11 thg 3, 2013

Làng gốm Bàu Trúc

Nghệ nhân Đàng Xem giới thiệu sản phẩm gốm của lò mình. 

Đến Ninh Thuận là vùng đất khô cằn, nhưng khách du lịch luôn có nhiều lựa chọn điểm đến cho những chuyến tham quan ngoài các ngày hội, tết của người Chăm ở các tháp Chàm cổ xưa như đồi cát Nam Cương, bãi biển NInh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, núi Chúa và cả những cánh đồng muối cổ xưa... Ngoài ra, đến mảnh đất “đầy nắng và gió” nầy ai cũng háo hức khám phá đời sống của cộng đồng người Chăm đông đảo ở đây. 

Có hai làng nghề của người Chăm nổi tiếng nhất ở Ninh Thuận là làng Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm và làng gốm Bàu Trúc. Làng gốm Bàu Trúc nằm cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 10 cây số về hướng nam. Từ quốc lộ 1 đi vào chẳng bao xa, khách sẽ thấy những ngôi nhà trồng hoa champa cùng những hàng chữ Chăm trên những bảng hiệu, những cửa hàng cùng những ngôi nhà Chăm. Tất cả nằm im lìm trong cái không gian nắng gió ngập tràn tưởng chẳng lấy gì làm thú vị, nhưng hấp dẫn nhất là trong cái không gian im ắng ấy ta thấy những tượng, những phù điêu, những bình, những độc bình, nhiều kích cỡ bày ngoài hiên nhà, chiếm gần hết diện tích bên trong nhà. Đây là những cơ sở sản xuất gốm của làng gốm Bàu Trúc. 



Sản phẩm gốm Bàu Trúc mang đậm sắc thái dân tộc Chăm. 

Làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm là Palei Hamu Craok) là một làng gốm cổ xưa, đến nay còn tồn tại và phát triển nên được xem như một bảo tàng sống của một loại hình nghệ thuật dân dụng truyền thống của người Chăm.

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có khoảng 400 hộ, trong đó có đến 85% hộ sống bằng nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Người làm gốm kể rằng, nghề gốm cổ truyền nầy có ông tổ là Poklong Chanh. Từ xa xưa, Poklong Chanh cùng vợ làm nghề nầy được một thời gian, nhận thấy tiềm năng phát triển nên truyền dạy cho dân chúng trong vùng kiếm sống đỡ vất vả hơn làm những nghề khác, nhất là những người không có một nghề nào trong tay. Từ đó đến nay, nghề gốm Bàu Trúc ngày càng phát triển. Để tưởng nhớ công ơn cao dầy của vợ chồng tổ nghề, dân làng gốm Bàu Trúc năm nào cũng tổ chức lễ cúng tế tạ ơn Poklong Chanh trùng dịp lễ hội Katê hằng năm.

Để làm gốm, người dân Bàu Trúc khai thác đất sét ở cánh đồng Hamu Craok và ra bờ sông Quao lấy cát vàng. Theo nhiều người, cát vàng sông Quao có nhiểu đặc điểm ưu việt mà không có loại cát nào sánh bằng, là được hình thành từ phù sa của con sông miền Trung nầy. Đó là loại cát vừa mịn vừa nhỏ như những hạt bột tinh tuyền. Còn đất sét đồng Hamu Craok thì thật dẻo. Đất sét được đập thật nhuyễn, ngâm nước, trùm ủ suốt một đêm, sau đó trộn với cát, tùy theo sản phẩm thực hiện. Dưới bàn tay điêu luyện nhiểu chục năm trong nghề, người thợ để cục đất sét trên trụ cây cao ngang thắt lưng, nắn đất thành từng vật dụng theo ý muốn. 

Thợ gốm không dùng bàn xoay mà vừa dùng tay nặn đất vừa đi lùi về sau quanh hòn đất đặt cố định. 

Điều hấp dẫn du khách nhất là công việc nắn gốm được tiến hành theo phong cách cổ xưa. Nghĩa là người thợ không dùng bàn xoay như nhiều nơi khác, trái lại họ vừa dùng tay nặn đất vừa đi lùi về sau theo vòng tròn quanh trụ cây cố định đặt cục đất. Người ta ví von công đoạn nầy là “nắn bằng tay xoay bằng đít”. Những sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi hoàn thành công đoạn thô được người thợ tô vẽ hoa văn trên thân. Các hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, hoa văn thực vật, chấm vỏ sò, bằng que cây, kể cả hoa văn móng tay, vân tay trên vai gốm rất mộc mạc, nhẹ nhàng, nhưng gần gũi. 

Chính vì làm gốm bằng tay nên mỗi sản phẩm là một sự khác biệt, không cái nào giống cái nào, gọi là “độc bản”. Đây là đặc điểm quý nhất của sản phẩm gốm Bàu Trúc. Gốm Bàu Trúc có các loại, chủ yếu là mô phỏng tháp Chăm và tượng Chăm, các vũ nữ Apsara, bình bông, ấm nước, nồi niêu, chum, vại...

Sau khi hoàn thành, tất cả sản phẩm được phơi nắng từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ. Tiếp theo nghệ nhân Chăm dùng mảnh sứ, nẹp tre cắt, gọt cho sản phẩm bóng láng. Bấy giờ sản phẩm được để trong mát khoảng 5 đến 6 ngày mới đem nung. Sản phẩm được chất chồng lên nhau trên khoảnh đất rộng của làng nghề. Chất hết sản phẩm, người ta chất cây khô rồi phủ rơm lên trước khi châm lửa đốt, với nhiệt độ từ 500 đến 600 độ C, trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau khi nung, gốm có nhiều màu sắc đa dạng, không cái nào giống cái nào, nổi bật là màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu..., những màu sắc độc đáo của dòng gốm Chămpa. Sản phẩm nào cũng bóng mịn và tùy theo nhu cầu, có cái, sau khi nung, sản phẩm được phun màu.

Đến với làng gốm Bàu Trúc, ngoài việc nhìn ngắm những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân dụng của bà con người Chăm Ninh Thuận, khách du lịch còn thỏa thích đến mê say khi được chiêm ngắm những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân cần cù tạo ra sản phẩm mỹ nghệ từ những hòn đất thô mộc, tưởng như vô giá trị.

Cúc Tần

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét