8 thg 1, 2021

Khám phá những hiện vật quý hiếm ở bảo tàng tư nhân đầu tiên của Hà Tĩnh

Trong 4.000 hiện vật tại Bảo tàng Hoa Cương (thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), có nhiều hiện vật quý hiếm được Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương (SN 1957) dày công sưu tầm.

Bảo tàng Hoa Cương là công trình bảo tồn văn hóa ngoài công lập đầu tiên tại Hà Tĩnh được TS Nguyễn Quang Cương xây dựng ngay chính tại quê hương của mình. Tiền thân là Nhà khuyến học Hoa Cương (năm 2004), đến nay, Bảo tàng Hoa Cương được hoàn thành với 4.000 hiện vật do chính TS Nguyễn Quang Cương tìm tòi, phát hiện và lưu giữ.

Trung tâm bảo tàng có diện tích 1.000m2 trưng bày 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh quý hiếm phản ánh khá đa diện về truyền thống của người Việt. Ngay từ khi bước vào sảnh, người xem đã bị thu hút ở hàng trăm chiếc chum, ché, vại cổ có niên đại hàng trăm năm ở phía tay phải.

Phía tay trái là số lượng lớn các loại cối đá, trục đá, kệ đá cổ... được sắp xếp, phân loại.

Trong đó có những chiếc cối xay được thiết kế tinh xảo chỉ được dùng trong các gia đình quyền quý thời xưa.

Không gian chính của Bảo tàng Hoa Cương trưng bày hàng ngàn hiện vật thể hiện nhiều phương diện đời sống người Việt theo dọc chiều dài lịch sử, nhất là từ thời nhà Nguyễn đến nay. Các hiện vật được trưng bày, xử lý khoa học bởi các chuyên gia Bảo tàng và có thêm sự tư vấn của các nhà sử học, văn hóa học...

Một trong những hiện vật được tìm thấy tại Hà Tĩnh là rùa đá cổ có nguồn gốc ở khe Hao, núi Hồng Lĩnh với niên đại hàng ngàn năm.

Tấm gỗ lót đáy giếng thời Lê (năm Quang Thuận thứ 10-1469) được tìm thấy tại giếng Tran, xã Bình An, huyện Lộc Hà.

Hàng trăm loại tiền được lưu hành tại Việt Nam và nước ngoài nhiều thời kỳ. Một số loại tiền còn đang rất mới dù đã trải qua niên đại hàng trăm năm.

Các loại dĩa gốm được tìm thấy có niên đại từ thời Lý - Trần - Lê. Mỗi một chiếc dĩa đều thể hiện vẻ đẹp, đời sống tinh thần của người dân qua từng giai đoạn lịch sử.

Hũ tiền đồng cổ có từ thời Lê Trung Hưng.

Một chiếc bình gốm sứ của nền văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ I đến thế kỷ VII).

Những chiếc bình vôi có niên đại hàng trăm năm với chi tiết tinh xảo ở phần tay cầm.

Với 13 chủ đề khác nhau, Bảo tàng Hoa Cương đã thể hiện tính chất của một bảo tàng tổng hợp thiên về nông nghiệp, nông thôn. Hàng ngàn hiện vật về các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của người Việt từ xưa tới nay đều được chủ nhân của bảo tàng dày công tìm tòi, lưu giữ.

Chiếc “mươn” hay còn gọi là chiếc bàn ăn trong các gia đình thời xưa.

Những hiện vật quý hiếm được TS Nguyễn Quang Cương dành tâm huyết suốt 50 năm sưu tầm, tìm kiếm.

Những chiếc bàn là cổ của các quốc gia trên thế giới được lưu giữ tại Bảo tàng Hoa Cương hiện vẫn còn khá nguyên vẹn.

Những chiếc tẩu thuốc phiện được chạm khắc tinh xảo, kiểu dáng đẹp mắt.

Những kỉ vật chống Mỹ, chống Pháp như bi-đông, ăng-gô... được TS Cương sắp xếp ngăn nắp như nhắc nhở thế hệ sau về quá khứ hào hùng của dân tộc.

Các kỉ vật chiến tranh quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng Hoa Cương. Mỗi một hiện vật tại đây đều mang lại cho người xem những trải nghiệm lý thú và sự hiểu biết về nhiều phương diện của đời sống người Việt gắn với từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

Như một chiếc cầu nối văn hóa của quá khứ - hiện tại, các hiện vật tại Bảo tàng Hoa Cương không chỉ hướng tới giới nghiên cứu lịch sử chuyên sâu mà mỗi câu chuyện phía sau các hiện vật còn hướng gần hơn đến mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Điều đặc biệt tại Bảo tàng Hoa Cương còn là không gian trưng bày những hiện vật về biển đảo Việt Nam với biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa cùng hàng chục dụng cụ ngư nghiệp truyền thống nhằm tác động trực quan, vun đắp thêm ý thức giữ gìn biển đảo trong cộng đồng.

Thông qua các hiện vật, các hoạt động văn hóa phi vật thể khác, thế hệ học sinh mai sau sẽ thêm yêu mến và trân quý những giá trị của lịch sử, từ đó thức tỉnh, sinh dưỡng tình yêu Tổ quốc, quê hương để học tập, cống hiến nhiều hơn nữa - TS Nguyễn Quang Cương bày tỏ.

Ngân Giang - Anh Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét