24 thg 5, 2021

Thổ cẩm Bá Thước – từ tự phát đến định hướng trở thành sản phẩm OCOP

Đa phần cư dân huyện miền núi Bá Thước là đồng bào dân tộc Thái, Mường có trang phục truyền thống chủ yếu được may bằng vải thổ cẩm nên nghề dệt sản phẩm đặc trưng này đã tồn tại nhiều đời nay. Với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng Pù Luông, nghề dệt thổ cẩm từ chỗ “lay lắt”, tự phát, nay đã, đang phát triển mạnh. Huyện Bá Thước đã triển khai lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng nghề tập trung ở xã Lũng Niêm, đồng thời xây dựng sản phẩm thổ cẩm trở thành sản phẩm OCOP.

Hoạt động dệt thổ cẩm huyện Bá Thước đang phát triển trên địa bàn nhiều xã.

Nghề gắn với đời sống văn hóa

Không ai biết rõ hoạt động dệt thổ cẩm ở huyện miền núi Bá Thước có từ khi nào, nhưng chắc chắn nó tồn tại và phát triển cùng với đời sống cư dân địa phương từ thuở xa xưa. Hiện nay, trên địa bàn huyện, hầu hết các xã đều có nghề dệt thổ cẩm, nhiều nơi còn sản xuất cầm chừng theo tính chất tự phát, tuy nhiên, ở nhiều xã thuộc khu vực vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nghề dệt thổ cẩm đang trở nên phát triển. Thổ cẩm địa phương đã trở thành sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

“Thủ phủ” của nghề dệt thổ cẩm Bá Thước hiện nay là khu vực quanh chợ Phố Đòn thuộc xã Lũng Niêm, với gần 100 hộ dân tham gia. Đến những gia đình người Thái nơi đây, không khó để tìm thấy những khung cửi dệt thổ cẩm trước nhà. Theo truyền thống địa phương, để có được sản phẩm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Thái nơi đây phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ngay từ thuở lên bảy, lên mười, các cô gái Thái đã được các bà, các mẹ tập cho làm quen việc nhặt bông, xe sợi.

Theo ông Hà Văn Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm: Quan niệm của đồng bào nơi đây, người phụ nữ giỏi thêu thùa, có kỹ thuật tinh xảo trong dệt hoa văn thổ cẩm sẽ được cộng đồng đánh giá cao. Những cô gái Thái dệt thổ cẩm giỏi thường được nhiều chàng trai để ý tới, bởi họ coi đó như là một tiêu chí quan trọng của người vợ sau này. Không phải từ xa xưa mà đến tận ngày nay, theo phong tục, người con gái khi về nhà chồng, phải tự tay mình dệt tặng bố mẹ chồng những bộ trang phục thổ cẩm để thể hiện sự hiếu thảo. Chính bàn tay người con gái cũng phải dệt ga, đệm, gối để mang về nhà chồng trang trí cho phòng tân hôn của mình... Trong những ngày tết hay ngày lễ lớn của dân tộc, người Mường, Thái ở Bá Thước cũng thường mặc trang phục truyền thống bằng thổ cẩm theo phong tục. Có thể thấy, sản phẩm thổ cẩm và hoạt động dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Phát triển theo xu thế mới

Ngày chúng tôi đến với thôn Lặn Ngoài của xã Lũng Niêm cũng là thời điểm các cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường đến khảo sát các điều kiện theo yêu cầu thành lập làng nghề truyền thống. Trước đó, địa phương đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan cấp tỉnh thẩm định để được công nhận hoạt động dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài thành làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Đây được coi là bước ngoặt mới cho nghề dệt thổ cẩm địa phương bởi, trước kia các hộ chỉ phát triển tự phát, nhưng nay được xã và huyện quy hoạch thành khu sản xuất tập trung, có định hướng phát triển theo hướng sản phẩm thương mại rõ ràng. Dệt thổ cẩm trong thôn được gắn với phát triển du lịch cộng đồng Pù Luông, liên tục có các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm làm quà.

Dạo bộ trên tuyến đường bê tông quanh co trong thôn, thanh âm của tiếng thoi đưa khung cửi cứ nhịp nhàng dưới gầm các nhà sàn. Nhiều khách nước ngoài, những vị khách phương xa đều tỏ ra thích thú trước hoạt động sản xuất đặc trưng này. Chính những trang phục thổ cẩm truyền thống cũng tôn lên vẻ đẹp của những mẹ, những chị người Thái xinh đẹp bên cầu thang nhà sàn. Ngồi bên chiếc khung cửi gỗ xoan đã nhẵn bóng vì bàn tay con người, chị Lò Thị Minh vẫn ánh mắt miệt mài và thoăn thoắt tay đưa thoi dệt. Theo người phụ nữ tuổi tứ tuần này, trung bình mỗi ngày, chị dệt được 1m vải thổ cẩm – tính theo chiều dài. Dù là khăn hay cạp váy, nếu tính trung bình 200 nghìn đồng mỗi mét, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, cũng có lợi nhuận khoảng 150 nghìn đồng trong ngày. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ địa phương lâu nay chỉ tranh thủ mỗi ngày vài tiếng, bởi thời gian còn lại vẫn phải lên nương sản xuất, chăn nuôi và làm công việc gia đình.

Tại thôn Lặn Ngoài, nhiều người đã gắn cả cuộc đời với hoạt động dệt thổ cẩm. Ở tuổi 65, tuy không còn khỏe như trước, nhưng bà Hà Thị Dân vẫn nhịp nhàng chân đạp, tay thoăn thoắt đưa co. “Tôi biết dệt từ năm 13 tuổi, là người sinh ra tại thôn, lấy chồng tại thôn và gắn bó với nghề. Trong thôn thì nhiều người dệt, nhưng dệt hoa văn thì có tôi và một số người cao tuổi được đánh giá là đẹp nhất. Gia đình hiện có 2 khung cửi, người con dâu Hà Thị Khoanh, sinh năm 1984 cũng nối nghiệp tôi theo nghề” – bà Dân tự hào.

Thống kê từ UBND xã Lũng Niêm, riêng thôn Lặn Ngoài hiện có 81 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 phụ nữ tham gia; trong đó, 86 người lấy đó là nghề chính quanh năm, còn lại là kết hợp. Thu nhập trung bình của các lao động dệt thổ cẩm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nhiều người vẫn tranh thủ làm việc khác. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận thổ cẩm thành sản phẩm OCOP. Trong năm 2021 này, huyện đang phấn đấu có 3 sản phẩm OCOP là vải thổ cẩm, trà quýt hoi và mật ong Pù Luông. Huyện cũng mới ban hành cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/1 sản phẩm nếu được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nếu trở thành sản phẩm OCOP, thổ cẩm Bá Thước sẽ có cơ hội phát triển thị trường rộng mở hơn, quy mô lớn hơn.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét