22 thg 1, 2013

Cuốn thư đồng cổ lớn nhất Việt Nam

Tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) hiện còn lưu giữ một cuốn thư đồng cổ lớn nhất Việt Nam - cuốn “Cầu không từ ký” được làm bằng đồng đỏ. 

Về Bắc Lý nghe chuyện sách đồng cổ

Vào giữa thế kỷ XV, ở phía Nam, giặc Chiêm Thành quấy nhiễu, triều đình Nhà Lê đem quân tiến đánh. Sau thời binh biến, một cuốn sách đồng cổ ra đời. Trải quan thăng trầm biến cố của lịch sử, cuốn sách đồng cổ lưu lạc nơi đâu? Từ trăn trở này, chúng tôi tìm về xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, địa phương được coi là nơi đang lưu giữ cuốn sách quý này. 

Ông Thùy say sưa kể về cuốn thư đồng: "Cầu không từ ký" 

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về thôn Văn An, xã Bắc Lý, hỏi thăm đến nhà ông Nguyễn Văn Thùy, người đã có hơn 30 năm tìm hiểu và ra sức bảo tồn cuốn sách đồng có tên “Cầu không từ ký”.

Ông Thùy năm nay đã ngoài 70 tuổi, mái tóc đã ngả bạc nhưng dáng người vẫn quắc thước, ánh mắt vẫn tinh tường. Kể về cuốn thư đồng cổ, ông không giấu niềm xúc động và tự hào. 

Ông bồi hồi lần tìm giữa một tập giấy tờ được cất cẩn thận trong tủ, lấy ra một cuốn sổ tay cũ và bắt đầu câu chuyện về cuốn "Cầu không từ ký" mà ông coi là báu vật của quê mình. 


Bia đá ghi lại lịch sử Cầu Không 

Câu chuyện của ông nhuốm màu ly kỳ và có chút thần thánh hóa về lịch sử cuốn sách đồng cổ: Vào thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn quân đánh giặc Chiêm Thành. Khi đến cửa sông Long Xuyên, thuộc địa phận huyện Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thì trời tối. Đêm đấy khi nghỉ tại vùng đất này, vua nằm mộng thấy một vị thần một chân đứng ở tả ngạn, một chân đứng ở hữu ngạn sông báo mộng sẽ cấp cho vua một lệnh tiền để đánh thắng giặc. Tỉnh dậy vua triệu tập quần thần trên sông. Sau đó vua sai thượng thư Nguyễn Như Đổ ngược sông xem thực hư thế nào. Khi đi đến cửa sông Long Xuyên thấy có cầu, có chợ và trên cầu có cắm cây cờ giấy vàng. Vua đến làm lễ và lấy cờ cắm trên mũi thuyền rồng. Sau đó vua đã đánh thắng giặc Chiêm Thành. 

Sau khi đánh thắng giặc trở về, nhà vua quyết định lấy gỗ trùng tu lại cầu Không để trả ơn vị thần báo mộng. Cầu dài 21 gian, làm bằng gỗ lim, trên có lợp ngói, ở giữa có gian lồi. 10 năm sau, triều đình nhà Lê quyết định xây dựng một ngôi đền nữa ở đây. Nhà vua còn cho đúc một cuốn sách bằng đồng để ghi lại chiến tích bình Chiêm. Cuốn sách là sắc phong được làm vào năm 1471, thời Hồng Đức năm thứ 3. 


Bốn trang của cuốn Cầu không từ ký 

Tuy nhiên những năm 1950, do chiến tranh tàn phá, cây cầu đã bị hư hỏng, chấm dứt sự tồn tại hơn 500 năm. Cuốn "cầu Không từ ký" cũng lưu lạc trong dân từ đó rồi được đưa về Viện Hán Nôm lưu giữ. Sau này ngành chức năng tỉnh Hà Nam đã xin đưa về và gửi vào trường cấp 2 Bắc Lý để giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Sau người dân xin được đưa về địa phương lưu giữ cho đời sau.

Cuốn thư đồng độc nhất vô nhị 

Cuốn sách được làm bằng đồng đỏ, trải qua thời gian đã ngả màu xám. Trên trang bìa có ghi: "Khâm ban đồng bài" hay gọi là "Cầu Không từ ký". Sách gồm có hai tấm đồng tạo nên bốn trang sách khổ lớn 45cm, khổ nhỏ 18,5cm, với tổng trọng lượng 6,5kg. Sách có tổng cộng 527 chữ được khắc chìm, trong đó có 525 chữ Hán và 2 chữ Nôm được thể hiện trong 19 dòng, có dòng chỉ có 1 chữ, có dòng 3 chữ, dòng nhiều nhất 37 chữ, hai trang sách được gắn với nhau bằng bốn khuyên tròn. 


Hai trang bìa cuốn sách 

Trang 1 bài trí hình hỉ, hả và hoa văn ở bốn góc, giữa có bốn chữ: “Khâm ban đồng bài”, trang 2 và trang 3 khắc chính văn bài “Cầu không từ ký”, trang 4 bài trí như trang 1 và khắc dòng chữ niên đại “Hồng Đức Tam Nguyên, Tam Nguyệt Sơ Lục Nhật”. 

Theo ông Thùy cho biết, sách đồng ở nước ta thì có nhiều, nhưng nó chủ yếu xuất hiện vào đời nhà Nguyễn. Còn cuốn sách ở Hà Nam là cuốn sách xuất hiện vào thế kỷ XV và là cuốn sách đồng cổ nhất được phát hiện ở nước ta cho đến thời điểm này.


Đây có lẽ là cuốn sách đồng lâu đời nhất và còn là cuốn sách nặng nhất, tuy nó chỉ có 4 trang. Cũng theo ông Thuỳ thì chữ được khắc trên sách rất tinh xảo, mặc dù sách chỉ có 4 trang cả bìa nhưng các nghệ nhân đã thể hiện nghệ thuật khắc chữ trên đồng điêu luyện. Điều đó cho thấy tài năng của người khắc chữ và sự phát triển rực rỡ của văn hoá khắc tạc thời bấy giờ. 


Hai trang ruột của cuốn sách 

Về sau, theo di khảo của nhà vua, cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm, dân làng nơi đây tổ chức tế lễ, mở hội trong 5 ngày. Tuy nhiên do biến động của lịch sử và những điều kiện về kinh tế nên ngày nay lễ hội chỉ tổ chức trong một ngày.

“Nguyện vọng của người dân chúng tôi bây giờ là làm sao đưa Đền lên vị trí cũ để thờ Thần Hoàng làng, trong đó có bia đá của cầu Không. Hiện tại sách đang được lưu giữ tạm ở hậu cung trên đất chùa Vân An Tự. Chúng tôi chỉ mong muốn xây dựng 3 gian nhà để thờ ngài ở vị trí cũ thôi”, ông Thùy tâm sự.

Duy Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét