21 thg 10, 2012

Khám phá khu mộ cổ Đống Thếch

Nằm giữa núi rừng thâm u, những cột đá gần 400 năm tuổi vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Đó là điểm độc đáo của khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) - một “kho báu” mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường Động.


Các cột đá được dựng theo theo quy luật, ẩn dưới mỗi nấm mộ là những đồ tùy táng có giá trị khảo cổ học… - Ảnh: Tiến Thành


Có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để chỉ sự giàu có và độc đáo trên mỗi mảnh đất xứ Mường. Mường Động là một trong những mảnh đất ấy. Với đam mê khám phá những vùng đất mới, từ Hà Nội, theo quốc lộ 21B chúng tôi đi ngược lên huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình - cái nôi trung tâm của văn hóa Mường Động.


Cung đường đèo dốc với độ gập ghềnh, hiểm trở khiến sau gần 3 giờ cả nhóm mới tới nơi. Ấn tượng dọc đường là hình ảnh tuyệt đẹp của con sông Bôi mùa cạn với những tảng đá núi nhấp nhô khỏi mặt nước xanh thẳm, hai bên đường lơ thơ những cây phượng hình dáng kỳ lạ... Thi thoảng làn gió đông thổi mạnh càng gợi nên cảnh sắc thanh bình, thâm u của chốn sơn cước.


Khung cảnh thơ mộng của con sông Bôi giao hòa núi non, đất trời - Ảnh: Tiến Thành


Đến đất Kim Bôi, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, không khó để chúng tôi tìm được vị trí của khu mộ cổ Đống Thếch. Tấm bia chỉ dẫn khu mộ bằng đá lấm láp bụi đất và cỏ dại ven đường. Men theo con đường đất nhỏ, “thánh địa” của nhà lang thoáng hiện dần giữa ruộng ngô xơ xác sau vụ thu hoạch.

Những cột đá tảng, cái cao lênh khênh, cái thấp lè tè, tròn hoặc dẹt cắm quanh những ngôi mộ. Trước đây khu này rất rộng với hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn cột đá xanh được chôn xung quanh mỗi mộ giống như một rừng đá. Những cột đá xanh được lấy từ Thanh Hóa, cột đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m.

Tất cả được dựng theo hình tròn có quy luật, ẩn dưới mỗi nấm mộ là những đồ tùy táng có giá trị khảo cổ… Phía đầu mộ chôn ba khối đá cao to nhất thành một hàng, phía chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn, thấp hơn đối xứng với đầu mộ. Cách bố trí của những cột đá có thể liên tưởng đến những bức tượng moai trên đảo Phục Sinh (ở Chile), có điều những cột đá ở đây không được tạc đẽo thành tượng hình người.

Soi xét kỹ từng cột đá khổng lồ, chúng tôi còn thấy những dòng chữ nho vuông vức hằn in trên mặt đá.

Toàn cảnh khu mộ cổ Đống Thếch - Ảnh: Ngọc Thắng


Đem bức hình chụp mặt đá và hỏi người biết chữ Hán - Nôm, mới biết nó giống như một văn bia ghi lại công trạng của quận công Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính.

Nội dung văn bia tạm dịch là "Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13-10-1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22-2-1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...".

Lật giở kho sử người Mường, người có công dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Do có công với triều đình nên ông đã được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động, một trong những phên dậu phía tây bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nổi bật trong dòng họ Đinh có Đinh Công Kỷ, một vị tướng giỏi của vua Lê, được phong tước quận công.

Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ danh giá này đã xây dựng mộ đá để mong tên tuổi các vị sẽ trường tồn cùng tuế nguyệt.


Chữ nho trên một cột đá ghi lịch sử, công trạng của dòng họ Đinh Công - Ảnh: Tiến Thành


Khu mộ cổ Đống Thếch ngày nay vẫn còn giữ vị trí độc đạo như xưa, với thế rồng cuộn, hổ ngồi, đầu hướng lên trời, thân gối vào núi. Chỉ tiếc hàng trăm gốc cây cổ thụ đã không còn, thay vào đó trong khuôn viên rộng 3 ha của khu di tích là những ruộng ngô, sắn do người dân đang tự ý canh tác…

Ngậm ngùi cho báu vật đang “ngủ quên” bên cánh rừng đại ngàn trước mặt, chỉ mong sao một ngày gần nhất khu mộ cổ Đống Thếch sẽ sớm trở thành điểm đến nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử, khoa học trên cánh cung du lịch phía đông của tỉnh Hòa Bình, xứng đáng là “thủ phủ” của xứ Mường.

Năm 1997, khu mộ Đống Thếch được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật dưới mộ, đáng chú ý, những chiếc trống đồng loại nhỏ có niên đại từ thế kỷ 2-12 cùng nhiều đồ gốm sứ có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc có niên đạ từ thế kỷ 11-16.
Điều này đã khẳng định sự giao lưu, buôn bán của người Mường Động đã phát triển thịnh vượng và mở rộng giao thương với nhiều nước trong khu vực.

TIẾN THÀNH - NGỌC THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét