4 thg 6, 2021

Đường thủy ở Bạc Liêu

Bạc Liêu là tỉnh có hệ thống sông rạch, kênh đào tuy không bằng vài tỉnh khác như Bến Tre, Cà Mau… nhưng cũng rất chằng chịt, vừa là khó khăn nhưng đồng thời cũng là thuận lợi nếu biết sử dụng đúng cách. Sông rạch thì do tự nhiên mà có, còn kênh thì phải nhân tạo, thông thường bằng cách đào, nếu không đào thủ công bằng sức người thì đào bằng máy.

Kênh được đào bằng máy chỉ có từ thời Pháp thuộc. Ở ĐBSCL, việc đào kênh bằng máy có 2 cách: “thổi” và “múc”. Máy để thổi hoặc múc được đặt trên chiếc xà lan mà người dân quen gọi là xáng, nếu thổi thì gọi là xáng thổi, nếu múc thì gọi là xáng múc. “Xà lan” hoặc “xáng” là từ phiên âm từ tiếng Pháp “chaland” - một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc…

Xáng múc

Gọi là xáng múc vì cách thức đào kênh là dùng một cần cẩu có gắn một cái gàu sắt bốc từng gàu đất dưới lòng kênh lên bỏ qua 2 bên bờ kênh. Có loại xáng múc nhỏ gọi là xáng cạp - dùng gàu sắt “cạp” một gàu đất rồi quăng đất lên bờ.

Còn gọi là xáng thổi vì dùng máy hút để hút đất đổ lên bờ thông qua đường ống sắt nối từ đầu máy hút đến chỗ cần đổ đất. Đầu máy hút này có gắn một cái trục xoay như cái “chong chóng” để “chém” đất, đất vỡ mềm ra và bị hút vào lòng ống. Ở những dòng kênh cạn bị lấp nhiều bùn đất, muốn sên vét thì dùng xáng thổi sẽ nhanh và đỡ tốn công hơn dùng xáng múc.

Về việc phiên âm từ “chaland”, trong cách đọc và cách viết có khác nhau. Trong tiếng Pháp, phụ âm “ch” đọc như “s” nhưng cong lưỡi nhiều hơn, do vậy khi phiên âm là “sà lan” thì hợp hơn (nhiều tự điển tiếng Việt phiên âm như thế). Nhưng người miền Nam hay dùng từ “xà lan”, do vậy khi Việt hóa từ này thì trở thành “xáng”.

Để phân biệt một số loại kênh theo kích cỡ, có từ “kênh xáng” để chỉ loại kênh khá rộng được đào bằng xáng. Ở một số địa phương, từ kênh xáng hoặc từ có liên quan đến “xáng” trở thành địa danh (ví dụ: ấp Kinh Xáng - xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân; ấp Bờ Xáng - xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu…). Với sự biến đổi như vậy, từ viết đúng là “kênh xáng”, “bờ xáng”, nếu viết “kênh sáng”, “bờ sáng” thì có nghĩa là viết sai chính tả.

Xánh cạp

Ngoài địa danh Kinh Xáng (viết hoa) bắt nguồn từ danh từ “kinh xáng” còn vài địa danh hoặc tên đường thủy, tên cầu khác đáng chúy ý là: Bờ Xáng, Cầu Xáng, Xáng Cụt, Co Xáng…

Bờ Xáng (ấp - xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu): nguồn gốc địa danh này xuất phát từ việc trong thời gian nạo vét và mở rộng rạch Bạc Liêu (nay gọi là sông) thời Pháp thuộc, nơi đây là một điểm tập kết của một số chiếc xáng (có nhiều chiếc xáng đậu lại đây nghỉ ngơi).

Cầu Xáng (tên một cây cầu ở phường 1, TP. Bạc Liêu - cây cầu nối nội ô với ngoại ô thành phố trên đường đi xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi): Do gần đó cũng nơi neo đậu của một số chiếc xáng vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Xáng Cụt: Đây là một địa danh (tên đất), tên cầu, tên kinh có ở một số địa phương khác nhau, không chỉ ở Bạc Liêu mà còn có ở Kiên Giang, Tiền Giang… và có thể có cách giải thích khác nhau. Riêng ở Bạc Liêu có kinh Xáng Cụt ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long. Con kinh này ban đầu (được đào trước 1975) tuy có điểm xuất phát là từ kinh Cầu số 2 - Phước Long cách chợ Trưởng Tòa về phía thị trấn Phước Long khoảng 4 cây số hướng về phía cánh đồng phía Bắc nhưng chưa có điểm cuối (không nối vào một kinh hoặc sông rạch khác). Nguyên nhân để đào kinh này là để xổ phèn từ ruộng ở 2 phía bờ kinh ra. Sau này, kinh cũng được đào liên thông đến một con rạch khác.

Kinh Xáng Cụt khác với kinh Cựa Gà ở nhiều điểm: kinh Cựa Gà thường do được đào bằng tay, chạy xiên với một nhánh sông rạch không phải vì mục đích xổ phèn mà để dân cư tập trung đến ở ven 2 bờ kinh cho tiện việc đi lại (bởi nhánh sông đó thường rất ngoằn ngoèo). Hai loại kinh này giống nhau ở điểm (ban đầu) là… cụt! Gọi là kinh Cựa Gà vì kinh trông như một cái cựa gà mọc ra từ một chân gà! Sau này, có khả năng hơn và để cho thuận tiện việc đi lại, nên cả 2 loại kinh đều được nối với các kinh rạch khác.

Co Xáng (tên cầu ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau): địa danh này hơi lạ nhưng thật ra cách giải thích cũng khá đơn giản. Nguyên việc đào kinh không chỉ tạo ra một đường thủy mới mà còn có nhiệm vụ đắp đường ở bên bờ kinh (ít nhất cũng là một bên). Khi con đường được thành hình dọc theo kinh này (kinh Minh Hà vì trước kia ở đây có thành lập Nông trường Minh Hà) tới đây thì bẻ cua ngoặc 90 độ về hướng Nam chạy cặp theo một con kinh khác nối sang kinh Kiểm Lâm. Chỗ cái “co” này là nơi neo đậu của các chiếc xáng nhiều năm liền. Do vậy, dân địa phương gọi nơi đây là Co Xáng. Sau đó, một cây cầu được bắc ngang con kinh này và có tên là cầu Co Xáng!

Nhưng thật ra cách giải thích Co Xáng có phần rắc rối hơn nhưng khá lý thú. Nguyên con kênh này (kênh Minh Hà) nằm vắt ngang từ Đông sang Tây nhưng không phải được đào từ điểm A đằng Đông rồi đến điểm B đằng Tây, mà được đào từ hai phía, điểm A và B và sẽ nối lại tại điểm M mà nay gọi là Co Xáng. Sở dĩ gọi nơi đây là “co” vì 2 đoạn kênh này không thật sự thẳng hàng với nhau mà “chinh nhau” chỗ nối; muốn 2 đoạn kênh này ăn thông với nhau phải có một đoạn kênh ngắn theo trục Bắc Nam để nối lại. Chỗ này trông như một cái co hình gần giống chữ Z. Và khi xáng đào tới đây (cả 2 phía) thì xáng được neo đậu tại đây trong một thời gian khá dài. Do vậy, dân gian gọi nơi đây là Co Xáng (chỗ cái “co” có xáng đậu). Có thể nói, đây là một địa danh đặc biệt nhất trong nhóm địa danh “Xáng”.

Một địa danh khác khá phổ biến, hầu như địa phương nào cũng có (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang…) là Kinh Ngang. Gọi là Kinh Ngang vì ở đây có một đoạn kênh nằm ngang nối liền 2 con kênh ở gần nhau (nhưng chưa hẳn song song nhau). Chỗ này tạo ra một hình chữ H mà kênh ngang là đoạn nối ở giữa. Ban đầu là tên gọi một đoạn kênh nhưng sau được gọi là tên địa bàn dân cư. Ở Bạc Liêu, có địa danh ấp Kinh Ngang ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải).

Một đặc điểm khác của tên kênh ở Bạc Liêu, nhất là đối với những kênh lớn là ít có tên nào chỉ một địa phương cụ thể mà thường là sự kết hợp ở 2 địa phương khác nhau: kênh Bạc Liêu - Cà Mau, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Giá Rai - Cạnh Đền, kênh Hộ Phòng - Chủ Chí, kênh Cầu Sập - Ngan Dừa… và đa số các kênh này đều được đào từ thời Pháp thuộc (dĩ nhiên là các kênh này cho đến nay đều đã được nạo vét nhiều lần).

Đối với những kênh nhỏ dùng để xả phèn thì lại được gọi theo đơn vị mét: Kênh 7.000, kênh 8.000… Những kênh này thường cách nhau 1.000m (1km). Cách gọi tên theo số này xảy ra việc khó xử là khi viết ra thì viết bằng số hay chữ (kênh Bảy Ngàn, Tám Ngàn…). Ở một số địa phương lại có khuynh hướng viết bằng chữ, bởi tên kênh còn dùng để gọi tên một cấp hành chính (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Riêng Bạc Liêu chưa xuất hiện cách gọi địa bàn dân cư theo tên kênh được gọi theo số nên tên kênh thường được viết bằng số.

T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét