14 thg 11, 2017

Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ

Gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lễ cầu mùa là nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chỉ, rất cần gìn giữ và phát triển.

Nghệ nhân Lỷ A Tàu, thôn Kéo Cai, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên, sửa soạn trang phục đi lễ. 

Người Sán Chỉ làm lễ cầu mùa để tôn vinh những vị thần có công lập làng, tạo mưa, tạo gió, cho mùa màng bội thu, canh giữ xóm làng. Người Sán Chỉ cũng khấn nguyện các vị thần mang đến cuộc sống tốt đẹp, bình an và mạnh khỏe đến cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, lễ cầu mùa không còn được bà con Sán Chỉ tổ chức một cách phổ biến nữa. Gần đây, nghệ nhân ưu tú Lỷ A Sáng, ở thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên đã giúp ngành Văn hoá tỉnh sưu tầm, phục dựng lễ cầu mùa. Người được chọn làm thầy cả như già làng Sáng phải trên 50 tuổi, có uy tín, được dân chúng trong thôn, bản kính trọng, gia đình ấm êm và phải truyền dạy được nhiều học trò thì mới có thể kết nối được con người với siêu nhiên.

Trước khi hành lễ, các thầy phải giữ mình thanh tịnh, không được ăn những loại thịt chó, trâu, không được sát sinh, không nhận làm các đám tang ma và không quan hệ nam nữ. Hai người khiêng kiệu rước lễ vật dâng thần cũng phải kiêng ra đường không được gặp trâu hoặc chó chết, có gia đình song toàn, vợ chồng không lục đục.

Theo nghệ nhân Lỷ A Tàu, thôn Kéo Cai, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên, người Sán Chỉ dự lễ theo tinh thần tự nguyện cộng đồng cao, tự đóng góp gạo, thịt, rau và cùng lấy tre, lá, dựng lều. Họ chọn khu đất bằng phẳng, không gần miếu thờ, không được cách trở sông suối, không gần nơi xú uế. Các vật liệu dùng để dựng lều buộc phải để trên cao, tránh chó, mèo, phụ nữ bước qua. Đồ cúng như: Lợn, gà luộc, bánh, xôi ngũ sắc nhất thiết phải là sản vật địa phương nuôi, trồng trong thôn, bản, không mua của nơi khác.

Ở trong lều, các thầy cùng nhau viết tấu sớ. (Ảnh do ông Sáng cung cấp). 

Tiến trình tổ chức lễ diễn ra như sau: Sáng sớm, dân làng tập trung tại địa điểm đã giao ước. Một nhóm được cử đi lấy cỏ gianh đan thành mảng; nhóm khác lên rừng chặt tre; một nhóm đào lỗ để chôn cọc; một nhóm chẻ lạt, đan các cây cắm nến, bát hương, thúng đựng các sớ, điệp, phong hàm, v.v.. Những người khéo tay thì chẻ tre, pha nan để đan ống đựng hương, đựng nến và sọt để đựng tấu sớ, phong hàm. Khi đã có tre nứa và mảng rồi thì đến công việc dựng lều. Lều được dựng lên phải có 2 ban thờ, ban phía trên thờ Tam thanh, ban thờ phía dưới thờ sư phụ của thầy cả, người đã truyền dạy và cấp sắc cho thầy.

Các thầy tập trung tại nhà thầy cả để làm lễ “phoóng ọp”, xin các thần trong nhà bảo hộ tất cả nhóm thầy, người dân và những người tham gia hành lễ khoẻ mạnh, thời tiết thuận hoà, tránh tà ma xâm nhập khu vực làm lễ, tránh ma tà quấy rối nhà cửa lúc các thầy ra khỏi nhà. Thầy cả phải đeo mặt nạ cải trang làm thổ địa đề phòng khi thầy múa đẹp quá ma quỷ cũng nhảy vào múa theo. Ma quỷ sẽ không nhận ra khuôn mặt thật của thầy mà nghĩ thầy là thổ địa.

Tập múa “Trâu đạp lúa”. (Ảnh do ông Sáng cung cấp). 

Khi đến lều, thầy cả sẽ viết các loại sớ, điệp, phong hàm, các loại cờ thần. Trong khi đó bà con làm công tác hậu cần chuẩn bị cho lễ chính vào buổi chiều, đêm. Trong quá trình cúng lễ, các thầy hát và múa các điệu múa: Chim câu, trâu đạp lúa, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra hạt, múa đi lấy hào quang, khai đăng, múa xúc tép, múa tắc xình, hát đi bắt kiệu phu, v.v.. Màn hát múa tái hiện hành trình của người Sán Chỉ đi lấy bảo vật, lấy hạt giống gieo trồng, thu hoạch mùa vụ, v.v.. Thầy cả vừa làm phép vừa đánh âm dương xin thần thánh cho phép, cầm kiếm đi 2 vòng cắt tất cả các tờ giấy treo trên mái nhà và bàn thờ.

Khoảng 6 giờ sáng, các thầy khua chiêng, đọc bài khấn cảm tạ thần thánh đã về dự lễ, xin thần ban phúc cho dân làng và tiễn các thần về trời. Các thầy gom tất cả giấy, vàng tại các mâm ra phía ngoài hóa đi rồi cùng nhau thụ lộc. Cuối buổi lễ, thầy cúng sẽ khao quân, cúng các thần và tiến hành bố thí đồ cúng cho các vong linh vô chủ, ma quỷ. Họ cùng nhau hát những bài ca dân gian, diễu hành vòng quanh lều và ăn cơm đoàn kết để thể hiện sự gắn bó của bà con trong bản.

Thầy cả và các thầy phụ cùng hát múa. (Ảnh do ông Sáng cung cấp). 

Huỳnh Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét