24 thg 2, 2013

Bước chân lên đỉnh Hòn Bà

Với khí hậu quanh năm mát mẻ, Hòn Bà (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “Đà Lạt của thành phố biển”. Chinh phục đỉnh Hòn Bà ở độ cao hơn 1500m, đường dốc quanh co, sương mù dày đặc, du khách cảm nhận được sự hùng vĩ, hiên ngang của đất trời.

Cách thành phố biển Nha Trang khoảng 60km về phía Nam, Hòn Bà có khí hậu quanh năm mát mẻ. 6h30 sáng, chúng tôi bắt đầu chinh phục đỉnh núi Hòn Bà. Đường lên đỉnh núi quanh co, thăm thẳm. Đi trong nắng lung linh và những con đường uốn lượn, chúng tôi dừng chân bên suối Đá Giăng, nơi còn rất hoang sơ với những khóm đá lô nhô, những hồ chứa nước và những con suối nhỏ. 



Hòn Bà giống như một nàng tiên ngủ trong rừng quanh năm mây phủ.

Sáo của người Thái

Trong kho tàng nhạc cụ âm nhạc các dân tộc Việt Nam, chiếc sáo (pí) từ lâu đã được biết đến là nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái ở Sơn La.

Theo truyện dân gian dân tộc Thái để lại, vào những đêm trăng sáng, các chàng trai, cô gái Thái tuổi 16 đến 20 thường giao lưu văn nghệ, hát giao duyên. Tan hội, chàng trai tự tìm đến nhà cô gái mà mình thích để tỏ tình thông qua tiếng pí. Chàng trai thổi đến khi nào trong nhà cô gái không ai còn thức, lúc ấy mới dùng que chọc đúng vào chỗ ngủ của cô gái, đánh thức cô gái dậy để tâm sự. Các đêm tiếp theo, chàng trai dùng chiếc pí để thổi gọi người yêu, nhiều lần nghe thành quen nên mỗi lần nghe thấy tiếng sáo, cô gái dậy mở cửa cho người yêu vào nhà và ngồi tâm sự đến sáng. Từ đó, pí trở thành nhạc cụ không thể thiếu đối với các chàng trai, cô gái Thái.

Pí của người Thái làm từ trúc, rất đa dạng về chủng loại.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều dạng địa hình gồm cả đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng.

Được thành lập từ năm 1978 với tên gọi “Khu rừng cấm Bình Châu” với mục đích bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, là nơi cung cấp, cư trú cho các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN thế giới.

Đứng từ ngọn hải đăng Ba Kiềm cao nhất trên đỉnh núi, chúng tôi phóng tầm mắt ra bốn phía. Trước mặt là con đường ven biển cong hình lưỡi liềm đẹp mắt. Phía sau là ngút ngàn màu xanh của cây rừng trùng điệp trải dài trên ranh giới hành chính gồm 4 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Phước Thuận và thị trấn Phước Bửu. Do địa hình tương đối bằng phẳng, thoai thoải đổ vào trung tâm nên tạo thành 4 vùng địa hình khác nhau. Vùng bằng phẳng chiếm diện tích 9.902 ha, trải rộng từ phía Bắc đến phía Nam. Ở phía Tây có một vài ngọn núi cao từ 100 đến 150 mét và những quả đồi thoai thoải xen lẫn với những bàu nước ngọt tự nhiên. Tổng diện tích của vùng có địa hình đồi khoảng 350 ha. Vùng cồn cát ven biển có diện tích khoảng 940 ha, chạy dọc trên 17 cây số bờ biển. Vùng bưng bàu, hồ nước diện tích khoảng 200 ha, nằm rải rác trong Khu bảo tồn. 

Toàn cảnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. (Ảnh: Nguyễn Luân)

"Vịnh Hạ Long" trên núi

Lâu nay, vùng Tây Bắc Việt Nam nổi danh với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó Thung Nai (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nằm trong danh sách ấy. Với vẻ đẹp kỳ thú, Thung Nai được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu mến gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi".

Từ thành phố Hòa Bình, theo một con đường đèo quanh co khoảng hơn 20km, Thung Nai hiện ra trong sương sớm với vẻ đẹp huyền ảo hiếm có. Giữa những đỉnh núi cao hiểm trở, một vùng nước rộng lớn mở ra trước mắt, lại kỳ ảo hơn với những hòn đảo nhỏ nhấp nhô trên sóng nước.

Với hệ thống núi đá vôi rất đặc trưng của Hòa Bình, khi ngập nước, Thung Nai chẳng khác nào một Hạ Long thu nhỏ.

23 thg 2, 2013

Vẻ đẹp đình Chu Quyến

Thuộc địa phận xã Chu Minh, huyện Ba Vì, đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ, được xây dựng từ thế kỉ XVII, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi.

Lâu nay, đình Chu Quyến được mệnh danh là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài, thuộc làng Chu Quyến, một ngôi làng hiền hòa nằm ven đê sông Hồng. Đình Chu Quyến thờ Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang. Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình có nhiều đặc trưng của một ngôi đình truyền thống Việt Nam như mặt bằng hình chữ nhật, cấu trúc bộ khung bằng gỗ, sàn gỗ nhiều cấp... Đồng thời, đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc.

Về kiến trúc, đình Chu Quyến được thiết kế gồm một tòa đại đình hai gian, ba chái trông sừng sững và bề thế, không có công trình phụ trợ, bổ sung nào. Mái đình xoà rộng lan xuống thấp tạo vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong lên làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày. Trong đình có sân gỗ, chia làm 3 lớp để phân ngôi thứ vào những ngày việc làng thuở trước. Xung quanh đình có tường gạch che gầm sân, có trổ các ô hình chữ nhật ở hàng lan can gỗ. Gian giữa có gian thờ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng…

Đình Chu Quyến có kết cấu khung gỗ chồng rường với đầy đủ sáu hàng cột, đối xứng nhau qua trục dọc nhà. (Ảnh: Trần Huấn)

Chơi biển bãi Dài

Biển bãi Dài có mực nước cạn và rất sạch. Ảnh: Khuê Việt Trường


Đi hết đoạn đường đèo uốn lượn bám theo sườn núi sát biển từ Nha Trang vào sân bay Cam Ranh rồi rẽ trái vào con đường đất nhỏ chừng vài trăm mét sẽ gặp rất nhiều bãi giữ xe, là bạn đã tới bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đó là một bãi cát trắng mịn dài gần 9 cây số ôm vòng cung vùng biển nước nông và sạch.

Bãi Dài nhộn nhịp từ năm 2004, sau khi có con đường ven biển nối trực tiếp thành phố Nha Trang với bán đảo Cam Ranh. Cùng thời điểm ấy, tỉnh Khánh Hòa đã có đề án quy hoạch vùng khai thác du lịch trọng điểm phía nam Khánh Hòa tại bãi Dài, với tổng diện tích khoảng 200 héc ta. Theo đó, tại đây sẽ hình thành các cụm du lịch sang trọng với những khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. 

Tháp cổ Ponagar

Được xây dựng từ thế kỷ VIII, Khu di tích Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một trong những quần thể kiến trúc tiêu biểu của nền văn hóa Chăm Pa và gần như còn nguyên vẹn qua thời gian… 

Bên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc, Tháp Bà Ponagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi, sát cửa sông Cái. Tổng thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar bao gồm 3 tầng, trong đó, tầng thấp, ngang bằng mặt đất là ngôi tháp cổng nay không còn nữa. 
Trước cửa tháp là 2 hàng 10 cột lớn và 2 cột nhỏ hai bên. Chính giữa đặt một bàn thờ, bát hương, nơi từng diễn ra các hoạt động múa hát của người Chăm cổ vào mỗi dịp hội hè, lễ tết. Tầng giữa gọi là Mandapa với ý nghĩa là nhà khách, dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật và sửa soạn trang phục trước khi làm lễ chính thức ở tầng trên. Tầng trên là nơi các ngọn tháp được xây dựng, nổi bật nhất là Tháp Bà Ponagar, bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo, bên trong có tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.

Quần thể Tháp Bà Ponagar.

Đến Sài Gòn thăm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm trong hệ thống các công trình kiến trúc đẹp và nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), Bảo tàng Tp.HCM tọa lạc tại 65 Lý Tự Trọng, quận I là một công trình nghệ thuật đặc sắc với cái dáng vẻ trầm mặc, cổ kính.

Bảo tàng Tp.HCM là một trong 5 bảo tàng tiêu biểu được công bố trong danh sách “Tp.HCM - 100 điều thú vị” với phong cách kiến trúc đặc sắc, kết hợp Á - Âu. Nơi đây trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật quý về lịch sử Sài Gòn xưa, giai đoạn lịch sử kể từ khi Việt Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày nay và là một địa chỉ tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Được xây dựng từ năm 1885 đến 1890 do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế, mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Tuy nhiên, đây lại là nơi chứng kiến biết bao lần đổi chủ với những biến cố lịch sử kể từ khi toà nhà được hoàn thành cho đến năm 1975. Có thể nhắc đến thời điểm tháng 9/1945, đây là nơi tướng Nhật Yoshio Minoda đã trao kiếm đầu hàng quân Đồng Minh. Sau ngày giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước 30/4/1975 ít lâu, ngày 12/8/1978, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Tp.HCM. Ngày 13/12/1999, tòa nhà được đổi tên thành Bảo tàng Tp.HCM cho đến hiện nay.

Bảo tàng Tp.HCM là nơi trưng bày các hiện vật và tư liệu về sự hình thành, lịch sử đấu tranh và phát triển của Tp.HCM.

Nghề làm giấy của người Mông

Giấy được dùng rất phổ biến trong đời sống người Mông nhưng thường chỉ để dùng trong các hoạt động phục vụ tín ngưỡng vào mỗi dịp hội hè, lễ Tết. 

Người Mông có chữ viết riêng được soạn thảo theo bộ vần quốc ngữ nhưng họ không viết chữ lên giấy bản truyền thống. Giấy thờ, giấy cắt vào dịp Tết, dịp lễ... tất cả đều là thông điệp cầu mong những điều tốt lành, may mắn của người sống gửi tới Tổ tiên, thần linh. Người Mông quan niệm, nếu muốn những lời cầu khấn thành kính mau linh nghiệm tốt nhất là dùng giấy truyền thống do chính tay mình làm. Với quan niệm đó, ở chợ phiên lúc nào cũng có những gian hàng bán giấy bản, nhất là vào dịp Tết, ai đến chợ cũng thường ghé qua đây, mua một xấp giấy mang về nhà trang trí hay dùng cho những việc đầu Xuân, năm mới. 

Người Mông lột vỏ cây giang non làm nguyên liệu làm giấy truyền thống. 

Du ngoạn cảnh quan núi lửa Lý Sơn

Ít ai biết rằng huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi có lịch sử hình thành thời tiền sử lại trên 5 ngọn núi lửa. Cho đến ngày nay, những cảnh quan mà 5 ngọn núi lửa đã tắt này để lại là những thắng cảnh tuyệt tác thu hút du khách vượt sóng nước đến chiêm ngưỡng, khám phá. 

Nếu nhìn từ đất liền ra vào một ngày đẹp trời, có thể thấy Lý Sơn kiêu hãnh vươn ra biển với hình một hình chóp nhô lên, đó chính là đỉnh núi Thới Lới. Trong 5 ngọn núi hình thành nên đảo Lý Sơn thì núi Thới Lới được xem như núi toàn đá. Sau một hồi chạy theo con đường bò quanh núi, chúng tôi đã đứng trên đỉnh Thới Lới quan sát bốn phương, tám hướng. Cánh đồng tỏi Lý Sơn nổi tiếng chia ô, phân thửa như bàn cờ. Phía xa, xanh ngắt một màu biển, tô điểm thêm một vài con thuyền hối hả lướt sóng ra biển Đông đánh cá.

Núi Giếng Tiền nhìn từ đỉnh Thới Lới.