12 thg 6, 2021

Đền thờ Hai Bà Trưng: Điểm đến du lịch hấp dẫn huyện Mê Linh

Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Thành phố Hà Nội với lịch sử lâu đời là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đây còn là địa điểm du lịch tham quan hấp dẫn trong khu vực.

Đền Hai Bà Trưng nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội, đây là ngôi đền có truyền thống lâu đời, mang lại giá trị văn hóa tâm linh cho người dân huyện Mê Linh.

Huyện Mê Linh nằm cách Thủ đô Hà Nội 30 km về phía Tây Bắc, nơi đây có không gian thoáng đãng, có truyền thống lịch sử đáng tự hào. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh ngày càng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của bạn trẻ yêu thích khám phá hay dành cho những gia đình cắm trại, giải trí cuối tuần, tìm về chốn an tĩnh để hòa cùng thiên nhiên. Đặc biệt là đền Hai Hà Trưng với truyền thống và lịch sử hào hùng.
Đền thờ được xây dựng ở vị trí đắc địa, chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô ngay từ những tháng năm đầu sau Công nguyên năm 40-43.

Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1980.

Ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án đầu tư, quy hoạch, tôn tạo và xây dựng khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh trên diện tích gần 13ha.

Sau bao lần tu sửa, đền thờ Hai Bà Trưng vẫn giữ nguyên nền móng ban đầu. Đền thờ Hai Bà Trưng nằm ở chính giữa, phía bên trái thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, phía bên phải thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng. Ngoài ra, khu nội vi còn thờ những tướng nữ, tướng nam thời Hai Bà Trưng. Phía bên ngoài sân đá nội là bia đá khắc lời thề của Hai Bà khi làm lễ tế cờ, 18 cỗ voi hai bên tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Hai bên sân ngoài là thảm cỏ, cây cảnh lưu niệm,…

Đền thờ Hai Bà Trưng có lịch sử lâu đời, nơi đây lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị quan trọng. Hiện tại đền còn những dấu tích từ xa xưa như: Hồ mắt voi, hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình từ thế kỉ XVII, gươm trường, bát bửu, cửa võng, nhang án, chuông đồng (đúc năm 1803), bia đá (khắc năm 1889)…

Cứ mỗi dịp Lễ Tết hàng năm, người dân trong huyện và khu vực lân cận tề tựu tại đền thờ Hai Bà Trưng để báo ơn công lao của hai bà. Lễ hội chính được diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ngày hội chính vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày hội chính, Lễ rước kiệu Hai Bà Trưng được diễn ra vào lúc 7 giờ sáng, tái hiện con đường kéo quân Hai Bà khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Đồng thời tham quan khung cảnh trang nghiêm, trải nghiệm trò chơi truyền thống, hội chợ.

Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở Lễ hội và các trò diễn dân gian. Không chỉ phục vụ tín ngưỡng tâm linh, với diện tích rộng rãi, đền thờ Hai Bà Trưng còn là địa điểm cho các du khách tham quan, cắm trại, tổ chức trò chơi. Đặc biệt, nơi đây còn là địa điểm chụp kỷ yếu của bao thế hệ học sinh trên địa bàn huyện Mê Linh.

Tiến Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét