Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng

31 thg 10, 2015

Đậm đà mắm biển Phan Thiết

Nước mắm Phan Thiết được làm chủ yếu từ cá cơm, với nhiều loại như cá cơm than, cá cơm sọc tiêu, sọc phấn… mà ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu. Theo những người làm nước mắm lâu năm ở Phan Thiết, chất lượng nước mắm còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, tốt nhất là vào tháng Tám ta, lúc cá béo, ít mỡ, cơ thịt mềm mại, mới cho nước mắm ngon nhất và đạt độ đạm cao nhất.


Từ tháng Tư đến tháng Tám Âm lịch, khi có gió nồm từ vùng biển phía Nam cũng là lúc cá cơm xuất hiện. Cá cơm đánh bắt được phải qua khâu tuyển lựa kỹ, loại bỏ những con không được tươi hoặc quá nhỏ vì đây là yếu tố quyết định chất lượng nước mắm.

20 thg 10, 2015

Mắm cá mương sông Côn

Hồi trước, tôi hay lên Vĩnh Thạnh để thăm người yêu. Vĩnh Thạnh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng bảy mươi cây số. 


Bây giờ mọi thứ xe cộ, đường sá đều thuận lợi nên đi lại dễ dàng chứ thời đó cực lắm. Nhà tập thể của cô ấy lại cách bến xe chừng hơn mười cây số. Bởi vậy, tôi luôn kèm theo chiếc xe đạp để khỏi phải cuốc bộ. Chiếc xe nằm chung trên mui với cá khô, mắm muối... ròng rã cả ngày rất nặng mùi nên tôi thường phải rẽ vô một bến sông ven đường để tắm cho xe và tắm cả... cho người.

Về Đà Nẵng ăn gỏi cá Nam Ô

Nam Ô là một làng chài nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nơi từng nổi tiếng với nghề làm nước mắm đã có truyền thống lâu đời và còn được biết đến với món gỏi cá đã thành thương hiệu ẩm thực dân gian.


Gỏi cá Nam Ô đã trở thành một trải nghiệm ẩm thực không thể bỏ qua đối với du khách phương xa khi đến với thành phố biển Đà Nẵng. Do được chế biến từ cá sống mới đánh bắt, còn tươi rói nên phải ăn đặc sản này ngay tại Nam Ô mới đúng điệu.

13 thg 10, 2015

Măng chua núi Cấm

Sống trên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), bà con sơn dân đã tận dụng đất rừng trồng tre mạnh tông xen kẽ cây ăn trái, từ đó mà có loại măng tre nổi tiếng của vùng núi. Đặc biệt, măng tre muối chua được chế biến thành nhiều món ngon.

Vào tháng 4 Âm lịch hằng năm, khi có vài đám mưa lớn thì bà con bắt đầu thu hoạch măng, có gia đình thu hoạch được 700 – 1.000kg một đợt, thậm chí lúc rộ măng còn thu hoạch tới cỡ 2.000kg một đợt.

Do vậy mà giá măng tươi núi Cấm giảm dần theo vụ mùa. Đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 – tháng 6) thường có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg; lúc măng rộ (cuối tháng 7) rớt xuống chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg.

Thu hoạch măng tre mạnh tông

7 thg 10, 2015

Khám phá những thác nước tuyệt đẹp ở Hòa Bình

Tiết trời mùa Thu mà vẫn nóng oi ả, chúng tôi quyết định rời Hà Nội ngược lên Tây Bắc khám phá núi rừng, suối thác. Hòa Bình là tỉnh cửa ngõ phía Tây Bắc giáp Hà Nội có nhiều thắng cảnh đẹp. Đến với Hòa Bình, ngoài việc lang thang quanh các bản nhỏ ở Mai Châu, đi thuyền ngược sông Đà… thì giờ đây du khách không thể bỏ qua những ngọn thác đẹp hoang sơ, hùng vĩ ở mảnh đất này.

14 thg 9, 2015

Mắm tép cù lao Minh

Ở các sông rạch nước ngọt thuộc vùng cù lao Minh của tỉnh Bến Tre có rất nhiều tép bạc đất, kích thước cỡ hơn đầu đũa một chút, màu trắng, thịt trong, ngon, là nguyên liệu để làm mắm tép thích hợp nhất so với các loại tôm tép khác.


Người ta thu hoạch tép bằng cách chài lưới, đóng đáy trên sông rạch, đặt nò, lú trên ruộng… Tép bạc còn tươi rói, nhảy tanh tách, được chọn lấy những con tương đối bằng nhau, cắt đầu đuôi, rửa sạch để ráo.

30 thg 8, 2015

Về xứ Lạng ăn phở "lạ"

Nếu cảnh non xanh nước biếc hữu tình của vùng biên trấn Lạng Sơn chưa đủ để du khách thỏa lòng, mãn nhãn thì hãy thử khám phá đặc sản địa phương nơi đây, nhất là với những món ăn quen mà lạ mang tên “phở” mà ai đến đây cũng muốn thử một lần cho biết.

Tất nhiên đó không phải là món phở bò, phở gà quen thuộc mà là hai loại phở mang hương vị đặc trưng của xứ Lạng: phở chua và phở vịt quay.

Dân “phượt” thường rỉ tai nhau rằng, nhiều vùng biên giới phía Bắc có phở chua nhưng ngon nhất là phở chua Thất Khê (Lạng Sơn), món ăn “gây thương nhớ cho người dân xứ Lạng” mỗi khi đi xa.

Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, bạn đừng quên thưởng thức món ăn này, và tốt nhất là được “thổ địa” chỉ điểm hàng quán nào đáng tin cậy nhất.

Phở chua được chế biến khá cầu kỳ, nguyên liệu chuẩn bị gồm hai phần khô và nước. Nước phở còn gọi là “nước đủ” hay “nước xốt”, là thứ quyết định chất lượng của món phở chua.

Món phở chua gây thương nhớ cho người dân xứ Lạng mỗi khi đi xa

17 thg 8, 2015

Gỏi măng cụt - đặc sản miệt vườn Lái Thiêu

Măng cụt Lái Thiêu là đặc sản nổi tiếng có từ lâu đời với vị thơm ngọt, ăn ngon hết chỗ chê. Ngoài ra, loại quả này còn được người dân nơi đây chế biến thành món gỏi độc đáo, và thường vào dịp Tết Đoan Ngọ khi măng cụt trong vườn bắt đầu mùa trái chín.

Để làm được món gỏi măng cụt đòi hỏi khâu chuẩn bị phải rất kỳ công. Người ta hái trái măng vừa già trên cây xuống rồi xẻ ra thật cẩn thận, tách lấy phần ruột cho vào ngâm trong nước có vắt nhiều tắc hoặc chanh, sau đó xả nhiều lần bằng nước lạnh để thịt măng được trắng, vị giòn và ăn không bị chát.

Chọn những trái măng cụt vừa già, khi vườn cây vừa bắt đầu mùa trái chín

5 thg 8, 2015

Tìm về quê hương bánh sừng bò

Tại Việt Nam, bánh croissant còn gọi là bánh sừng bò, là một trong những loại bánh nổi tiếng nhất ở Pháp và cả châu Âu, thường được dùng trong bữa điểm tâm nhẹ nhàng cùng với một tách cà phê hoặc tách trà.


Bánh croissant được làm từ bột mì, men, bơ, sữa và muối; đúng kiểu phải thật xốp, giòn, ruột bánh rỗng và thoáng, khi ăn có thể xé ra thành từng lớp mỏng nhỏ. Loại bánh khá đơn giản này chỉ chinh phục được thực khách sành ăn khi chất lượng men thật tuyệt hảo.

4 thg 8, 2015

Cù Lao Dài - dải đất phù sa

Dọc theo con sông chảy giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh này là rất nhiều làng mạc trù phú, xinh đẹp đậm chất miền Tây Nam bộ. Trong đó, cù lao Dài (thuộc huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), dải đất dài hai chục cây số như một viên ngọc xanh nằm giữa dòng sông nặng phù sa đã thu hút những đoàn khách theo tour chuyên nghiệp đầu tiên.

Sầu riêng vào mùa

Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi đò ở bến Vũng Liêm hoặc qua phà Quới An – Quới Thiện, bến phà nhỏ trông hiền lành, người đi phà cũng dễ thương, không có sự gấp gáp, chen lấn, hối hả như ở các bến phà khác.

6 thg 7, 2015

Ngọt ngon bánh chuối

Ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, gần như nhà nào cũng trồng vài ba bụi chuối xiêm, trổ buồng gần như quanh năm. Chuối chín ăn không hết thì ép phơi khô, uống trà. Chuối xiêm còn dùng để làm nhân gói bánh lá dừa, hoặc làm bánh chuối nướng nếp, bánh chuối hấp, bánh chuối chiên…


Để làm món bánh chuối nướng nếp, dùng chuối xiêm chín bói vài bữa vàng ươm. Lột vỏ, để chuối nguyên trái. Ướp thêm ít đường, muối cho vị ngọt đậm đà hơn.

Nếp ngon nấu thành cơm, để nguội dùng tay bọc cơm nếp bên ngoài trái chuối đã ướp rồi gói lại bằng lá chuối xanh trước khi đặt chuối lên vỉ nướng trên bếp than hồng.

25 thg 6, 2015

Chinh phục đỉnh Tà Xùa

Nằm ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Tà Xùa là ngọn núi mà dân mê leo núi – chụp ảnh nhất định sẽ phải đến một lần trong đời. Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây ngàn bao phủ và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái.


Sau hơn hai trăm cây số đi từ Hà Nội, chúng tôi nghỉ đêm tại thị trấn Bắc Yên lấy sức. Thật ra từ thị trấn đến Tà Xùa chỉ còn 15 cây số, nhiều người vẫn đến chân núi nghỉ nhờ dân bản hoặc ngủ lều để được ngắm sao trời.

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu đi từ năm giờ. Cung đường núi không dài nhưng khá dốc và nhiều đoạn xấu nên ai nấy phải nhanh lẹ, nếu không sẽ trễ mất khoảnh khắc ngắm mặt trời mọc lên từ biển mây.

11 thg 6, 2015

Cua biển miền Tây

Nếu cua đồng con nhỏ, màu nâu đen, thường làm hang ở các bờ ruộng, rãnh cày… thì cua biển lớn hơn, có màu vàng nâu, vàng xanh thường sống ở vùng sông rạch gần biển. 


Người ta bắt cua biển bằng cách đặt lọp, đặt đáy hoặc câu: Ai ơi bền chí câu cua/ Dù ai câu chạch, câu rùa mặc ai (ca dao).

Cua biển con đực càng lớn, yếm nhỏ, cua cái càng nhỏ, yếm lớn. Nhiều lão nông đoan chắc rằng vòng đời con cua đực khá ngắn ngủi: cua trưởng thành sau khi hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống là chết rũ, cá biệt con nào tránh được nghĩa vụ ấy thì “bỗng” trở thành… thái giám và lớn hết cỡ mà dân gian gọi là cua kềnh.

3 thg 6, 2015

Từ bánh khoái Huế đến bánh xèo Nam bộ

Nhìn ở góc độ văn hóa, sự giao thoa và tiếp biến là một trong những nét đặc trưng của nghệ thuật ẩm thực. Phải chăng theo bước chân người xa xứ vào vùng đất mới miền sông nước Cửu Long khai hoang lập nghiệp, cái bánh khoái miền Trung đã chuyển thành cái bánh xèo Nam bộ?


Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, để có những chiếc bánh thơm ngon, người đổ bánh bằng bếp củi mà trời xứ Huế mưa dầm quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp khiến cay sè mắt nên chiếc bánh được gọi là bánh khói, dần dà theo cách phát âm của người Huế mà chệch đi thành bánh khoái.

1 thg 5, 2015

Đến Ninh Bình ăn dê núi

Đến thăm Ninh Bình, sau khi tham quan hàng loạt danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóa… như vườn quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc Bích Động, khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ Phát Diệm…, du khách thường không thể bỏ qua một đặc sản nổi tiếng của địa phương: dê núi Ninh Bình.


Được phong tặng danh hiệu “đệ nhất món ngon của vùng đất cố đô”, món dê núi Ninh Bình còn nằm trong danh sách “50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam” do Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập.

Bánh khọt miền Tây Nam bộ

Trong số các món bánh ăn chơi ở miền Tây Nam bộ, bánh khọt không phải là đặc sản địa phương mà nó đã theo bước chân những người tứ xứ đến đây khai phá vùng đất mới. 

Với sự sáng tạo của người dân vùng sông nước, bánh khọt đã có những đổi thay để phù hợp với đời sống bản địa và dần dà khác biệt với loại bánh tương tự ở các vùng miền khác.

Những chiếc bánh vừa múc ra khỏi khuôn còn nóng hổi

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long ưa thích món bánh xèo bao nhiêu thì bánh khọt cũng được chọn làm “đối tác” để so sánh bấy nhiêu.

17 thg 4, 2015

Món ngon từ cá điêu hồng

Cá là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt là món ăn dân dã của người Nam bộ trong thời khai hoang mở đất, được chế biến rất nhiều món ăn vì cá có quanh năm. Bên cạnh các loài thủy sản nước ngọt khác, con cá điêu hồng đã “lên ngôi” trong những năm gần đây.


Có rất nhiều cách nấu nướng cá điêu hồng, nhưng để thay đổi khẩu vị, các bà các cô ở vùng sông nước Cần Thơ đã chế biến món cá điêu hồng lăn bột chiên mè vừa đẹp mắt vừa lạ miệng, ăn ngon lại không ngán, đồng thời mè còn có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho bệnh nhân đau dạ dày.

14 thg 4, 2015

Lên núi Cấm ăn bánh xèo

Đến với núi Cấm(*), du khách sau khi thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ, tham quan, chiêm bái các danh lam thắng cảnh như chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, chùa Vạn Linh… sẽ dừng chân, ghé quán bánh xèo thưởng thức một món ngon của Thiên Cẩm Sơn.

Bánh xèo núi Cấm không biết có tự bao giờ, so ra rất khác với bánh xèo dưới đồng bằng. Gạo để làm bánh là gạo lúa Sóc, được ngâm và xay bằng cối đá, bột xay đựng trong thau, được dằn bằng những tấm thớt nặng để ráo nước (bồng bột). Dừa khô cũng được nạo bằng tay với cái bàn nạo đã mòn theo năm tháng, còn nghệ tươi đào ngoài vườn được vắt nước trộn vào bột làm màu.

Bánh xèo núi Cấm với nhiều loại rau, lá cây ăn kèm

26 thg 3, 2015

Lên Cao Bằng trẩy hội Nàng Trăng

Trong mấy tháng mùa xuân, nếu đi ngao du trên những cung đường đầy hoa của tỉnh Cao Bằng, du khách thường được chứng kiến lễ hội kéo dài của người Tày.


Đó là lễ hội Nàng Hai (còn gọi là Nàng Trăng), là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Theo tín ngưỡng người Tày, Nàng Hai là mẹ Mặt Trăng chuyên ban phúc và giúp đỡ con người trong việc làm ruộng, dệt vải. Lễ hội này được tổ chức để mời Nàng Hai xuống hạ giới giao lưu cùng với bản làng.

Bún gỏi dà Mỹ Xuyên

Mỹ Xuyên ở cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chưa đầy mười cây số, vốn nổi tiếng với thương cảng Bãi Xàu ngày trước. Về ẩm thực, ở đây có món bún gỏi dà ngon ngọt không đâu bằng.


Ai về đất Mỹ Xuyên mà chẳng nghe câu hát: Mỹ Xuyên có bún gỏi dà, có con tép đất đậm đà quê hương. Chung quanh cái tên gọi nghe rất lạ bún gỏi dà này đã có nhiều cách giải thích.