14 thg 5, 2021

Kiến trúc lạ của nhà thờ Du Sinh

Khác với hình ảnh bề thế thường thấy theo lối kiến trúc phương Tây của các nhà thờ Công giáo, nhà thờ Du Sinh ở Đà Lạt lại có cổng tam quan, tượng rồng, lầu chuông, đầu đao uốn cong... khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là một ngôi chùa Việt. Thậm chí có vị linh mục quản xứ còn gọi nó là “nhà thờ chùa”. Cái sự lạ ấy không chỉ thu hút sự chú ý của du khách mà nó còn phản ánh nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Việt.

Nhà thờ Du Sinh được xây dựng từ năm 1956 và khánh thành vào dịp lễ Giáng sinh năm 1957, riêng tháp chuông thì được hoàn thành năm 1962. Nhìn tổng thể, kiến trúc bên ngoài của nhà thờ Du Sinh quả là giống với một ngôi chùa Việt. Nhà thờ nằm trên một quả đồi cao bên đường Huyền Trân Công Chúa, thành phố Đà Lạt. Cổng nhà thờ xây theo lối tam quan, kết cấu khá đơn giản. Từ cổng lên đến thánh đường là một đoạn đường dốc được chia thành 5 cấp. Khoảng giữa có một bậc cấp dài, đặc biệt hai bên có đôi rồng chầu khổng lồ đắp nổi bằng xi măng chạy suốt từ lầu chuông xuống gần đến cổng.

Ngay trước thánh đường có một lầu chuông lợp ngói mũi hài với đầu đao cong, hai bên là hai lầu tượng thánh có cùng kiểu xây tương tự. Ba kết cấu này kết hợp với nhau tạo thành một thế tam quan lớn thứ hai sau cổng tam quan chính nằm ở lối vào.

Nhà thờ Du Sinh được xây dựng từ năm 1956 có lối kiến trúc mang đậm nét truyền thống Việt Nam với những hoa văn trang trí, lầu, mái, tháp chuông... giống như đình, chùa của người Việt. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Tháp chuông có bốn cột chính mang hình dáng cây trúc vàng gợi nhớ hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Vẻ đẹp độc đáo và khác lạ của tháp chuông nhà thờ Du Sinh. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Hai con rồng lớn cùng với tháp chuông xây theo lối tam quan thuần Việt là một nét kiến trúc độc đáo và khác lạ thường thấy ở một nhà thờ Công giáo. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Giáo dân Du Sinh trang nghiêm dự đêm thánh lễ nghe cha xứ giảng đạo. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Ngôi thánh đường nằm giữa một vùng không gian xanh mát của bóng cây hoa lá. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Tòa thánh đường là một ngôi nhà lớn hai tầng, tường gạch, mái xuôi lợp ngói đỏ theo kiểu nhà truyền thống. Phía bên ngoài có hai dãy hành lang dài chạy suốt ở hai bên. Điều thú vị là tất cả các hàng cột lớn ngoài hành lang và cả trong thánh đường đều được đắp nổi hình cây tre, trúc gợi cảm giác rất thân thuộc và gần gũi với văn hóa làng quê của người Việt. Các hành lang xung quanh được trang trí bằng những ô tròn hình chữ “Thọ”, một lối trang trí rất đặc trưng ở các đình, chùa Việt Nam.

Đặc biệt, việc sử dụng hình tượng rồng trong trang trí của nhà thờ Du Sinh được cho là một nét phá cách độc đáo và khác lạ đối với kiến trúc thông thường của một nhà thờ Công giáo. Bởi rồng thường chỉ được sử dụng trong việc trang trí các công trình như cung điện, lăng tẩm, đình, chùa... chứ hiếm khi thấy xuất hiện trong các công trình kiến trúc của phương Tây, nhất là nhà thờ. Không những thế, rồng khi được sử dụng trong công trình này còn có những biến tấu khá bất ngờ. Nếu như trong kiến trúc cung điện, đình, chùa Việt thường có mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” nhằm biểu thị sự cung kính và thần phục thánh thần, thì ở cổng tam quan nhà thờ Du Sinh mô típ ấy được biến tấu thành “lưỡng long chầu Thánh Giuse bế Chúa hài đồng”.

Lý giải cho sự kết hợp lạ này nhiều người cho rằng nó xuất phát từ ý tưởng và mong muốn của vị “tổng công trình sư”, người được cho là “linh hồn” của công trình kiến trúc nhà thờ Du Sinh, đó là Đức cha Bửu Dưỡng. Ông vốn thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng, vốn từng là người rất sùng đạo Phật. Trước khi theo đạo Thiên Chúa, ông từng có thời kì tu học ở chùa Phật giáo, thông thạo Hán Nôm, am tường văn hóa và triết học phương Đông. Có lẽ do sự ảnh hưởng sâu nặng từ truyền thống văn hóa, giáo dục và gia đình như vậy nên sau này ông đã xây dựng nên một nhà thờ Du Sinh độc đáo và khác lạ đến như vậy.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét