4 thg 11, 2017

Bo Táng - nét xưa của Làng Quặng

 Cứ mỗi lần có dịp về xóm Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) là tôi thường được nghe mọi người kể về chiếc giếng Làng Quặng với một tình yêu, coi như vật báu của làng nhưng cũng đầy sự bí ẩn. Tôi quyết định trở lại Làng Quặng để tìm hiểu về chiếc giếng.


Làng Quặng không chỉ có một chiếc giếng mà có tới ba chiếc giếng cổ.  Bo Ong (theo tiếng Tày, Bo là giếng) ở Làng Quặng A, Bo Táng và giếng Chùa ở Làng Quặng B. Tuy nhiên, theo các cụ kể lại, Bo Táng là chiếc giếng ở cuối làng đã có hàng trăm năm, được thường xuyên sử dụng và chứa đựng nhiều điều bí ẩn hơn cả.
 
Anh Ma Công Hanh, ở xóm Làng Quặng B cho biết: “Tôi còn nhớ từ khi còn nhỏ bà thường kể về Bo Táng. Bà bảo: Từ ngày bà về làm dâu ở cái làng này đã thấy cái giếng rồi. Bà nghe các cụ truyền lại rằng: ngày xưa Bo Táng còn gọi là giếng Nam, bên cạnh còn có một chiếc giếng Nữ. Hai chiếc giếng lúc nào cũng cho dòng nước mát ngọt, trong lành. Đặc biệt, con gái Làng Quặng hay uống nước và tắm ở chiếc giếng Nữ nên xinh đẹp nổi tiếng nhất vùng. Chính vì vậy, con gái Làng Quặng thường được tuyển vào cung cho nhà Mạc. Thấy gái làng cứ lớn lên lại bị nhà Mạc bắt hết vào cung, dân Làng Quặng “đổ tội” cho cái giếng Nữ nên bàn cách lấp chiếc giếng. Việc lấp giếng cũng không dễ dàng, người thì bảo không được lấp giếng vì như vậy sẽ “phạm” với Thần Giếng; người thì bảo nếu lấp giếng thì không được lấp bằng đất mà phải lấp bằng thóc. Cuối cùng phương án lấp thóc được dân làng chấp thuận. Không biết bao nhiêu gánh thóc của làng đã đổ vào chiếc giếng ấy. Cho đến giờ, dấu tích giếng Nữ đã không còn nữa, chỉ còn chiếc giếng Nam.

Bo Táng nằm ở giữa làng, đường kính rộng khoảng 1m, có độ sâu khoảng 10m; giếng được ốp một tầng bằng gỗ thông, tiếp đến là tầng lát đá, đáy giếng là một gốc cây Nhội rỗng. Ông Hoàng Luận, xóm Khau Diều cho biết thêm: “Bo Táng có mạch nước ngầm rất sâu, ăn sang cả suối Goòng Đan và Goòng Chương. Các cụ bảo, nếu đổ trấu ở suối Goòng Đan, chấu sẽ nổi lên ở giếng và suối Goòng Chương nên nước không bao giờ cạn là vậy”. Trước kia thành giếng được lát bằng cây gỗ thông, lâu ngày gỗ thông mục nên cách đây vài năm, một số gia đình đã bảo nhau xây dựng thành giếng bằng bê tông cao lên để đảm bảo an toàn cho trẻ con và trâu bò qua lại. Bo Táng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước cho cả làng trước đây, mà còn là nơi gặp mặt, trò chuyện của người dân trong làng, là hình ảnh đẹp về quê hương trong trí nhớ của những người xa quê.

Dân làng cho biết, nước giếng ở đây rất trong và ngọt. Dù trời mưa hay nắng hạn, nước giếng không bao giờ lên cao, cạn nước hay đục ngầu. Trước đây, khi cả làng cùng ăn chung chiếc giếng này, buổi sáng cứ từ 5 giờ, buổi chiều vào lúc 16 giờ mọi người lại kéo nhau đi lấy nước. Mỗi người thường gánh từ 4 đến 6 ống bương bằng cây mai, lần lượt xếp hàng chờ đến lượt mình, không ai tranh giành ai bao giờ. Trong lúc chờ đợi, mọi người hỏi han nhau chuyện nhà, chuyện làng, chuyện nuôi dạy con cái, trồng cây bắp, cây khoai. Cũng từ đó nhiều nam thanh, nữ tú đã nên duyên vợ, chồng. Những ngày hè nóng nực, người đi làm đồng, đám trẻ chăn trâu đều trở về bên chiếc giếng nước. Dòng nước ngọt lịm, mát lành như tan chảy thấm vào từng thớ thịt làm dịu cơn khát trong chốc lát. Điều lạ là, mọi người uống nước giếng nhưng chẳng ai bị đau bụng bao giờ. Nay nhiều gia đình đã tự đào được giếng nên chỉ còn khoảng hơn chục hộ vẫn thường xuyên sử dụng giếng. Những khi gặp trời khô hạn, chiếc giếng vẫn là nơi người dân tìm đến lấy nước. Một phong tục không thể thiếu của dân làng nơi đây vẫn còn duy trì là mỗi khi gia đình nào có người qua đời, các thày cúng cùng gia đình đều ra chiếc giếng này làm lễ, thả vài đồng tiền lẻ vào đó rồi xin nước về để tắm cho vong linh người đã mất. 

Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi nghĩ về làng quê hình ảnh thân thương bao giờ cũng là cây đa, giếng nước, sân đình. Làng Quặng cũng vậy, không chỉ có chiếc giếng mà còn có đình Làng Quặng, chùa Linh Trà, cây đa luôn gắn bó mật thiết với nhau từ khi nào không rõ. Bởi thế, các cụ ở đây thường dạy trẻ con câu hát: “Trên chùa, dưới đình, ở giữa có giếng nàng tiên” là để ám chỉ Bo Táng, chùa Linh Trà, đình Làng Quặng. Chùa Linh Trà cách giếng khoảng 100m về phía tay phải, nằm trên đỉnh đồi. Hiện chùa đã bị phá hủy theo thời gian, song nơi đây vẫn còn lưu giữ một số pho tượng, bệ thờ, một tấm bia khắc bằng chữ nho ghi lại công lao của họ Ma Công, Ma Thịnh; họ Nông đã nhiều lần phục dựng và đóng góp xây chùa. Theo các cụ kể, ngày xưa, người dân ở đây quan niệm Bo Táng là của đình, chùa. Vì vậy khách thập phương đi xa, về gần muốn lên đình, chùa đều phải rửa chân tay sạch sẽ mới được vào. Còn giếng Chùa là nơi lấy nước lên làm lễ. Cây đa, đình Làng Quặng nằm sát trụ sở UBND xã Định Biên, cách giếng khoảng 200m về phía tay trái. Xưa kia, đình không chỉ là hình ảnh thân thương, chốn tâm linh, nơi tụ tập của người dân trong làng mỗi khi làng có tế, lễ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình còn là chỗ đi lại, hội họp của cán bộ Việt Minh; nơi diễn ra lễ hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Đội Cứu quốc quân và lực lượng vũ trang khác của Đảng thành Việt Nam Giải phóng quân (ngày 15-5-1945). Đình Làng Quặng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hiện nay, Đình Làng Quặng đã được phục dựng lại là nơi sinh hoạt của cộng đồng. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã Định Biên đã có nhiều đổi thay, song hình ảnh cây đa, Bo Táng, đình Làng Quặng, chùa Linh Trà luôn được người dân nơi đây nâng niu, trân trọng như hồn cốt, báu vật của làng và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Thu Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét