10 thg 1, 2013

Cam quýt Lai Vung mùa tết


Quýt hồng treo bán bên đường ở Lai Vung. Ảnh: Chi Lan

Một ngày giữa tháng Chạp trước tết Nhâm Thìn, cùng mấy người bạn chúng tôi đã tìm đến xứ sở của loại quýt hồng nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Xuất phát từ Cần Thơ, chúng tôi đến thị trấn Ô Môn rồi rẽ vào bến đò Thới An, qua phà sang bên kia sông Hậu, chạy thêm khoảng 12 cây số trên quốc lộ 54 là đến cầu Lai Vung thuộc huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp.

Vừa đến gần cầu Lai Vung, khách đã có thể nhận biết mình đang bước vào xứ quýt bởi dọc hai bên đường, những chùm quýt chín đỏ đẹp mắt được treo lủng lẳng ở các quán ven đường. Cả bọn háo hức quẹo xe xuống con đường nhỏ dưới chân cầu Lai Vung chạy dọc mé sông. Chỉ độ vài trăm thước đã thấy quýt hồng chất đống trong sân mấy ngôi nhà lớn. Nhà nào cũng bày la liệt loại thùng mốp cỡ 50 ký.


Bước vào một ngôi nhà có mấy người đang lựa quýt bỏ vào từng thùng mốp chuẩn bị chở đi, tôi hỏi: “Quýt nhà hay mua từ vườn khác vậy em?”. Một cô gái trẻ đang liền tay bốc quýt đáp: “Quýt vườn nhà đó cô ơi”. Hỏi tiếp: “Được mấy công?”. Cô gái cười nói: “Tám công. Vậy là ít đó. Ở đây có vườn lớn trên hai chục công, ba chục công lận”.

Nhà vườn lựa quýt đóng hàng mùa tết Nhâm Thìn. Ảnh: Chi Lan 

Hỏi thêm mới biết chỗ này là ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung. Dân trong vùng quen gọi là Tắc Cây Me. Bà chủ vườn là mẹ cô gái tên Cao Thị Hằng đang ngồi kia. Kế bên là cậu trai tên Hiếu và cô con dâu tên Trinh. Nghe nói quýt năm nay trúng mùa nhưng giá bán lại sụt dù giá cả mọi thứ đều lên vùn vụt. Năm ngoái, mỗi ký được 17.000 đồng, nay chỉ bán được 14.000 đồng một ký, chắc không lời được nhiều, dù vườn có thể thu hoạch gần trăm tấn mùa tết này. Đợt thu hoạch có thể kéo dài từ tháng Tám đến tháng Chạp.

 “Vậy mọi năm, trừ chi phí 8 công quýt nhà mình lời được bao nhiêu? Thu vô trên tỉ lận mà”. Trả lời anh bạn tôi bằng một nụ cười có vẻ bí ẩn, cô Trinh nói: “Vậy chứ lời cỡ vài trăm triệu thôi. Tiền phân, tiền thuốc gần 500 triệu, tiền nhân công cũng nặng lắm. Đó là năm rồi. Chứ năm nay không biết đâu. Lúc này còn rớt giá quá”.

Tôi nhẩm tính trong đầu, thấy nhà vườn này có vẻ nói đùa. Nhưng mấy người bạn tôi cứ lúi húi ghi vào sổ nào là công bẻ quýt, công vô thùng 120.000 đồng một ngày lúc thường, vụ tết giá gấp đôi. Mỗi ngày lúc đông ken phải tới 20 người bẻ quýt, mười người vô thùng…

Nhìn phía trước nhà có chiếc xe tải nhỏ cỡ hai tấn. Đó là xe nhà dùng để chở quýt từ đây xuống cầu Cái Sơn cách đây chỉ hai cây số. Tại đó sẽ có xe hàng lớn chở đi chợ đầu mối ở Tam Bình (Thủ Đức) và các nơi khác.

Cậu Hiếu cho biết: “Vườn quýt này gầy đâu cũng mười mấy năm rồi. Quýt trồng bằng cách chiết cành, khoảng 45 - 50 ngày thì cắt đem trồng. Hai đến ba năm sẽ có trái chiếng. Có cây sống đến mười mấy, hai chục năm, có cây chỉ vài ba năm là rụi. Tùy theo người chăm sóc”. Chúng tôi xin chụp vài tấm hình rồi tiếp tục đi theo lời cô chủ trẻ: “Tới chút nữa có cam xoàn cũng đang vô thùng xuất đi đó. Mấy anh chị lại đó đi”. 



Cam xoàn. 

Từng nghe cam xoàn là loại cam quý, một đặc sản của vùng này nên cả bọn mừng rơn. Đúng là chỉ chạy lên vài trăm thước đã thấy một đống cam xoàn, trái nào trái nấy vàng óng, bóng lưỡng. Ngồi giữa đống cam là chị Lê Thị Mỹ, một phụ nữ trung niên, đang lựa từng trái chất vào thùng giống như thùng quýt đằng kia. Chị cho biết, cam do nhà vườn chở lại còn vườn cam ở đâu chị cũng không biết, chỉ biết chủ vườn tên Nghĩa. Mùa cam xoàn cũng bắt đầu từ tháng Tám, giờ đã cuối mùa rồi nhưng vợ chồng chị cũng chở mỗi ngày vài tấn xuống cầu Cái sơn để cùng với quýt hồng, quýt đường về Sài Gòn.

Đúng là cam xoàn ở đây ngọt lịm như đường. Van nài mãi chị Mỹ mới chia lại cho mỗi người vài kí với giá mua tại vườn là 24.000/kg. Theo chị thì đến vựa giá sẽ là 31.000/kg, còn từ vựa bán ra bao nhiêu thì chị không biết. Đúng là tiền nào của nấy! Cam xoàn cũng được trồng nhiều nơi nhưng không đâu trái cam ngọt và mỏng vỏ như ở đất vườn xã Tân Thành này. Tuy nhiên, so với quýt hồng đang chiếm lĩnh thị trường, cam xoàn có lẽ cho năng suất không cao nên diện tích gieo trồng còn khiêm tốn, giống như loại quýt đường ở đây, tuy rất ngọt mà cũng chỉ được trồng phụ theo chứ không là mùa vụ chính, là lợi nhuận chính của cư dân huyện Lai Vung cập bờ sông này.

Chúng tôi phải đi sâu vào ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước phía trong để tìm vào một vườn quýt hồng khá lớn của ông Sáu Ven, theo lời chỉ của dân chúng. Bởi trong toàn huyện, ba xã chủ lực của quýt hồng mùa tết chính là Tân Thành, Tân Phước và Long Hậu. Bước vào con đường nhỏ, khi chúng tôi hỏi thăm, ông chủ nhà ở ngay đầu đường đã biểu thằng con cỡ 10 tuổi dẫn chúng tôi vào vườn Sáu Ven nằm sâu bên trong.

Ôi, đúng là vườn ra vườn. Cả một khoảnh đất rộng 8 công đỏ ối những chùm quýt lúc lĩu trên cành, nặng oằn như muốn gẫy cụp nếu không có mấy cây nạng chống đỡ. Toàn quýt là quýt. Mới chụp cành quýt góc này lại suýt xoa với vẻ mê hồn của chỗ khác. Máy ảnh bấm liên tục vẫn không ghi hết vẻ hấp dẫn của vườn trái cây đặc sản.

Anh Sáu Ven, nhìn xấp xỉ 50 tuổi, chủ của hai miếng vườn tổng cộng 18 công quýt tiếp chúng tôi rất vui vẻ. Bữa cơm canh chua, cá kho ơ bốc khói thơm lừng cùng mấy đệ tử được anh gác lại. Anh kể về vườn quýt bắt đầu với hai công của mình từ năm 1986 đến 18 công hiện tại. Kể về những khó khăn ban đầu vào những mùa lũ cho đến khi có đê bao gần chục năm nay. Giờ chỉ cần hai máy bơm nước và khoảng 200.000 đồng đóng góp của các nhà vườn trong vùng để bơm nước mùa khô vào tháng 9 là năm, sáu trăm công vườn đã có thể đủ nước cho cây quýt hồng xứ này đứng vững. Theo anh Sáu thì trừ chi phí, mỗi công quýt lời xấp xỉ 50 triệu đồng. 


Vườn quýt ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh: Chi Lan 

Chỉ ra mảnh vườn quýt hồng đang trĩu nặng, anh Sáu Ven nói: “Tám công quýt này sát Tết tui mới bán. Thuê mướn nhân công làm suốt, bẻ trong 4 ngày là xong. Còn miếng vườn mười công phía trong hiện nay quýt còn xanh, qua tết mới bán”.

Anh Sáu khoe tiếp: “Bên kia có điện nên tui đã làm xong khâu tưới tự động rồi. Tính ra chi phí cho mỗi công tới 8 triệu lận, nhưng khỏe lắm. Bên này chờ kéo điện rồi mới tính tiếp”.

Nhìn anh Sáu Ven rồi nghe anh kể về cung cách làm ăn, về cách vận dụng khoa học kỹ thuật vào việc làm vườn mới thấy người nông dân xứ này giỏi giang, từng trải như thế nào trong việc làm phát triển sinh sôi vốn liếng của mình. Nhờ vậy mà anh đã nuôi 6 đứa con nên người. Chỉ tiếc ngoài cậu con trai đang làm việc ở Uỷ ban huyện, các con anh đều sinh sống ở TPHCM, không ai về làm vườn.

Từ biệt anh Sáu Ven, trên đường ra tôi vẫn không nguôi thắc mắc. Không biết đất đai, thổ nhưỡng xứ này thế nào mà những cây quýt hồng, cây cam xoàn, cây quýt đường đã thoát khỏi dịch bệnh “Vàng lá” từng hoành hành trên các loài cây có múi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm tan tác nhiều vườn cây trái để đến giờ cây quýt Tiều, quýt hồng chỉ còn là “một thời vang bóng”?

Nguyễn Ngọc Tuyết 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét