14 thg 2, 2017

Giai thoại chùa Phật Nhỏ

Trước năm 1975, đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có 3 ngôi chùa cổ, đó là chùa Lá (nay là chùa Vạn Linh dưới chân vồ Bồ Hong), chùa Phật Lớn (phía trên động Thủy Liêm), chùa Phật Nhỏ (bên vồ Bà). Tương truyền, ngôi chùa Phật Nhỏ xưa kia gọi là chùa Sân Tiên, còn có tên chính thức là Thất Bửu Tự (hiện thuộc tổ 3, ấp Vồ Bà, xã An Hảo). 

Ngôi chùa gặp nhiều lận đận

Thất Bửu Tự do Hòa thượng Thượng Giác – Hạ Quang (tục danh Phạm Văn Vọng ở Bình Hòa, quận Châu Thành, tỉnh An Giang) tạo dựng năm 1942 trên một vồ đá, mặt ngó xuống chợ Tà Đét (xã Trác Quan nay là xã An Hảo). Với cây rừng hoang vu, không khí rất tĩnh mịch, có nhiều thú hoang dã, nhất là loài khỉ xuất hiện thường xuyên. Cư dân chốn non cao và người đồng bằng đều gọi đây là Sân Tiên, giống như địa hình đặt ngôi chùa. Người đời kể, Hòa thượng Thượng Giác – Hạ Quang (trụ trì) không tham gia cách mạng, nhưng hiến tặng “đại hồng chung” để du kích sáng chế vũ khí kháng chiến. 

Chính điện chùa Phật Nhỏ 

Ngày 28/07/1959, ông Nguyễn Văn Lang (giáo thọ, hiện trụ trì chùa) thay mặt Hòa thượng Thượng Giác – Hạ Quang, ký giấy giao Thất Bửu Tự và 10 công đất chùa cho ông Lê Phước Thống (ấp Kinh, xã Tri Tôn) trọn quyền lo việc nhang khói, với sự chứng thực của hành chính và cảnh sát xã Trác Quan. Bấy giờ, chùa Sân Tiên hay Thất Bửu Tự ít ai biết, do việc đi lại khó khăn nên ít có người tới lui. Đó cũng là điều kiện để nơi đây trở thành “trạm giao liên” và “điểm dừng chân” của cán bộ cách mạng, thậm chí Chi bộ xã Trác Quan còn dùng làm chỗ hội họp, cất giấu tài liệu và vũ khí hoạt động. 

Năm 1969, ông Lê Phước Thống (chủ chùa) bị cảnh sát quận Tri Tôn theo dõi và bắt bỏ tù 2 lần, vì tội “hoạt động cho cộng sản”. Với tấm lòng kiên trung, ông một mực không khai báo, mà bảo đảm an toàn cơ sở. Thế nhưng, ngôi chùa lại bị chúng đốt phá tan tành, chỉ còn tượng Phật trơ trụi ngoài mưa nắng. Sau khi ra tù, nhiều lần gầy dựng lại bằng tre nứa, song vẫn bị chúng tiếp tục đốt phá và nhất định không cho xây dựng. Giữ lời hứa với vị Hòa thượng khai sơn, gia đình ông Thống quyết chí chăm lo nhang khói cho đến ngày 30/04/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Đường lên chùa Phật Nhỏ 

Nhiều năm không có trụ trì

Như vậy, chùa Sân Tiên hay Thất Bửu Tự không trụ trì, ông Lê Phước Thống chỉ đóng vai trò giữ chùa, gọi đúng hơn là “ông từ”. Bà Nguyễn Kim Phượng (con gái thứ tư, ấp Tân Định, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) kể lại, từ ngày được thả tù về ông Thống bệnh hoạn, sức khỏe giảm sút ngó thấy, không làm ăn gì được như trước đó. “Ba tui bịnh hoài nên xuống núi. Ngôi chùa bị bỏ hoang nhiều năm, ít được chăm lo chu đáo, chị em tụi tui thì còn nhỏ quá” – bà Phượng trầm tư. Sau ngày giải phóng, đâu cỡ 5 năm, bà mới bạo dạn lên ở, lúc đó bà mới khoảng 20 tuổi. 

Trước khung cảnh hoang vắng, thú rừng luôn rình rập, bà Phượng “bấm bụng” ở nhang khói chùa Sân Tiên hay Thất Bửu Tự. “Nói ngôi chùa, chứ thật ra chỉ có vài tấm tranh, đủ che tượng Phật” – bà Phượng xót xa. Người hành hương lên viếng, cúng chùa, thấy vậy mới hùn vô một ít mua tôn che và từ từ nới rộng. Ai cũng kêu chùa “Phật nhỏ vì tượng Phật nhỏ”, riết rồi thành danh. Khi bà Phượng lập gia đình và xuống núi, người em út Nguyễn Văn Cu lên thế vai “ông từ” hơn 30 năm nay. Hôm gặp anh, Cu lý giải việc “cải” họ Lê sang họ Nguyễn, là từ ngày người cha ở tù và cả nhà sợ liên lụy… 

Ngôi chùa Phật Nhỏ 

Người dân hành hương viếng chùa dịp Tết 

Năm 1999, chùa Phật Nhỏ chính thức được trùng tu, nhưng tượng “Phật Nhỏ” vẫn giữ hàng chục năm qua. Ngoài ban thờ Tam Bảo, cách thờ phượng giữ dáng vẻ truyền thống hồi mới khai sơn. 3 ngày Rằm lớn trong năm, mọi người cùng lo cúng kiếng trên tinh thần “tiết kiệm và lành mạnh”, còn nhang khói ngày thường do anh Nguyễn Văn Cu trông coi. Mặc dù chùa không có trụ trì, nhưng cũng đón nhiều người lên viếng, cúng. Chỗ nơi nghĩ tạm qua đêm, đảm bảo hàng trăm người cùng lúc, có nước sinh hoạt đầy đủ mùa khô. Đây là một trong những điểm thu hút khách trên núi Cấm hiện nay, nhất là người đến từ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Thất Bửu Tự (chùa Sân Tiên – chùa Phật Nhỏ) núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là nơi xuất gia của Ni trưởng Thích Diệu Thông (nguyên mẫu Ni cô Huyền Trang trong bộ phim truyện Biệt động Sài Gòn), với tục danh Phạm Thị Bạch Liên và là người con thứ chín của cụ Phạm Văn Vọng. 

 Phan Trọng Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét