24 thg 3, 2013

Dấu xưa Cự Đà

Chỉ cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 20km, nằm trầm mặc bên bờ con sông Nhuệ hiền hòa, làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai) đã có lịch sử gần 5 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa của làng quê Việt.

Miếu Cự Đà

Đến Cự Đà, du khách bắt gặp đầu tiên là những gốc đa, gốc si già bên bờ sông Nhuệ. Cây đã đứng đó cả thế kỷ nay, che nắng để bọn trẻ đánh bi, đánh đáo trong những ngày Hè oi ả, tỏa bóng mát cho quán nước chè xanh của mẹ, của chị. Dưới ánh nắng sớm mai, cành lá rì rào trong gió, tiếng chim ríu rít trong không trung.
Mỗi góc sân, bờ tường, hiên nhà ở Cự Đà đều toát lên nét cổ xưa. Mỗi ngõ ở đây là một xóm, với những cái tên nghe rất lạ tai, như xóm Hiếu Đễ, xóm Con Cóc, xóm Quang Trung I, xóm Quang Trung II, xóm Đồng Nhân Cát... Chỉ cần bước qua chiếc cổng nhà, ta như lạc vào một không gian sống cùng cảnh tượng của thời xa vắng, của hoài niệm xưa.

Hiên cổng phủ đầy rêu xanh, cỏ dại, cùng với màu mốc mác, hoen ố lưu cữu từ hàng trăm năm qua. Trên các bức tường nhà, từng mảng vữa dần dần rơi xuống để lộ màu đỏ của những viên gạch cổ.

Mỗi con ngõ là một xóm nhỏ

Những ngôi nhà cổ ở Cự Đá được xây theo ba lối kiến trúc: Thuần Việt, kiểu Pháp, hoặc kết hợp cả hai. Đặc biệt, những ngôi biệt thự 2 tầng được thiết kế rất cầu kỳ với những nét chạm trổ tinh xảo, cùng với phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây, mặt tiền thường khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà lát gạch hoa.

Theo thống kê của xã Cự Khê, trước năm 1975, làng Cự Đà còn khoảng 100 ngôi nhà cổ, trong đó có 25 nhà theo kiến trúc Pháp, xây hai tầng. Số còn lại là nhà kết hợp Á - Âu hoặc mang nét kiến trúc đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ - còn gọi là nhà đại khoa.

Với những ngôi nhà kết hợp theo phong cách Á - Âu thì nét đặc trưng nhất có thể nhận ra là bờ tường hoa trước sân mang dáng kiến trúc vòm, còn nhà thì tầng 2 thường có ban công hóng mát, nhưng ở tầng 1 lại mang phong cách nhà ngói ba gian của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa.

Một con ngõ nhỏ cổ kính

Giữa làng có một cột cờ với cái bệ bề thế, được xây dựng từ năm 1929. Thời đó, làng nào có được cột cờ như vậy là hiếm lắm. Đến nay, đỉnh cột cờ vẫn tung bay cờ lễ hội làng. Năm 1929 cũng là dấu mốc làng Cự Đà chính thức có điện chiếu sáng.

Cự Đà có hai công trình công cộng khá độc đáo mà du khách có thể khó tìm thấy ở địa phương nào khác, đó là trụ sở HĐND và UBND xã Cự Khê, là hai ngôi nhà có niên đại gần 100 năm. 

Hai công trình này chính là nơi hội họp, giải quyết những công việc chung của làng từ trước Cách mạng tháng Tám. Rêu phong, mốc mác, hoen ố hiện hữu trên những bức tường, mái hiên đã biến các công trình này thành những chứng nhân lịch sử của một ngôi làng. 

Biệt thự cổ kiểu Pháp với họa tiết đắp nổi độc đáo

Cùng với cây cổ, nhà cổ, những di sản văn hóa vật thể khác như đình, đền, chùa, miếu ở Cự Đà cũng là những tài sản vô giá. Miếu Cự Đà còn giữ được một số hiện vật lịch sử có giá trị, như đôi kiệu có niên đại gần 300 năm, tương truyền là vật báu của vua Lê Cảnh Hưng.

Hoa văn rồng phượng được chạm khắc nổi trên tường miếu và cả trên chiếc kiệu thờ bằng đá. Miếu Cự Đà đã được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Dấu ấn đậm nét nhất ở chùa Cự Đà là những voi đá, nghê đá, rồng đá chầu trước sân, dưới bóng cây đa cổ thụ. Chùa còn có chiếc chuông cổ được treo dưới gác mái cong uốn lượn hình long phượng.

Cùng với làng cổ Đường Lâm, Cự Đà là ngôi làng có không gian văn hóa cổ tiêu biểu nhất vùng đồng bằng Bắc bộ còn sót lại đến ngày nay.

Cột cờ có từ năm 1929





NGUYỄN HẢO

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét