Phòng trưng bày về sự hình thành của làng nghề giấy dó Yên Thái xưa tại phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh việt Nam
Tọa lạc bên Tây Hồ thơ mộng, làng Yên Thái xưa là một phần của vùng Kẻ Bưởi trù phú, từng được xem là “cái nôi” của nghề làm giấy dó đất Thăng Long. Tiếng chày giã vỏ dó, tiếng nước róc rách qua những tàu seo giấy từng là âm thanh quen thuộc, gắn với nếp sống của bao thế hệ người Hà Nội xưa. Tuy nhiên, đến những năm 2000, khi các hợp tác xã giấy giải thể, nghề xưa dần mai một. Những nghệ nhân cuối cùng của làng Yên Thái cũng lần lượt về già, tiếng chày vắng dần, giấy dó gần như biến mất khỏi đời sống phố thị.
Năm 2024, tại số 189 phố Trích Sài, UBND phường Bưởi chính thức khai trương “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó”. Không gian này, thực chất là một "bảo tàng sống", nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, nơi du khách được tìm hiểu, chiêm ngưỡng và trải nghiệm quy trình làm giấy dó cùng nghệ nhân làng nghề.
Khu vực trưng bày mô phỏng bằng hình ảnh các công đoạn làm ra giấy dó. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Ngoài các sản phẩm truyền thống, còn trưng bày các sản phẩm giấy dó được làm ở Đà Bắc (Hòa Bình), Bắc Ninh… với đủ các màu sắc được nhuộm từ nguyên liệu thiên nhiên. Giấy dó không chỉ để viết thư pháp hay vẽ tranh, mà còn ứng dụng trong đời sống hiện đại, như làm sổ tay, quạt, trang sức, hay đơn giản là viết một bức thư tay, điều tưởng như đã vắng bóng trong thời đại số.
Bạn Nguyễn Cẩm Ly – du học sinh tại Canada vì đam mê văn hóa truyền
thống nên đã học thư pháp viết trên giấy dó tại đây trong kì nghỉ hè về
nước. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Du khách quốc tế trải nghiệm làm giấy dó. Ảnh tư liệu
Du khách quốc tế nghe những câu chuyện lịch sử về làng nghề làm giấy dó. Ảnh: Tư liệu
Nhiều du khách quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn làm giấy dó. Ảnh: Tư liệu
Ngoài ra, không gian trưng bày còn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách, như đập dó, nghiền đay, seo giấy dưới sự hướng dẫn của các thành viên của doanh nghiệp xã hội Zó Project. Những bó sợi đay mềm được giã bằng chày gỗ, nhào trong keo nhớt rồi lọc qua khung để tạo nên một lớp giấy mỏng tang nhưng dẻo dai, mang màu sắc thủ công, mộc mạc.
Không gian bày bán các sản phẩm ứng dụng từ giấy dó. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Các sản phẩm sổ sách được làm từ giấy dó. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Sản phẩm đầu lân Trung Thu được bồi từ giấy dó. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Các loại giấy dó được bày bán tại không gian trưng bày. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Không gian còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, như lớp học thư pháp, trại sáng tác, triển lãm vẽ tranh trên giấy dó... được tổ chức thường xuyên, góp phần nuôi dưỡng mạch sống văn hóa trong giới trẻ.
Nhiều du khách để lại những dòng cảm nhận sau khi trải nghiệm tại “bảo tàng giấy dó”. Ảnh Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Nguyễn Cẩm Ly – du học sinh Canada đam mê văn hóa truyền thống cho biết: “Em đã học thư pháp ở đây từ cơ bản đến nâng cao. Giấy dó không dễ viết, nhưng một khi viết được, cảm giác như đang chạm vào linh hồn của chữ Việt. Mỗi buổi học ở đây khiến em hiểu và yêu văn hóa dân tộc sâu sắc hơn”.
Giữa dòng chảy hiện đại, “bảo tàng giấy dó” tại Trích Sài là điểm tựa tinh thần cho những ai muốn tìm về cội nguồn, tìm lại sự tinh tế và chậm rãi trong từng nhịp sống.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long và Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét