17 thg 1, 2021

Mùa gói bánh

Từ tháng 11 (âm lịch), các ngôi đình, miếu lần lượt tổ chức lễ Lạp miếu cũng là lúc những người thợ chuyên làm bánh, nấu xôi bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mùa Tết. Hình ảnh các bà, các cô ngồi tụm ba, tụm năm tỉ mỉ lau từng lá chuối, nồi bánh đỏ lửa bên góc nhà khiến người ta cảm thấy không khí Tết đang gần hơn. 

Vừa hoàn thành xong mấy xửng xôi lớn cho khách đặt đem cúng đình, bà Nguyễn Thị Lệ Thu (52 tuổi, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) tiếp tục bận rộn với những đơn đặt hàng mới. Cô khách hàng trạc tuổi bà Thu ghé ngang nhà nhấn giọng: “30 Tết bà còn gói không, phải bà gói mới được, từ chối là tui không chịu đâu. Con gái ở Đồng Nai mới gọi về nói thèm bánh tét nhân chuối, bà nhận đi”. Nhẩm tính ngày Tết cổ truyền còn cách hơn 1 tháng, bà Thu cho biết, hiện nay đã được mối quen đặt hàng không còn rảnh ngày nào. Mấy chục năm nay, bà Thu và em gái chuyên gói bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh tro, bánh cặp… là những loại bánh truyền thống được gọi chung là bánh lá.
Ngoài ra, bà còn thảo tay nghề làm các loại bánh ít trần, nấu xôi đủ vị, nhờ vào nghề này mà gia đình có cuộc sống ổn định. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát, 2 người phụ nữ hoàn thành mỗi ngày hàng trăm cái bánh lá. “Gói bánh không có “bí quyết” nào đặc biệt, ông bà xưa chỉ làm sao thì theo y vậy, trong vùng có nhiều hộ làm bánh bán, chắc người ta ưng khẩu vị với bánh của tôi gói nên ủng hộ nhiều” - bà Thu chia sẻ. 

Mùa gói bánh cuối năm gợi không khí Tết đến gần hơn 

Để làm bánh lá, bà Thu chọn nếp rặt của Phú Tân, thu mua lá chuối ở tất cả các vùng lân cận, sử dụng đường thốt nốt và tự trồng lá dứa, lá cẩm sau vườn để tạo màu khi cần thiết. Một số công đoạn làm bánh đã có máy thay thế, song nhìn chung nghề này vẫn rất cực, làm xuyên suốt từ sáng đến tối.

Bà Thu cho biết, mùa Tết năm ngoái, hoàn thành xong những đòn bánh cuối cùng thì tới giao thừa, bận đến nỗi không kịp chuẩn bị gì trong nhà. Khoảng 1 tháng nay, các loại bánh được khách hàng đặt làm số lượng nhiều hơn, bình quân 400-500 cái/ngày, chủ yếu phục vụ đám tiệc, cúng kiếng, lễ ở đình, miếu…

Vất vả nhưng bù lại gia đình bà có thu nhập rất khá. Bánh tét được ưa chuộng vẫn là nhân truyền thống, gồm: ngọt, chuối, trắng. Ngày Tết, bánh gói phổ biến nhất là bánh tét 4 mùa, bánh tét lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng), bánh tét ngũ sắc (nếp nhuộm màu xanh lá dứa và màu đỏ trái gấc), bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa, nhân chay, nhân chuối…

Thời điểm này, cơ sở bánh Út Bế (xã Bình Long, Châu Phú) đã tất bật hơn ngày thường. Các loại bánh được đặt làm nhiều nhất là bánh tét, bánh ít, bánh ú cho các gia đình cúng giỗ. Cuối năm, con cháu đi làm xa trở về, nên nhà nào có đám giỗ sẽ lo tươm tất hơn, phần bánh sẽ là quà không thể thiếu cho bà con cũng như con cháu trong nhà. Từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hồng Yến (32 tuổi) đã quấn quýt bên mẹ học làm bánh. Mẹ mất mấy năm nay, chị Yến kiên trì giữ nghề, dù có giai đoạn khó khăn.

Chị kể ngày xưa chỉ nhờ vào mấy đòn bánh mà mẹ nuôi 3 đứa con khôn lớn, đến lượt chị thì cả gia đình nhỏ đều làm bánh, duy trì mười mấy năm nay. Mỗi ngày cơ sở Út Bế gói 100 đòn bánh tét và hàng trăm bánh ít, bánh ú, thời điểm này, loại nào cũng tăng số lượng gấp đôi. Theo nhu cầu của khách, bánh tét có rất nhiều loại nhân, như: nhân trắng, nhân trứng, nhân thịt, nhân ngọt, thập cẩm. Năm nay, chị Yến làm thêm mẫu bánh tét mới, có nhân xanh được ướp từ lá dứa, giá bán vẫn giữ nguyên, 30.000 đồng/đòn. 


Khác với những hộ làm bánh, ngày nay sử dụng một số nguyên liệu cho tiện lợi hơn trong quá trình làm, nhưng bánh tét Út Bế bao giờ cũng được cột bằng dây chuối, mọi công đoạn đều làm thủ công và đặc biệt dùng nguyên liệu, màu sắc tự nhiên. Sử dụng dây chuối cột bánh thì khi nấu chỉ cần quan sát sự co giãn của dây mà biết được nếp nở “đúng” độ, đòn bánh nào bị chai sẽ được loại bỏ. Chị cũng không đồng tình cách cột bánh bằng dây ny-lon như một số người áp dụng hiện nay, vì nấu trong nhiệt độ cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định không tốt cho sức khỏe. 

Theo chị Yến, một đòn bánh tét ngon đòi hỏi nếp phải dẻo, nêm nếm vừa ăn, bánh vớt ra khô ráo và để được lâu. Bánh không mặn, không lạt, khoanh bánh khi cắt có bề mặt mịn và dẻo, miếng thịt mỡ còn nguyên được bao bọc bởi nhân đậu xanh. Trong quá trình nấu, nhân mỡ thấm vô đậu, qua nếp tạo thành mùi thơm hòa quyện với gia vị.

Thời hiện đại, không còn nhiều người biết gói bánh lá truyền thống, chủ yếu đặt mua vì sự nhanh gọn, tiện lợi. Dù sao, nhờ những người tâm huyết giữ nghề, ngày đám tiệc trang trọng của gia đình vẫn còn hiện hữu hình ảnh những loại bánh truyền thống cùng với nét văn hóa ứng xử “đến có quà, về có lộc” của người dân. Ngoài chuyện duy trì nghề để làm kế sinh nhai, những hộ theo nghề bánh còn góp phần lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống trong ẩm thực vùng, miền.

P.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét