19 thg 1, 2013

Đến với Bảo tàng Quang Trung


Tọa lạc ở huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 60km, giáp với huyện An Khê (Gia Lai), Bảo tàng Quang Trung chứa đựng bao điều bí ẩn của lịch sử. Tưởng như điều bí mật ấy sẽ ngủ yên sau hàng trăm năm nay, nhưng nó đã được đánh thức trong Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, được tổ chức vào những ngày tháng 8. 



Toàn cảnh bảo tàng


Đền thờ tam kiệt

Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, lẫy lừng nhất vẫn là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhà Tây Sơn có gốc họ Hồ ở Nghệ An, sau đó di cư đến Bình Định.


Với tài năng chỉ huy nghĩa quân bừng bừng khí thế tiến ra Bắc đánh bại 20 vạn quân Thanh chỉ trong mười ngày, Quang Trung vẫn khiến người đời sau luôn thán phục. Trong thuật dùng người, Quang Trung đã chọn dưới trướng mình những dũng tướng như vợ chồng Võ Văn Dũng - Bùi Thị Xuân, đô đốc Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh… và các quan văn tài giỏi như Ngô Thì Nhiệm, Ngô Văn Sở… Khi Nguyễn Ánh giết hết nhà Tây Sơn thì cũng mất đi những nhân chứng lịch sử, vì vậy nhiều câu hỏi được đặt ra mà không có câu trả lời.

Giếng nước không bao giờ cạn, được phong di tích

Sau khi vượt qua cầu Cảnh, du khách sẽ đến đền thờ nhà Tây Sơn được xây dựng trên chính ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh hùng áo vải. Ở đó vẫn còn cây me già mà ngày nào ba anh em vẫn leo trèo nghịch ngợm. Có điều lạ là ở Bình Định, cây me được trồng nhiều nhất ở Tây Sơn. Phía trước nhà vẫn còn giếng nước sâu làm nguồn nước cho cả gia đình nhà Tây Sơn. Giờ đây, du khách có thể nằm nghỉ mát dưới cây me hoặc có thể múc nước giếng mát uống để tăng thêm nhuệ khí hào hùng như những người anh hùng thuở trước.

Chúng tôi tình cờ gặp bà Lê Thị Tốt, 61 tuổi, làm nghề nông, quê ở tận huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) một thân một mình đến đây múc cho được nước giếng uống để mong tăng thêm tuổi thọ. Bà hóm hỉnh làm thơ: “Rủ nhau uống nước giếng đào/Uống vào mát mẻ, như là thuốc tiên/Nước này uống không mất tiền/Nước này là bởi ở miền Tây Sơn”. Bà còn cố gắng mang thật nhiều nước về làm quà cho người thân. Gần đó, nhiều học sinh cấp ba ở tận huyện Hoài Nhơn đang nối dài sợi dây múc nước để uống và thoa nước lên mặt cho đẹp da. Cách đây vài ngày, 20 thí sinh lọt vào đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu miền đất Võ cũng có buổi dã ngoại tại bảo tàng để cầu chúc may mắn.

Cây me của gia đình Tây Sơn tam kiệt

Hiện đang là mùa khô ở Nam Trung bộ nên nước giếng cạn dần. Bà Bảy Mai ở gần bảo tàng khẳng định: “Trong mùa khô, dù nắng nóng đến đâu, dù sông Côn không có nước, nhưng nước trong giếng vẫn không bao giờ cạn”.

Trong đền thờ, sau buổi dâng hương ngày 1/8, khói hương nghi ngút, một người bảo vệ nói rằng vì lý do tín ngưỡng nên các phóng viên cũng không được chụp ảnh, quay phim. Ngay gian chính diện là thờ ba anh em tam kiệt, phía bên gian trái thờ Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở.

Hào khí Tây Sơn

Bút tích Thái Đức - Nguyễn Nhạc

Nằm bên cạnh đền thờ là khu vực bảo tàng. Đây chính là nơi du khách được giới thiệu một cách sâu sắc nhất về nhà Tây Sơn. Trên tường có bức ảnh Phạm Công Trị giả vua Quang Trung đi sứ sang nhà Thanh vào năm 1790. Dũng tướng ngồi trên ngựa hí, phong cách uy nghi hệt như vua Quang Trung.


Du khách còn được ngắm sắc phục của các quan văn, võ được lưu giữ hàng trăm năm qua. Việc đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn dưới tài lãnh đạo của Quang Trung để chống lại Nguyễn Ánh cũng được thể hiện trên sơ đồ. Tương truyền rằng trận đánh này nhằm vào dịp Tết Nguyên đán, để quân sĩ không nao lòng, Quang Trung cùng các dũng tướng đã tổ chức chợ Gò (đóng trên một gò cao) để quân sĩ vui thú và khỏi nhớ nhà, toàn tâm toàn lực cho trận đánh lớn sau đó. Ngày nay, hàng năm lễ hội chợ Gò vẫn được tổ chức đúng vào dịp Tết Âm lịch.

Đến bảo tàng, du khách còn được thấy 18 loại binh khí thô sơ của nghĩa quân Tây Sơn giúp họ đi từ chiến thắng 20 vạn quân Thanh đến trận đánh thành Quy Nhơn và trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Trên hai bờ tường còn có khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các dũng tướng và các quan văn dưới triều Tây Sơn.

Theo HÀ TIÊN
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét