18 thg 3, 2013

Bàng Côn đảo: Nhân chứng lãng mạn

Dạo qua hàng loạt trại giam, chuồng cọp như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình..., ai ai cũng phải rùng mình trước những gì mà các chiến sĩ cách mạng từng phải gánh chịu. Và, những nhân chứng lâu năm nhất ở Côn Đảo, từng chia ngọt sẻ bùi cùng lớp lớp người dũng cảm nay vẫn hiên ngang vươn cao mình, tỏa rợp bóng khắp Côn Lôn: bàng.


Chỉ hơn nửa giờ bay từ TP. Hồ Chí Minh, trên cao nhìn xuống đã thấy “hòn ngọc” Côn Đảo rực rỡ tỏa sáng giữa đại dương thiên thanh.

Côn Đảo, hay còn được gọi là Côn Lôn, là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từng được người phương Tây biết đến từ rất sớm nhờ nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Á - Âu.

Từ sau năm 1940, Côn Đảo cảng trở nên “nổi tiếng” do người Pháp đã xây dựng ở đây một nhà tù, với các hình thức giam giữ, tra tấn hà khắc dành cho những tù phạm đặc biệt nguy hiểm của chế độ thực dân, trong đó có những người cộng sản ái quốc Việt Nam.

Rời sân bay Cỏ Ống, việc đầu tiên, như bao du khách từng đến đây, chúng tôi thành kính viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, nơi biết bao chiến sĩ đã kiên cường hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.

Mộ chị Võ Thị Sáu nhang khói lung linh, muôn bó hoa tươi xung quanh tấm bia người nữ anh hùng đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Cây lê ki ma bên cạnh ngôi mộ xanh tốt quanh năm, chắc muốn giống như tên tuổi bất diệt của chị...

Dạo qua hàng loạt trại giam, chuồng cọp như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình..., ai ai cũng phải rùng mình trước những gì mà các chiến sĩ cách mạng từng phải gánh chịu.

Và, những nhân chứng lâu năm nhất ở Côn Đảo, từng chia ngọt sẻ bùi cùng lớp lớp người dũng cảm nay vẫn hiên ngang vươn cao mình, tỏa rợp bóng khắp Côn Lôn - bàng. Đâu đâu cũng gặp dáng bàng xòe cành bung lá xum xuê.


Dọc đường Tôn Đức Thắng, bàng cổ thụ cây nào cây nấy gốc to hai - ba người giang tay ôm không xuể.

Đi trên đường phố Côn Đảo, cứ khoảng dăm phút lại gặp một “lão” bàng oai vệ. Quanh các trại giam, lớp lớp bàng thân xù xì, rễ quấn quít nổi hẳn lên mặt đất như bầy trăn khổng lồ.

Mỗi gốc bàng một hình dáng kỳ lạ. Nhặt lá bàng vàng, đỏ rơi đầy trên các lối mòn, chợt thấy nao nao khi tưởng tượng cảnh các tù nhân phải gom từng đống lá bàng về lót nằm cho đỡ lạnh; lúc đói phải hái lá bàng non để ăn; còn trái bàng là thứ thực phẩm quý giá nhất trong ngục tối.

Nay, thức này cũng trở thành một đặc sản của Côn Lôn. Cư dân ở đây nhặt từng trái bàng, đem phơi khô, chẻ ra để bóc lấy phần hạt ở chính giữa, rồi rang muối hay ngào đường.

Hạt bàng vừa béo, vừa bùi, lại có vị chan chát lạ miệng, là món quà mà du khách nào đến Côn Đảo cũng muốn thưởng thức và mua về làm quà.

Dù đã là một vùng đất du lịch từ lâu, nhưng các bãi biển ở Côn Đảo vẫn giữ được vẻ hoang sơ hiếm có.

Bãi Đầm Trầu là cả vòng cung nắng ấm chói chang, cát vàng óng ánh tương phản với cây cối xanh um phía sau lưng, sóng biển êm đềm xô bờ phía trước, không gian êm ắng, chỉ nghe tiếng nước rì rào, gió vi vu, chim líu lo vẳng xa xa.

Nước ở đây trong tới mức có thể nhìn thấy những con còng li ti chạy dưới chân.

Bãi Cựa Gà khung cảnh đẹp mê hồn: Cát trắng lóng lánh, bọt biển sủi bong bóng nhè nhẹ, rong biển mịn màng, nước tinh khiết, không gian hoang vắng như không phải chốn đời thường.

Đến bãi Nhát vào lúc chạng vạng tối, bạn có thể được tận hưởng thú vui hiếm có: xem thủy triều rút dưới ánh dương tàn, sóng biển dần lui ra xa để lộ mặt cát óng ả màu ngọc bạch sáng bừng.

Phút chốc, cả vùng biển lộ trơ đáy, chỉ còn những lạch nước.

Bì bạch chạy trên mặt cát êm như nhung, giữa mấy chú cá, tôm tội nghiệp không kịp thoát thân cùng nước, thật thú vị biết bao.

Ngồi trên tàu, chúng tôi lướt nhanh quanh các hòn đảo nhỏ. Rừng san hô dưới đáy đại dương quanh Hòn Tài lả lướt huyền ảo, đủ màu.

Trải tấm khăn dưới rặng cây trong khu rừng nhỏ trên đảo, tôi hết hồn khi một chú sóc đen tuyền hệt con chuột cống nhào tới đớp miếng bánh để gần đó rồi chạy mất dạng.

Những chú khỉ mặt đỏ mới dạn làm sao, chúng thản nhiên lấy táo, chuối mà chúng tôi vừa lấy trong ba lô ra, nhảy nhanh lên nhánh cây gần đó, ăn xong còn quăng vỏ lại chỗ chúng tôi ngồi...

Chiều dần buông, tàu chúng tôi cặp bờ hòn Bảy Cạnh. Hướng dẫn viên dặn kỹ, muốn xem rùa biển đẻ thì phải tuyệt đối im lặng. Tôi núp trong bụi lau gần đụn cát, quyết tâm ngắm cảnh rùa mẹ lâm bồn.

Con đường đẹp nhất Côn Đảo mang tên Tôn Đức Thắng với hàng cây bàng cổ thụ trên 100 tuổi xòa tán rợp mát quanh năm

Trăng chiếu sáng cả vùng biển bao la, gió thổi vù vù, sao lấp lánh trên cao, mười một giờ, một “chị” rùa to như chiếc thuyền thúng theo thủy triều đang dâng bơi vào bờ. Cách mép nước hơn 5 mét, nó dừng lại, dùng chân hất cát một hồi rồi im lặng.

Lát sau, lại thấy nó dùng hai chân sau lấp cát trở lại. Tôi chạy tới. Nghe tiếng động, “chị” rùa te tái chạy xuống phía nước.

Trước mắt tôi lồ lộ đám trứng tròn xoe, trắng hồng bé xinh. Tôi lấy tay rắc cát kín trứng, với hy vọng vài chục năm sau trở lại sẽ được ngắm bầy con của “chị” quay về nguồn cội sinh sản tiếp.

Chúng tôi rời Côn Đảo bằng tàu cánh ngầm. Từ cầu tàu, tôi ngoái đầu nhìn lần cuối các rặng bàng dập dờn - chứng nhân lịch sử, ngày ngày đón chào du khách...


DƯƠNG VĂN MINH LỘC

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét