16 thg 5, 2021

Nhớ bún gỏi dà Mỹ Xuyên

Đến Mỹ Xuyên, đi xe ôm mà hỏi đặc sản ở đây là gì, các anh, các chú sẽ nhiệt tình kể cho các bạn nghe danh sách các món đặc sản nào là bánh cóng, bún nước lèo, bún xào... Và món không thể thiếu trong số ấy là món bún gỏi dà.

Bún gỏi dà là một trong những đặc sản của Sóc Trăng. Ảnh: ĐỨC VIÊN

Ở đây, nếu hỏi ăn bún gỏi dà ở đâu, các anh, các chú xe ôm sẽ hướng dẫn rất rõ ràng, hoặc chở thẳng ra chỗ có quán bún gỏi dà ngon để thưởng thức. Cũng theo lời giới thiệu mộc mạc: “Để tôi chở đi ăn chỗ này, bún ngon bá cháy” nên tôi cũng tò mò. Thử một lần để rồi bị mê.
Bún gỏi dà là một trong những đặc sản của Sóc Trăng. Đây là món ăn bình dị được bày bán từ vỉa hè đến quán ăn. Lang thang khắp thị trấn Mỹ Xuyên thì có 3 - 4 quán bún gỏi dà, nổi tiếng nhất là quán bún gỏi dà Ngọc Nữ, nằm ở ấp Chợ Cũ, huyện Mỹ Xuyên. Quán mở từ 6 giờ 30 đến 19 giờ. Người ta ăn cho bữa sáng hoặc thay thế cho bữa chính, có khi là thú ăn vặt giữa trưa của các cô chú, các anh chị ở địa phương, hay các tài xế, người bán vé số, công nhân cũng thường ghé quán ăn để bắt đầu hoặc kết thúc một ngày làm việc.

Cái tên bún gỏi dà có khá nhiều tranh cãi. Vì nó lạ lùng. Nếu nhắc bún riêu thì nhớ đến mùi vị đậm đà của miếng riêu cua, bún mắm thì nhớ đến mùi mắm cá, còn đằng này, ai nghe qua cái tên bún gỏi dà cũng sẽ nghĩ là bún khô, có gỏi và rau như bún thịt nướng. Nhưng không phải, đó là loại bún có nước dùng. Lần đầu tiên, nghe cái tên món ăn địa phương mà không liên quan đến món ăn! Vậy nguồn gốc cái tên bún gỏi dà từ đâu?

Mới đến quán, hỏi liền chủ quán bún gỏi dà Ngọc Nữ, cô Trịnh Thị Nữ cắt nghĩa theo sự tìm hiểu của mình: “Từ gỏi ở đây mượn trong từ gỏi cuốn, chứ không phải gỏi giấm. Tên đầy đủ là bún gỏi và rau, có lẽ thấy dài quá mà người ta gọi là bún gỏi dà. Chữ dà này cũng từ cách gọi địa phương mà ra, ai cũng biết là sai chính tả, nhưng nhanh gọn lẹ và ngon là được”.

Mặc dù chưa thỏa mãn với lời giải thích đó, nhưng bụng tôi đói, phải gọi liền một tô bún. Đây là món “biến tấu” từ gỏi cuốn nên nguyên liệu giống đến 90%, nhưng để tạo nên hương vị cho tô bún gỏi dà, tạo nên danh tiếng cho bún gỏi dà thì phải ở cách chế biến và nước dùng của bún.

Nước dùng của bún được ninh từ xương và tôm đất, thanh mát và đậm đà. Điểm nhấn quan trọng trong nồi là dùng nước cốt me để cân bằng độ ngọt. Nếu không có me, nước dùng từ xương và tôm đất sẽ rất ngọt mà không để lại hậu vị. Và cũng được xem là nguyên liệu để phân biệt cách nấu nước dùng này với cách nấu nước dùng của các món ăn khác. Sau khi bỏ nước cốt me vào, sẽ cho nước dùng có vị không quá mạnh, ngọt và béo vừa phải.

Miếng thịt được cắt nhỏ vừa miệng, cũng được luộc từ nước luộc tôm nên thịt ngọt, không bị khô. Ngoài thịt, tôm, tô bún còn được “nêm” thêm rau xà lách, giá, rau răm. Sau khi chan nước dùng lên thì bỏ thêm tương hột xay nhuyễn với đậu phộng rang cùng với tỏi phi.

Theo như chủ quán, ngoài kỹ thuật nấu nước dùng, đầu bếp còn hơn nhau cách chế biến tương hột với đậu phộng và tỏi phi. Vì tương rất nặng mùi vị, phải pha trộn “theo công thức của người xưa” với một lượng nước vừa đủ, không hơn không kém. Sau khi chế biến, mùi tương sẽ nhẹ nhàng, lưu hương thoang thoảng trên bún, trên rau và trên đũa. Cùng với đậu phộng và tỏi phi tạo thành một mùi cá biệt, không lẫn vào đâu được.

Tôi mê tô bún gỏi dà Ngọc Nữ không chỉ vì bún ngon mà còn bởi không gian của quán. Với ai lần đầu đến, sẽ trải nghiệm cảm giác phấn khởi, tự hào bởi tình yêu nước nồng nàn qua các bài thơ, được chính chủ quán sáng tác. Được biết, ngoài công việc đầu bếp gần 30 năm, chủ quán còn có bộ sưu tập “đồ sộ” hơn 700 bài thơ.

Còn gì bằng, giữa không gian đậm chất trữ tình ấy, ăn tô bún gỏi dà nóng hổi, mà ăn tới đâu, từng hương vị thấm tới đó. Cảm nhận vị thơm ngọt lòng của nồi nước dùng, cắn một miếng thịt tôm dai dai; hưởng trọn vị béo, ngậy và dậy mùi của tương hột với đậu phộng rang thơm phức, hay đã tai với tiếng giòn sừng sực của giá, xà lách và cái dẻo dai của sợi bún gạo thơm tho. Tất cả tạo nên một vị mê hoặc thực khách.

Hơn nữa, tô bún gỏi dà quán Ngọc Nữ được đầu bếp làm khéo lắm. Nó chỉ vừa phải, nếu ăn thêm thì sợ no, nếu không ăn thì có cảm giác vấn vương, níu kéo... Khi ra về, ngồi trên chiếc xe mà cứ nhớ hoài.

ĐỨC VIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét