4 thg 11, 2017

Chợ Sông Đào

Vùng đất Phú Thượng (Võ Nhai) trước đây từng có một khu chợ nổi tiếng đi vào thơ ca: “Chợ Sông Đào một tháng sáu phiên / Anh bán nâu, vỏ, kiếm tiền em tiêu”.


Đây là khu chợ duy nhất của cả một vùng rộng lớn Bắc Sơn - Võ Nhai. Lúc đầu, chợ có tên là Đình Cả, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng thuộc hữu ngạn sông Dong, ngay ngã ba Gốc Gạo - nơi giao cắt giữa tuyến đường từ Bắc Giang lên Tràng Xá rồi ra thị trấn Đình Cả với Quốc lộ 1B. Khu ngã ba này có một cây gạo rất to, thân thẳng và nở nhiều hoa mỗi độ xuân về.
 
Khu chợ Sông Đào trước kia gồm một quán chợ, cột xây bằng gạch, lợp ngói sông Cầu và có nhà của người dân ở bốn bề xung quanh. Cứ đến ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 hằng tháng là lịch chợ phiên, nhưng chợ đông nhất là vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm. Thời điểm đó, đình Cả ở ngay cạnh chợ tổ chức rước kiệu, có nhiều trò chơi dân gian và người dân tứ xứ tìm về họp chợ với nhiều hàng hóa, nông sản nổi tiếng như: cam sành, quýt ngọt Bản Quế, lê thơm Bản Vi, lợn con giống bản Loòng (Bắc Sơn, Lạng Sơn); măng khô, mộc nhĩ, nấm hương (Nghinh Tường); chuối tiêu, đậu đũa thơm, vòi hương của Đông Bo, Khuôn Nang; củ nâu, vỏ đỏ từ Nà Pheo, Cao - Phật - Lầm; gạo tẻ Nà Kheo trắng muốt…

Tại các phiên chợ, ngoài việc trao đổi, buôn bán hàng hóa còn là dịp để những người thân quen lâu ngày gặp mặt, nam thanh nữ tú hẹn hò. Những quần chúng cách mạng cũng tranh thủ dịp này để gặp gỡ và bí mật tuyên truyền tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc khi có Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Năm 1997, xã Phú Thượng chia tách địa giới hành chính thành xã Phú Thượng và thị trấn Đình Cả. Chợ Sông Đào cũng đổi tên lại nguyên gốc là chợ Đình Cả - khu chợ trung tâm của huyện Võ Nhai hiện nay. Cây gạo tại ngã ba xưa cũng đã bị chặt hạ để lấy mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng.


Nhị Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét