21 thg 10, 2012

Chơi núi Bà Đen



Núi Bà Đen nhìn từ bãi đậu xe dưới chân núi. Ảnh: Anh Việt

Về miền Đông Nam bộ, đi trên tuyến quốc lộ 22 (đường xuyên Á) đến Gò Dầu rẽ phải (22B) chừng 36 ki lô mét sẽ đến thị xã Tây Ninh. Từ đây du khách có thể viếng thăm nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng. Danh thắng núi Bà Đen cao 986 mét cách thị xã Tây Ninh 11 ki lô mét về phía đông bắc, nằm sừng sững giữa đồng bằng mênh mông, nhìn từ xa như một chiếc nón lá úp khổng lồ.

Mua vé vào cổng 15.000đ/người, du khách bắt đầu đi lên núi theo những bậc tam cấp đá. Đường lên núi quanh co, khúc khuỷu nhưng thoáng mát, khá dễ đi so với mươi năm về trước. Hồi ấy, du khách và người hành hương phải đi theo những lối mòn nhỏ, hiểm trở. Dọc đường lên núi, ta sẽ gặp nhiều khe nước nhỏ trong veo chảy róc rách, len lỏi qua những cánh rừng có rất nhiều hoa dại tuyệt đẹp. Du khách sẽ ngạc nhiên khi gặp những bụi “tre khổng lồ” cao có đến 50 mét, cành lá sum sê, xanh mướt với những lóng to bằng bắp vế người lớn, dài gần 1 mét. Có những cây long não, mét, dầu lông, xoài mút vòng tròn gốc to đến vài người ôm!



Lối đi bộ lên núi Bà. Ảnh: Anh Việt

Quần thể di tích núi Bà Đen trải rộng 24 ki lô mét vuông, gồm ba ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng và núi Bà Đen (còn gọi là núi Lớn). Sau chừng hơn một giờ leo núi du khách sẽ quên đi những mệt mỏi khi đến được chùa Điện Bà. Ở đây vào các ngày rằm lớn, lễ tết cảnh quan rất nhộn nhịp với hàng ngàn khách hành hương cúng bái, khói nhang nghi ngút... Đi vòng ra sau chùa, có lối lên núi, lần lượt ta sẽ đến chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà ...

Truyền thuyết kể rằng ,vào cuối thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vì nghĩa lớn nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường gia nhập nghĩa binh Nguyễn Huệ. Lý Thị Thiên Hương là cô gái đẹp người, đẹp nết có làn da bánh mật. Cô ở nhà sống giữa bọn cường hào, ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, để giữ tiết hạnh nên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho vị sư trụ trì chùa. Người ta đã tìm được thi thể của cô đem về mai táng. Tin này dần lan rộng ra và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái, cầu nguyện, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để thờ “Bà Đen” cho đến ngày nay.

Ở lưng chừng núi, có hang ông Hổ với hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau. Hố Bảy Ngày bí ẩn sâu thăm thẳm, hun hút! Những thắng cảnh như suối Vàng, hồ Chằm, đền thờ Ông Lớn Trà Vong ... tất cả nằm gần nhau trong khu vực thung lũng có tên gọi rất ấn tượng là Ma Thiên Lãnh tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ giữa đồng bằng.

Điện thờ Bà trên lưng chừng núi. Ảnh: Anh Việt

Lễ hội núi Bà Đen hàng năm diễn ra vào tháng Giêng, tưng bừng và nhộn nhịp. Có hàng triệu lượt khách từ nhiều miền đất nước đến đây hành hương, du lịch trong suốt mùa xuân từ sau tết Nguyên đán. Đến tháng 5 âm lịch, vào các ngày mồng 5 và mồng 6, ở núi Bà Đen có hội Vía Bà với nhiều nghi thức tế lễ trang nghiêm và hoành tráng. Vào các ngày 14, 15, 16 tháng Tám âm lịch ở núi Bà Đen còn có lễ hội rước “Mẹ” rất long trọng và hoành tráng. Du khách từ khắp mọi miền đất nước về đây rất đông.

Núi Bà Đen còn là nơi từng diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt trong thời chiến. Nhiều chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh trên ngọn núi nhiều huyền thoại nầy. Ngày nay trên đỉnh núi có nhà tưởng niệm và tượng đài “Dũng sĩ núi Bà Đen” uy nghi , hùng tráng.

Lên núi Bà Đen du khách có thể chọn trong ba cách di chuyển thuận tiện nhất. Có thể lúc lên núi, ta đi bằng cáp treo với giá 35.000đ/vé cho một lượt khách, khi xuống thả bộ. Hoặc có thể ngược lại, đi bộ lên và xuống bằng cáp treo. Một phương tiện khác rất thú vị là lên và xuống bằng máng trượt tạo cho du khách cảm giác mạnh lúc qua những khúc cua nghiêng và gắt. Với các phương tiện nầy, du khách sẽ có dịp thưởng thức những cảnh quan tuyệt đẹp trên đường lên, xuống núi.

Chơi núi Bà Đen xong, nếu không chủ động phương tiện trên đường về Sài Gòn, du khách có thể tìm đến một quán ăn nào đó tại thị xã Tây Ninh để thưởng thức món đặc sản bánh canh Trảng Bàng nức tiếng từ lâu. Bánh canh Trảng Bàng ngày nay đã trở thành một sản phẩm, một thương hiệu hấp dẫn với khách du lịch bốn phương. Tất nhiên, nếu có xe riêng, thuận tiện thì khách nên ghé vào phố huyện Trảng bàng để thưởng thức món bánh canh này và món bánh tráng phơi sương độc đáo của vùng này.

Để làm hoàn chỉnh món bánh canh, phải qua những công đoạn khá công phu. Đầu tiên, nguyên liệu bánh canh phải được làm bằng loại gạo ngon được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn, ép trong túi vải hoặc có thể quay ly tâm để lấy tinh bột. Sau cùng, tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt.

Phần làm nên hương vị chủ yếu của bánh canh là nước lèo. Nước lèo được nấu bằng xương heo, lòng heo với tôm khô lạt bỏ vào bọc, chỉ lấy nước cốt. Nước lèo được nấu trước đến khi xương ra hết chất ngọt trong tuỷ mới thôi.

Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách thường trông rất bắt mắt cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Trong tô bánh canh có thể có thịt khoanh giò xắt mỏng và lòng heo đủ bộ tim, gan, cật, lá lách… Nước lèo bốc khói được rưới lên, sau đó cho hành lá xắt hột lựu cho vào cùng chút ít tiêu. Chanh với ớt hiểm xanh được đem ra kèm theo với tô bánh canh. Nước chấm là nước mắm nguyên chất thơm ngon hoặc muối ớt đã làm vừa ăn.

Sợi bánh canh mềm, thịt khoanh giò, thịt lòng heo ngọt, hơi beo béo, nước lèo đậm đà, thơm lừng, tiêu cay cay, ớt hiểm xanh the miệng, muối ớt cùng nước mắm mằn mặn, sẽ làm bạn thấy khoái khẩu và thoả mãn với tô bánh canh ngon tuyệt nhưng giá cả khá bình dân bán khắp nơi ở Tây Ninh.

Cáp treo lên núi Bà Đen. Ảnh: Anh Việt


Anh Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét