19 thg 1, 2021

Ngắm cây lộc vừng di sản trên 300 tuổi ở Hậu Giang

Cây lộc vừng tọa lạc ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có tuổi đời hơn 300 năm. Có thể xem đây là một trong những cây cổ thụ hiếm hoi, có tuổi thọ cao ở đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền lịch sử khẩn hoang của vùng đất Long Thạnh. Xoay quanh cây lộc vừng ở Hậu Giang này còn có nhiều câu chuyện tâm linh mà mọi người hay kể cho nhau nghe. 

Cây lộc vừng trên 300 tuổi ở Hậu Giang 

Khu vực này xưa kia rất hoang vu, rậm rạp với nhiều thú dữ, đặc biệt là các loài rắn khổng lồ. Câu chuyện mang đầy vẻ huyền bí nhất rất được nhiều người dân nơi đây kể lại là khi xưa có cặp rắn thần to lớn thường về đây bắt heo, gà, vịt rồi đem lại gốc Lộc Vừng nầy ăn sống. Hơn 60 năm trước từ khi người dân thỉnh Bà Chúa Xứ về thờ tại đây thì cặp rắn “thần” chui vào hang sâu dưới gốc cây biến mất. Hiện nay chỉ còn lại chiếc hang ngay giữa bộ rễ cây. 

Cây có chiều cao khoảng 22 m, chi vi gốc 8m và tán rộng gần 100 m2 

Tuy nhiên theo nhiều lão nông cố cựu tại đây kể lại, chiếc hang giữa cây trên là do thời kháng chiến chống Mỹ, cây bị trúng bom ngay giữa phần thân cây nên phần gốc đã bị thủng một lỗ rất to. Tuy nhiên, cây vẫn có sức sống mãnh liệt, nhánh ngày càng vươn rộng. Đến nay, khi tham quan cây lộc vừng, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy một vết thủng lớn do dấu tích chiến tranh còn hằn lại. 

Cây nở hoa đỏ rực tuyệt đẹp 

Từ thế hệ này đến thế hệ khác qua đi, cây lộc vừng vẫn sừng sững trước nắng mưa, như một chứng tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử… Cây lộc vừng được ví như “lộc” ứng với tài lộc – còn “vừng” ứng với nhỏ nhưng nhiều; cộng với màu hoa đỏ tượng trưng cho hỷ sự (chuyện vui trong nhà). Năm nào cũng vậy, độ mùa hoa nở cây lại khoác lên mình một chiếc áo màu đỏ rực cả một vùng quê thanh bình, trông rất đẹp. Người dân đặt trọn niềm tin vào cây lộc vừng này, việc cây nở hoa làm cư dân địa phương vô cùng phấn khởi, bởi theo họ đó là dấu hiệu của một mùa bội thu, làm ăn khấm khá, cuộc sống no đủ. Những năm mà cây không ra hoa người dân buồn rầu, lo lắng. Vì vậy, mọi người rất coi trọng và xem đây là cây cổ thụ linh thiêng. Hàng năm, cứ vào ngày 16/3 âm lịch, người dân nơi đây lại long trọng tổ chức lễ cúng thần, cúng bà với những nghi thức múa, hát đờn ca tài tử… mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam bộ. 

Ngôi miếu được xây dựng khang trang 

Hiện tại, cây lộc vừng cổ thụ có chiều cao khoảng 22 m, chi vi gốc 8m và tán rộng gần 100 
m2. Cứ sau Tết Nguyên đán cây thay lá và tới tháng 3 âm lịch, đúng dịp lễ cúng cây lại xanh tốt, ra hoa và tỏa mùi hương thơm dễ chịu. Cây lộc vừng đã được Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam, trở thành điểm nhấn của ngành du lịch Hậu Giang. 

Cây đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam 

Nhằm mục đích tôn tạo và phát triển du lịch, tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch một khu đất hơn 3.000 mét vuông để bảo tồn cây quý này. Ngôi miếu tạm bợ cạnh gốc cây trước đây đã được di dời ra gần đó và xây dựng khang trang thờ Bà Chúa Xứ và Phật Quan âm để người dân thập phương đến viếng, sau đó ra ngắm cây quý hiếm bậc nhất vùng Miền Tây này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét