11 thg 3, 2013

Thăm bảo tàng Alexandre Yersin ở Nha Trang

Sự hấp dẫn của bảo tàng là những đồ vật phong phú về chủng loại nói lên sự thông thái, say mê nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của Alexandre Yersin. 

Ngược dòng lịch sử, tháng 7 năm 1891, chàng thanh niên người Pháp 28 tuổi Alexandre Yersin, đặt bước chân đầu tiên của mình lên bờ biển Nha Trang. Năm 1894, sau khi tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch tại Hồng Kông, A. Yersin trở lại Việt Nam và quyết định ở lại đây mãi mãi. Chỉ với vài con ngựa nuôi thí nghiệm ông là người đầu tiên chế tạo ra huyết thanh đặc hiệu chống lại căn bệnh nguy hiểm này, để từ đó năm 1895 đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu năm 1896, với mục đích nghiên cứu điều chế các loại vacxin và huyết thanh cho người và gia súc. 

Tượng Alexandre Yersin bên bờ biển Nha Trang 


Nằm trong khuôn viên Viện Pasteur, số 4 Trần Phú, Bảo tàng A. Yersin tọa lạc trên tầng hai ngôi nhà phía bên tay phải của Viện Pasteur, có diện tích khoảng 100m2, trong đó trưng bày một phần rất nhỏ đồ vật còn sót lại mà nhà bác học đã từng sử dụng, gần cả ngàn cuốn sách từ truyện “Nghìn lẻ một đêm” đến những tác phẩm văn học cổ điển của các tác giả nổi tiếng trên thế giới, được đóng gáy bìa cẩn thận, những bức thư viết tay của ông, những đồ vật của một con người thông kim bác cổ, một nhà bác học thông thái tất cả mọi lĩnh vực: y khoa, thiên văn, địa lý, kỹ thuật, nghệ thuật... 

Bảo tàng A. Yersin 

Sự hấp dẫn của bảo tàng là những đồ vật phong phú về chủng loại nói lên sự thông thái, say mê nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của chủ nhân. Từ những chiếc đồng hồ Leroy cổ xưa, ảnh chụp gia đình bác sĩ A. Yerin, các tư liệu bài báo, bút tích những bức thư, ăng ten phát tín hiệu morse, quả địa cầu, các dụng cụ đo điện, khoảng 500 tấm ảnh vừa trên giấy, vừa trên kính, các dụng cụ thí nghiệm... Và đặc biệt là chiếc kính thiên văn thật to ở góc trái căn phòng... Tất cả những đồ vật đó đã phần nào cho biết những hoạt động của ông khi sinh thời. 

Kính thiên văn trong bảo tàng 

Đồng hồ Leroy cổ xưa 

Đến Bảo tàng Yersin, ngoài việc nhìn ngắm những đồ vật đã từng gắn bó với người đã cống hiến đời mình cho khoa học mà còn để ngưỡng mộ cuộc sống của một con người vĩ đại mà đơn giản: vĩ đại về kiến thức nhưng đơn giản trong cuộc sống. Nhìn ngắm lại mô hình ngôi nhà cũ của ông, một ngôi nhà 3 tầng, 4 mặt đều có cửa, ta thấy được sự gần gũi của ông với cuộc sống người Việt Nam. Một ngôi nhà mà qua lời kể lại, ở đó ông đã cứu sống biết bao con người (Xóm Cồn) qua những cơn bão được ông đoán biết trước. Chính giữa bảo tàng là mô hình căn phòng ngày xưa ông đã sống, chiếc giường, tủ sách, tủ gương đựng quần áo, ghế mây, những đồ vật rất đời thường nói lên một cuộc sống khiêm tốn và giản dị. Trên chiếc bàn làm việc có một máy tính được sản xuất vào năm 1920. Nhìn những đồ vật trong căn phòng này người ta có thể phần nào tái hiện lại cuộc sống của một nhà bác học tại thời điểm đó với nhiều thích thú: những đồ vật rất hiện đại thời đó và để có một so sánh với bây giờ.... Những tấm hình trên kính nhìn qua một máy chiếu, có thể thấy lại những hoạt động của ông, từ ngôi nhà thật đến công việc chuyên môn của người bác sĩ, cuộc sống đời thường gắn bó với người dân Xóm Cồn, hình ảnh người Việt Nam thời ấy, cảnh vật, cây cỏ, chim muông, những giò phong lan thật đẹp, lạ. 

Mô hình tàu buồm 

Trước khi rời bào tàng, lật lại cuốn sổ vàng lưu niệm, trong đó có bút tích của du khách từ nhiều nước trên thế giới đã đến đây và ghi lại, với tâm tình rất chân thật xuất phát từ lòng yêu quý ông, sự ngưỡng mộ thật sự. Nhìn ngắm lại một lần nữa khuôn viên Viện Pasteur, có những cây Tra cổ thụ do chính Bác sĩ A. Yersin đem giống từ Pháp qua trồng, bức tượng xi măng màu đen được tạc vào năm 1972, nhìn xa xa khỏi khuôn viên Viện, bên kia đường là biển với những con sóng êm ả vào mùa hè, gầm thét trong mùa giông bão, những con sóng đã từng chứng kiến có một người bác sĩ hàng ngày ra vô nơi này để làm việc, nghiên cứu. Biển cũng khiến người ta nhớ lại một thời Nha Trang đã có những con sóng thần rất lớn, và trong những mùa giông bão ấy bác sĩ A. Yersin đã gần gũi với dân Xóm Cồn biết bao. 

Du khách thắp nhang tại bàn thờ A. Yersin 

Cũng còn thiếu sót nếu đã đến thăm nơi lưu giữ đồ vật của bác sĩ A. Yersin mà không đến thăm ngôi mộ của ông ở Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 km về phía Nam, nằm trên Quốc Lộ 1A. Đó là một khu vực đầy cây xanh, còn là nơi nuôi ngựa để làm vắcxin của Viện Pasteur. Con đường dẫn đến mộ ông có hàng cây bạch đàn hai bên, những cây cổ thụ lớn với dây leo chằng chịt. Khí hậu nơi này quanh năm mát mẻ, gợi tưởng con đường đi đến cao nguyên Lâm Viên - Di Linh mà ông đã tìm ra cách đây hơn một thế kỷ. 

Viếng mộ A. Yersin 

Nằm trên một ngọn đồi nhỏ, yên tĩnh, chỉ có tiếng gió thổi xào xạc, ngôi mộ A. Yersin thật nhỏ nhoi và khiêm tốn như cuộc đời của ông. Cạnh mộ có một miếu thờ, bên trong có bức hình của ông với bát nhang, bình hoa, tất cả tượng trưng một điều: ông đã sống, cống hiến, gắn bó với người Việt Nam và chọn nơi này làm quê hương cho đến cuối đời. Đứng trên đồi nhìn xuống xa xa là núi, bên dưới là những cánh đồng mía, cảnh vật yên tĩnh, chỉ có tiếng chim, cây lá cựa mình… Nơi đây yên nghỉ một con người vĩ đại với những thành quả to lớn để lại cho hậu thế, ngôi mộ thật nhỏ bé, cho chúng ta ngày hôm nay đến để tưởng nhớ, thắp cho ông một nén nhang.

Tấm lòng của A. Yersin đối với Nha Trang được thể hiện qua đoạn trích trong bức thư ông viết năm 1896 từ Nha Trang cho người bạn là E.Roux: “Hãy đến đây với tôi,ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”.


BÌNH AN

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét