17 thg 3, 2013

Trưa ướt vùng Đất Mũi

1. Đã nghe bạn bè thành thạo cung cấp thông tin, và cả sự đồn thổi bấy lâu về cái mưa, cái gió và cả cái nắng của vùng đất chót non sông, vậy mà khi đến vẫn bị bất ngờ.

Buổi sáng, thăm thú, lấy tài liệu vài ba cơ ngơi của Điện - Đạm - Khí Cà Mau, một cụm công nghiệp nhìn bề ngoài thì chẳng thể bắt gặp bức tranh hoành tráng mà người ta hay vẽ trong tranh cổ động, bởi trừ mấy trạm trộn bê tông di động sừng sững với những ru-lô cao ngất, hầu hết nhà máy chỉ cao một - hai tầng, trông hao hao những viện nghiên cứu.


Cột mốc tọa điểm Mũi Cà Mau - Ảnh: Nguyễn Hiếu


Vào trong, càng thấy sự tương đồng ấy: Sạch bong, đầy bảng điều khiển và dăm ba kỹ sư, công nhân kỹ thuật mặc đồng phục lặng lẽ trước màn hình.

Trông có vẻ giản đơn vậy thôi, nhưng cụm công nghiệp này, riêng trong năm 2010 đã mang lại 10 nghìn tỷ đồng, làm thay đổi cả cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau. Khi chưa có khí, điện, đạm, nông nghiệp tỉnh này chiếm tới hơn 60%, công nghiệp, trước xẹp lép khoảng 30%, nay nhảy vọt lên xấp xỉ 70% trong cơ cấu nền kinh tế.

Riêng nhà máy điện đã góp vào lưới điện quốc gia hơn 7 tỷ KW. Nhà máy hiện đại như từng thấy trong phim ảnh của các nước tiên tiến ấy lại mọc lên trên một vùng đất mọi loại cây trồng đều không phát triển được vì phèn mặn và thiếu nước ngọt.

Gần trưa, chúng tôi đến một con đường nhỏ chạy giữa rừng, đôi bên đầy ranh và cây tràm. Đi một thôi nữa thì rẽ ngang, cánh nhà văn, nhà báo miền Bắc háo địa danh nổi tiếng gần như đồng thanh ồ lên khi thấy một chiếc cổng đơn sơ làm bằng thân dừa chớm khô, trên đó tòng teng mảnh gỗ bào dối, kẻ lờ mờ dòng chữ xanh “U Minh Hạ”.

Sau một hồi dừng lại chụp ảnh kỷ niệm, xe chúng tôi tiếp tục trôi trên con đường nhỏ hai bên rậm rạp chỉ rặt một thứ cây mà miền Bắc gọi là doi, miền Nam kêu là mận. Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi dừng lại ăn trưa. Phía ngoài treo tấm bảng “Thiên Hương”, nhưng quán ăn này giống nhà của một người dân quá yêu thiên nhiên, không thể xa nổi những gì mình yêu quý nên cất nhà giữa rừng.

Một chiếc cầu bắc qua con lạch nhỏ thông với một khoảng chứa nước, gọi là ao thì hơi nhỏ, gọi là vũng thì hơi to, có lẽ tiếng “đìa” là đúng nhất. Xế cổng là chiếc chòi cao lênh khênh ghi chữ “Chòi để ngắm rừng”. Nhân viên phục vụ nhốn nháo mấy người nhưng rõ nhất là Nguyễn Thị Bé. Gọi là em thì hơi nhỏ, gọi là cháu thì hơi lớn.

Cô bé Bé lúc nào cũng mủm mỉm cười nhưng lại kiệm lời. Hỏi một chặp, nghe rủm rỉm thưa: “Con học lớp 9. Nhà con ở xã Nguyễn Phích cùng huyện U Minh, cách đây 15 cây số. Lúc rỗi con ra đỡ dì con bán hàng”.

Bùi Thanh Lâm, Phó Phòng Tổ chức Công ty Điện khí, người Tiền Hải (Thái Bình), gọi vanh vách những món mà nghe tên đã thấy rồn rột chất U Minh: Rắn vi cá, khô sặc, nhớ nhiều đọt choạng, bồn bồn!

Ngả mình trên võng, tôi thấy những mảnh trời xan mướt qua những tán lá rừng. Thiếu tướng Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân Đội Nhân Dân gõ khẽ vào vai tôi, hất đầu thì thào: “Bác xem kìa”. Một tổ chim khuyên rập rờn, vấn vít ngay trên chẽ ba cây đước đầu hồi nhà. Con chim mẹ đà đưa con sâu trên mỏ để bón vào ba cái mồm há hốc, ngúc ngắc của chim con.

Trong khi đó, đại tá - phóng viên Đỗ Nam Thắng mắc mồi câu thả xuống đìa, chưa đầy 15 phút đã giật lên hai chú cá đen sậm, to hơn bàn tay đàn ông. “Các chú uống chi để con lấy”, cô bé Bé rụt rè.

Nguyễn Huy - Giám đốc Công ty Khí đáp: “Mỏ quạ. Đến U Minh thì cứ thứ gì của U Minh là chơi. Cũng là để mấy bác nhà văn, nhà báo trẻ ra”. Một chai rượu đục lờ, trong đó lổn nhổn thứ quả đầu nhọn cong hình mỏ chim loại to, màu vàng nhạt. Thấy tôi muốn xem tận mắt trái có mỏ kia, cô bé Bé vội xuống bếp mang lên một chùm mỏ quạ chưa ngâm rượu.

Chúng tôi đang nghe ông chủ quán, một người vừa bước qua tuổi thanh niên, giảng giải về loại quả này, rằng “hái mỏ quạ lúc có trứng kiến thì mới tốt. Mỏ quạ không kiến thì chẳng khác rượu khoai. Ngâm rượu đủ 100 ngày, uống vào bổ đủ thứ”, thì chợt nghe rào rào như tiếng thanh tre gõ vào mặt nong úp ngược. Mưa từ đâu đổ ập xuống.

Lúc nãy trời xanh là thế, cao là vậy mà bây giờ đặc quánh những cụm mây xám xịt xoắn vào nhau, tưởng như sờ được. Thế rồi chỉ qua hai lượt chai rượu mỏ quạ lướt quanh mâm, tiếng sầm sập của mưa gõ trên mái dừa thưa dần, không gian bừng lên sáng rực thứ ánh sáng giống hệt ráng chiều trước cơn bão. Tiếng mấy con chim khuyên con ngóc cái đầu trọc húi qua bụng chim mẹ ríu rít kêu.

2. Người lái hô-bo tên Sút đưa đoàn chúng tôi đến Đất Mũi là một trang thanh niên có vẻ ngoài đặc trưng của người Cà Mau: Cao dong dỏng, da ngăm ngăm, ít nói nhưng đã nói là đến ngành đến rễ.

Rừng đước U Minh - Ảnh Lê Hoàng Vũ

Sông Ông Linh chảy dọc theo những xã nổi huyện Ngọc Hiển này hết ngã ba, lại đến ngã năm, ngã bảy, thành thử anh chàng Sút thả sức cho chiếc hô-bo bay lên, chồm xuống, ngả bên này lượn bên kia, nghiêng ngả trên mặt nước.

Mặt sông đã thẫm lại vì in hình những đám mây mang mưa xám xì, nặng trĩu, trôi dàn dạt trên đầu. Rồi thật thình lình, mưa quăng những làn đầu tiên còn thưa thớt, sau đó sầm sập trút. Mặt sông bỗng trở nên mênh mông một cách hoang vu. Mưa gội một lúc đủ để ướt tất cả người trong đoàn thì ngớt, cũng bất ngờ như khi bắt đầu.

Mặc dù đã đến Đất Mũi lần thứ hai nhưng khi đặt chân lên những bậc thềm xây như kiểu cầu ao làng dẫn lên mảnh đất này, tôi vẫn thấy lòng dạ nao nao một cảm giác khó tả. Chắc cũng có cảm giác giống tôi, nên khi đến gần cột mốc tọa điểm Đất Mũi, giọng tướng Phúc Nguyên trầm hẳn: “Giá ở chỗ này chọn nơi trang nghiêm nhất đặt một chiếc chuông.

Mỗi đoàn đến thăm lại thỉnh lên một hồi như để báo tin cho sông núi biết lại có thêm những đứa con về với Đất Mũi”. Ngót hai tiếng sau, nghe cô Nguyễn Kim Đính, nhân viên nhà hàng thủy tạ Đất Mũi, người bé nhỏ, giọng lanh lảnh ca bản vọng cổ “Áo mới Cà Mau”, có câu mở đầu “Là dân đất Việt thì dù ở đâu cũng muốn một lần về thăm Đất Mũi”, tôi chợt nhận ra sự tương khí tương cầu của con Lạc cháu Hồng khi đến với mảnh đất tận cùng của non sông mình.

Từ "vọng giác đài" nhìn về Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau đây! Mũi thuyền của Tổ quốc ta đây! Bây giờ, Đất Mũi nằm ở 8 độ 37 phút vĩ độ Bắc; 104 độ 43 kinh độ Đông, còn mươi năm sau, mấy chục năm sau, mảnh đất này khi tầng tầng lớp lớp những trái đước như hình chiếc đũa, hình mũi tên rụng, cắm thẳng xuống đất để mọc đủ thành rừng sẽ kéo Tổ quốc ta dài thêm, rộng thêm, thì không biết Đất Mũi sẽ ở kinh độ Bắc, vĩ độ Nam bao nhiêu.

Ấp Tái Sít, Xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển giờ đây có 40 hộ dân chuyên nghề đánh bắt cá ven biển, vài chục năm nữa chắc sẽ có thêm vài trăm hộ với đủ thứ nghề trên vùng Đất Mũi này. Cô Nguyễn Thị Minh Mẫn, nhân viên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau, vừa nhiệt tình dẫn chúng tôi đi khắp vùng Đất Mũi vừa giảng giải kỹ càng những thắc mắc của chúng tôi.

Cô bảo, từ năm 1995 đến nay, nhờ có cây đước, cây mắm mọc chêm vào lòng biển, Đất Mũi đã vươn ra biển thêm một cây số. Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng nói rõ thêm, cứ tính bình quân khoảng hơn 50 năm, Tổ quốc ta lại được bồi thêm một phần đất bằng nửa huyện Trần Văn Thời...

Chúng tôi trèo lên chòi cao được xây như kiểu vọng giác đài, ngắm biển, ngắm Đất Mũi, thấy sự ngút ngát, phóng khoáng của biển, sự lặng lẽ đang sinh chồi của đất.

Chợt nhớ đến lời của Phó chủ tịch Dương Tiến Dũng. Ông bảo, Ban quản lý đường Hồ Chí Minh đã thông báo, sẽ có mấy gói thầu trong tổng dự án để con đường xuyên Việt mang tên Hồ Chí Minh hoàn thành mục tiêu nối từ cột mốc số 0 - nơi có hang Pắc Bó đến thẳng Đất Mũi.

Lúc đó, chả cứ dân Cà Mau mừng vì mảnh đất tận cùng này chẳng những đẹp, thiêng liêng, mà còn sinh nhiều tài lợi bởi sự phì nhiêu và kỳ thú, mà dân cả nước cũng vui vì muốn đến với mảnh đất thân thương này sẽ thuận lợi hơn, bởi không bị cách trở ngày đường gang nước.

Tôi bâng khuâng nhớ đến câu ca trong bản vọng cổ về vùng Đất Mũi mà cô bé Kim Đính ngân nga: “Đất Mũi dệt những đường tơ. Ngày đêm để đợi để chờ để mong...”.


NGUYỄN HIẾU

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét