 30 năm. Cây cầu chứa đựng cả một trời mộng mơ và tưởng tượng mà có lẽ chỉ những ai thường đi các chuyến tàu xuyên Việt ấy mới nhớ.

Đèo Hải Vân là đèo dài, cao và hiểm trở nhất của tuyến đường sắt xuyên Việt. Để hạ bớt cao độ cho tuyến đường, giúp đoàn tàu an toàn vượt đèo, người ta đã phải làm nhiều hầm xuyên núi cùng những cây cầu vượt qua các khe suối, hẻm núi, thung lũng trên đèo.

Vì quá cao, để vượt đèo Hải Vân, trước đây các đoàn tàu sắt xuyên Việt thường phải có thêm đầu máy đẩy. Nghĩa là mỗi đoàn tàu ngoài đầu máy kéo ở phía đầu, còn có một đầu máy đẩy gắn vào đuôi. Trên hành trình Bắc - Nam trước khi vượt đèo, các đoàn tàu thường dừng lại ở các ga nhỏ dưới chân hai bên đèo Hải Vân để ráp đầu máy đẩy.

Nếu ai từng đi đường sắt xuyên Việt, từng ngán những khung cảnh quen thuộc qua ô cửa là… đi sau lưng nhà người ta mỗi khi ngang qua các phố thị, sẽ cảm thấy khoan khoái mỗi khi tàu chầm chậm bò qua núi, leo đèo như thế này.

Khi từ Bắc trở vào, leo đèo Hải Vân, đến cầu Đồn Cả cũng là lúc tôi được ngắm những mảng xanh ngút mắt, biển rì rầm vỗ sóng mà mỗi đoàn tàu đi qua chỉ làm xao động một chút không gian rồi trả lại sự yên tĩnh cố hữu cho núi rừng. Từ Nam trở ra, đoàn tàu già nua chậm chạp chui những đường hầm dài tối om trước khi mở ra một khoảng không gian sáng bừng mà cầu Đồn Cả là cột mốc để bước vào không gian tuyệt đẹp bên hông đèo.

Thời ô cửa các toa tàu không có lưới bảo vệ chắn tầm nhìn, mỗi lần qua đèo, hành khách lại thỏa thích ngắm cảnh, nhất là những đoạn đường cong cong. Đó là dịp có thể nhìn thấy đuôi tàu đang uốn lượn theo thanh ray hoặc nhìn về phía trước ngắm đầu máy đang ì ạch leo đèo, nhả khói cần mẫn vào những khúc cua, dịp tuyệt vời để… thò đầu ra ngắm cảnh (nhưng phải hết sức chú ý an toàn vì cây cối bên đường).

Sau này, cửa kính có hạn chế bớt tầm nhìn nhưng ở những đoạn đường cong vẫn có thể ngắm được cảnh ít nhiều. Cây cầu Đồn Cả chỉ được nhìn trong vài chục giây mỗi khi tàu ngang qua cũng đủ mang lại nhiều trầm trồ mộng mơ vì “sao mà nó giống trong phim ảnh trời Tây quá”, như lời cảm thán của nhiều hành khách. Dù lắm mộng mơ, tôi không nghĩ có ngày mình sẽ đến tận nơi, đứng dưới chân cầu, vì nếu không phải nhân viên tuần đường, những cây cầu đường sắt giữa rừng núi cheo leo như đèo Hải Vân luôn khó tiếp cận.

Trăm năm nay, cầu Đồn Cả cõng trên mình không biết bao nhiêu chuyến tàu Bắc - Nam xuôi ngược, bao bão lũ thiên tai nhưng trông vẫn rất vững chãi, chắc chắn

Điểm đến nhuốm màu thần thoại

Để đến cầu, bạn sẽ ngang qua ga xép Hải Vân Bắc khá cũ kỹ - nơi các đoàn tàu tạm dừng để tránh tàu, rồi đi bộ khoảng 1km men theo đường sắt sẽ tới cây cầu. Đoạn đường này ấn tượng bởi màu xanh cây rừng phủ kín xung quanh. Phóng tầm mắt xa hơn, có thể thấy Biển Đông vỗ sóng dưới chân đèo.

Dấu tích thời chiến tranh còn sót lại là cái lô cốt cũ nát cạnh đường ray. Một miếu thờ nho nhỏ nằm cheo leo trên mỏm đá gần cầu và tấm bia khắc danh những người nằm lại nơi này ngày xưa như làm tăng thêm không khí u tịch. Câu chuyện về những người đã nằm xuống trong quá trình làm đường, xây cầu, trong chiến tranh… đã khiến nơi này thêm màu sắc liêu trai.

Nếu chỉ đứng trên cầu Đồn Cả, bạn sẽ không nhìn thấy được hết vẻ đẹp của nó. Hãy đi xuống chân cầu theo lối đi nhỏ của những người tuần đường ở cuối cầu, men theo những bậc thang đá cũ để xuống suối.

Đường đến cầu Đồn Cả được bao phủ bởi màu xanh mát mắt của cỏ cây

Cầu Đồn Cả được xây dựng chủ yếu bằng đá, là dạng cầu vòm, bắc qua thung lũng, bên dưới có một dòng suối từ núi chảy xuống biển. Cây cầu nằm trên một khúc cua đường sắt vừa cong vừa dốc nên tại một số đoạn, người ta phải lắp thêm ray phụ ép sát thanh ray chính để chống trật bánh tàu. Trăm năm nay, cầu Đồn Cả cõng trên mình không biết bao nhiêu chuyến tàu Bắc - Nam xuôi ngược, bao bão lũ thiên tai nhưng trông vẫn rất vững chãi, chắc chắn.

Có đứng từ dưới chân cầu hay bất cứ vị trí nào ven dòng suối trong thung lũng bên dưới nhìn lên mới thấy hết độ cao của cây cầu. Cầu có năm vòm cuốn lớn, với các trụ vươn cao như những vòm cổng sừng sững in dáng trên nền trời xanh thẳm giữa rừng vắng, tựa như những cánh cổng mở vào một thế giới khác. Mái vòm cong điệu đàng tỏ ra rất hợp với khung cảnh xung quanh, tôn thêm vẻ đẹp của cây cầu như thể đây là một công trình kiến trúc thẩm mỹ giữa núi rừng chứ không chỉ là một cây cầu đường sắt bình thường, gợi niềm cảm hứng thần thoại rất… Harry Potter.

Dân mê điện ảnh, đặc biệt là người hâm mộ bộ phim Harry Potter sẽ liên tưởng ngay đến đường ray Glenfinnan, Lochaber, Scotland. Cầu Đồn Cả như một phiên bản thu nhỏ của đường ray với 21 vòm nổi tiếng đưa đón những cô cậu học sinh trường Hogwarts.

Đây là nơi tuyệt vời để ngồi lại hít thở cùng núi rừng, cho mình những giờ phút yên tĩnh. Bạn có thể ngồi thiền một chút, rồi ngắm cây cầu, ngắm đoàn tàu chạy trên những vòm cầu cổ tích rồi câu cá, tắm suối, hạ trại nghỉ ngơi bên những tảng đá lớn dưới vòm cây dại có nước róc rách đêm ngày. Quả là cái thú “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” như tiền nhân đã nói.

Để đến được cầu Đồn Cả, không nên đi bằng ô tô, vì lối xuống nhỏ hẹp, cũng không thể đậu xe trên đường đèo để đi bộ. Tốt nhất là đi xe máy.

Nếu đi từ Đà Nẵng ra Huế, bạn leo đèo Hải Vân, qua khỏi Hải Vân Quan, đi tiếp khoảng 5km nữa, gần khu hầm thông gió, bạn sẽ thấy một đoạn đường nhỏ phía tay phải để đi xuống. Đây là đường mòn trong rừng và là lối đi xuống ga Hải Vân Bắc. Đường nhỏ, dốc liên tục, hơi ngoằn ngoèo, dài khoảng 2km, nên dùng xe số để đi.

Điểm cuối đường mòn là lối vào ga xép Hải Vân Bắc. Bạn có thể gửi xe ở đây hoặc để xe bên bìa rừng khóa lại. Nên mang theo nước uống vì giữa rừng không có dịch vụ. Có thể mang theo thức ăn và dụng cụ để nghỉ ngơi cắm trại, tắm suối. Lưu ý, hãy mang rác đi, đừng để lại nơi này.


Bài, ảnh: Lê Minh Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét