22 thg 11, 2017

Hồn quê từ những chiếc cà ràng

Trước sự phát triển của công nghệ, cái cà ràng không còn là một vật dụng tối quan trọng trong mỗi bếp ăn người Việt. Thế nhưng, ở xã Phú Thọ (Phú Tân), những người thợ vẫn miệt mài lao động làm ra những chiếc lò cà ràng, không chỉ để mưu sinh, mà còn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông…

Xóm làm cà ràng ở xã Phú Thọ được hình thành đến nay gần nửa thế kỷ. Ban đầu, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ chuyện nội trợ của mấy bà, mấy cô ở địa phương, sau đó được người thợ làm lò bán cho các tỉnh khu vực ĐBSCL và Campuchia.


Nguyên liệu chính để làm làm cà ràng ở xã Phú Thọ là đất sét dẻo có lẫn cát mịn, được mua về từ Hòn Đất (Kiên Giang).

Nhận khuôn tạo hình cà ràng

Làm bóng cà ràng

Những cái cà ràng thành phẩm được đem đi phơi nắng cho khô…

… sau đó được thợ gọt lại cho đẹp trước khi đưa đi nung

Để làm ra một cái cà ràng hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện các công đoạn: In vỉ, nhận khuôn, nhận mỏ lò, làm bóng, phơi nắng, cạo gọt lại sản phẩm và cuối cùng là nung lò trong bồn suốt 24 giờ


Tùy theo bồn nung cà ràng lớn hay nhỏ, mà người thợ bỏ số bao trấu tương ứng để đốt. Khi đốt đủ lửa, cà ràng có màu đỏ rất đẹp. Những cái có màu da lu hay sạm đen do thiếu lửa phải đem đốt lại lần sau.

Nghề làm cà ràng ở xã Phú Thọ diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 6 đến tháng Chạp, khi thương lái đến "gom hàng", đưa lên ghe, đem bán khắp các vùng nông thôn tỉnh ĐBSCL và nước bạn Campuchia.

TRỌNG TÍN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét