31 thg 3, 2013

Người La Hủ - Bản năng sinh tồn nơi biên viễn

Pa Vệ Sủ trời mù sương và âm u nhưng không buồn bằng cái nghèo hiện diện nơi đây. Những "con sóc, con hổ” mạnh mẽ của rừng già nay quay quắt trong nỗi buồn của nghèo đói.


Xã Pa Vệ Sủ quản lý 14 bản, trong đó có 13 bản người La Hủ, một bản người Mảng. Nơi chúng tôi ghé thăm là bản Sín Chải A, được hình thành cách đây hơn 20 năm. Ban đầu chỉ là một bản, nhưng do địa hình hiểm trở nên để dễ quản lý, bản được chia ra làm ba bản nhỏ là Sín Chải A, Sín Chải B và Sín Chải C. Bản Sín Chải A hiện có 34 hộ dân với 120 nhân khẩu, 100% là người La Hủ.


Dù biết trước cuộc sống nơi đây nghèo nhưng cái nghèo quay quắt của người dân Sín Chải khó diễn đạt lạnh lùng bằng một từ "nghèo"! Nhà cửa được dựng đơn sơ bằng đất hoặc những mảnh ván ghép lại thậm chí bằng cả những phên nứa tre mỏng manh, khó chống chọi với cái giá rét mùa Đông, trên lợp mái tôn hoặc chỉ căng bạt.

Bản nằm trên địa hình đồi dốc nên từ nhà này qua nhà khác là những con đường đất nhỏ tự tạo gập ghềnh, có khi ranh giới giữa hai nhà chỉ là những tảng đá. Người dân bản rất lam lũ, quần áo rách rưới và cáu bẩn, tất cả con nít đều lem luốc, phần lớn ở truồng.

Người La Hủ hầu hết không biết tiếng Kinh nên trò chuyện với họ rất khó khăn, chúng tôi chủ yếu ra dấu và dùng nụ cười để biểu thị thiện chí.


Chúng tôi ghé vào thăm nhà của bốn chị em người La Hủ, các em nấp sau khe cửa, thỉnh thoảng nhoài người ra quan sát người lạ rồi lại thụt vào, miệng cười khúc khích. Giữa cái lạnh của núi rừng, chính nụ cười ấy đã xóa tan mọi khoảng cách giữa những con người xa lạ.

Cô chị ra dấu cho chúng tôi vào nhà, rồi chỉ vào các đồ vật trong nhà như muốn giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng. Trong căn nhà trống hoác, nhìn trước nhìn sau chỉ có mấy cái gùi, con dao.

Cuộc sống của những người thích du canh, du cư như La Hủ đơn giản như cây cỏ ngoài rừng. Họ chẳng cần thứ gì ngoài những thứ có thể ăn được... Bắt những bàn chân chai sần đã quen leo rừng, vượt núi ngồi yên là việc không dễ dàng. Nếu thấy đói họ lại vác dao vào rừng và đi, đi mãi không về...

Phó bản Kỳ Khu Xá giới thiệu rằng, người La Hủ còn có nhiều tên gọi khác như: Khù Xung, Cò Xung, Xá Lá Vàng, Kha Quy, Cọ Sọ, Nê Thú, từ hàng trăm năm đã sống rất hoang dã, chủ yếu dựa vào rừng núi.


Chính vì để có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt như thế, họ phải có sức khỏe và phát triển những kỹ năng đặc biệt để thích nghi. Đàn ông La Hủ có thể đi một ngày vài chục cây số đường dốc, lội suối để săn bắn và mang vác con mồi trở về.

Người La Hủ còn nhiều khả năng đặc biệt khác như: cảm nhận hướng gió, độ ẩm của không khí để dự đoán thời tiết; phân biệt được chính xác loại cây rừng nào có thể ăn được, các loại cây thuốc dùng để chữa bệnh, và nhờ thế họ mới tồn tại qua hàng trăm năm giữa thiên nhiên hoang dã. Được sinh ra trong điều kiện khắc nghiệt như thế nên chỉ những đứa trẻ thật sự khỏe mạnh mới có thể sinh tồn.

Là người nhiều năm gắn bó với nơi đây, Bùi Thế Hùng, một sĩ quan Bộ đội Biên Phòng, Phó đồn trưởng quân sự Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ, chia sẻ: "Điểm sáng lớn nhất trong văn hóa của người La Hủ chính là hôn nhân: những người cùng họ thì dù có ở khác bản vẫn không được lấy nhau. Chính luật lệ này đã giúp người La Hủ vừa duy trì nòi giống thuần chủng, vừa tránh được hôn nhân cận huyết gây nên các bệnh di truyền".


Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống ngày xưa, ánh mắt trưởng bản Vàng A Gớ hân hoan như nhớ lại một thời oai hùng. Ông kể, cách đây hơn chục năm, rừng còn nhiều thú lắm, cứ vào rừng săn là có ngay, gà rừng, lợn rừng, chồn, khỉ nhiều vô số kể.

Những trai tráng giỏi nhất làng còn săn được cả gấu. Phụ nữ thì hái rau rừng và đào, lượm các loại củ, quả rừng, trẻ em ra suối bắt cá. Nhưng nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm bởi sự khai thác vô tội vạ.

Vì thế, cái đói, cái nghèo đang hiện diện rõ nơi đây. Bòn nhặt đọt măng, bắp chuối cũng trở nên khó khăn và người dân chỉ biết chờ vào những đợt cứu trợ để có những bữa no.

Trong những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng Lai Châu, cụ thể là các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Pa Vệ Sủ ra sức vận động người dân bản chuyển từ hình thức săn bắt, hái lượm sang chăn nuôi, trồng trọt.

Trẻ em La Hủ

Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 10kg gạo/tháng. Sau nhiều năm nỗ lực, hiện nay, phần lớn người dân đã trồng rau, trồng thảo quả, nuôi heo và bán cho miền xuôi để phát triển đời sống. Đặc biệt, con trai của trưởng bản Sín Chải A đã đi học và làm y tá chữa bệnh cho dân bản.

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì dùng người La Hủ để dạy người La Hủ sẽ giúp họ tin tưởng và thay đổi nhanh chóng. Trẻ em cũng đã biết đến trường học.

Tuy vậy, cuộc sống ở bản vẫn còn rất nhiều khó khăn với 95% hộ nghèo đói và phần lớn trẻ em suy dinh dưỡng. Miếng ăn chưa đủ no bụng thì bao giờ cái chữ mới được vào đầu?

Có rất nhiều cảm xúc khi tìm hiểu về cuộc sống ở bản, nhưng có lẽ điều chúng tôi trăn trở nhất là trẻ em nơi đây. Hầu hết các em đều bị suy dinh dưỡng vì ăn uống không đủ chất và vệ sinh cực kỳ kém.


Em nào cũng có cái bụng ỏng vì đầy giun, sán. Do thói quen lâu đời cũng như hiểu biết còn hạn chế nên cha mẹ đều không để tâm đến sức khỏe con cái, thời tiết giá rét nhưng các em đều ở truồng.

Có những em tay chân bị vết thương lâu ngày không chữa nên dẫn đến lở loét. Nhìn những đứa trẻ có đôi mắt trong veo, ôm khư khư vỏ chai nước mốc thếch như một thứ đồ chơi, chúng tôi bỗng thấy day dứt và buồn vô hạn.

Đêm giữa núi rừng thời gian trôi thật chậm, trời càng lúc càng lạnh hơn, bếp lửa hồng bập bùng dường như không đủ xua đi cái giá rét ùa về len qua những khe nứa. Rồi điều không mong đợi đã đến, sấm đì đùng và trời đổ mưa như trút nước, chúng tôi cảm giác như có những trận đá dội lên mái nhà, gió thốc lồng lộng.

Lúc này, có những đứa trẻ trần truồng đang nằm co quắp trong những căn nhà trống hoác...


QUỶ CỐC TỬ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét