18 thg 2, 2013

Gành đá Lộ Diêu

Không được nhiều khách du lịch biết đến như gành Đá Đĩa hay di tích Vũng Rô của Phú Yên, nhưng vùng biển thuộc thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng là một địa danh nổi tiếng trong thời chiến tranh với những chuyến tàu Không số cập bến Lộ Diêu với sứ mệnh chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường khu 5. Ngày nay, gành đá Lộ Diêu là điểm đến hấp dẫn dân du lịch bụi bởi khung cảnh thơ mộng của gành đá hoang sơ.

Quá trình hình thành và mài mòn của tự nhiên đã biến các gành đá nơi đây thành nhiều hình thù kỳ thú và lạ mắt.

Thủy Đài Sơn và huyền thoại về phong thủy

Trứng đá Thủy Đài Sơn. Ảnh: Mai Lý 

Thất Sơn hay Bảy Núi là tên gọi chung của vùng núi phía tây nam, cận biên giới Campuchia, thuộc các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Vùng Thất Sơn có đến gần 40 ngọn núi lớn nhỏ. Nhưng tiêu biểu nhất là bảy ngọn: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngoạ Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Thủy Đài Sơn (núi Nước). 

Thủy Đài Sơn là ngọn núi nhỏ nhất trong Bảy Núi, chỉ cao chừng 54 mét, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách tỉnh lộ 955B và núi Tượng khoảng 600 mét, thuộc địa phận thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thủy Đài Sơn gắn liền với những huyền thoại trong dân gian về phong thủy của đất phương Nam. 

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây

Chùa Pitu Khôsắ Răngsây, nhìn từ hồ Xáng Thổi vào đêm thứ Bảy hàng tuần. 

Đối với cộng đồng người Khmer, do nhu cầu tôn giáo là chỗ dựa tinh thần nên hầu hết ở các địa phương có người Khmer sinh sống thì ngôi chùa là nơi lưu giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer. 

Chùa còn là bộ mặt, là niềm tự hào về những tinh túy trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng đó, là một thiết chế xã hội không thể thiếu của người Khmer cho dù cư dân ở đó nhiều hay ít. Chính vì yếu tố đó mà chùa Khmer luôn được xây dựng trong môt không gian đẹp, được trang trí tươi sáng, rực rỡ với nhiều màu sắc và bao hàm các yếu tố mỹ thuật tinh xảo.

Khách nhà sàn

Với người Thái ở Tây Bắc, từ “khách nhà sàn” dùng để chỉ những người khách quý, họ hàng ở bản xa đến chơi nhà. Nhưng, riêng người Thái ở Bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) từ cửa miệng “khách nhà sàn” như dùng để chỉ một sản phẩm du lịch độc đáo chỉ nơi này mới có.

Có lẽ vì thế, khi chúng tôi đặt chân đến nhà sàn của anh Hà Văn Minh lần đầu đã có một cảm giác quen thuộc. Sàn nhà được dát bằng tre rộng mênh mông, đệm gối sắp đều tăm tắp. Đây là gian nghỉ ngơi của chúng tôi vào buổi đêm. Dưới gầm sàn là nơi để ngồi ăn cơm, uống trà. Anh chủ nhà vừa rót ly trà nóng vừa bảo: “Nấu cơm cho hai người, nếp Mai Châu, luộc con gà, làm bát canh cá chép măng chua nhắm rượu với thịt trâu gác bếp nhé ?”, chúng tôi đã ứa nước miếng.



Nhà sàn ở bản Lác được ví như những “Hotel” giữa núi rừng, rất thích hợp cho các kỳ nghỉ cuối tuần.

Hải đăng Kê Gà

Nằm trên đảo Kê Gà, cách đất liền khoảng 300 mét, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, có một ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Đông Nam Á.

Đảo Kê Gà (còn gọi là Khe Gà), tục gọi là hòn Bà, rộng khoảng 5ha với hàng trăm cụm đá hoa cương khổng lồ, vàng rực, muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây hoa sứ (cây đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Những người gác đèn biển ở đảo Kê Gà kể lại rằng, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đảo Kê Gà được coi là một vị trí cực kì hiểm yếu trên tuyến đường biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Nhiều tàu thuyền khi đi qua khu vực này thường bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài khi đi qua đây, năm 1897 người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng trên hòn đảo này một ngọn hải đăng lớn. Năm 1899 ngọn hải đăng được xây xong và đến năm 1900 thì được đưa vào sử dụng.

Với dáng đứng mạnh mẽ, hải đăng Kê Gà như khẳng định vị thế của một ngọn hải đăng cổ xưa và cao nhất Đông Nam Á.

Xanh ngắt Vườn Xoài

Khu Du lịch Sinh thái Vườn Xoài (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) những ngày cuối tuần thu hút rất đông du khách. Như một làng quê nông thôn Việt Nam, Vườn Xoài nằm yên bình, xanh ngắt trong lòng thành phố công nghiệp năng động Biên Hòa. Nơi đây đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tạm quên cái ồn ào của phố thị để hòa mình vào thiên nhiên.

Đến Vườn Xoài vào một ngày nghỉ cuối tuần để hưởng trọn cái không khí mát lành làm cho du khách thích thú dù hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến đây hơn ba mươi cây số. Con đường trải nhựa trước cổng Khu Du lịch Sinh thái Vườn Xoài vẫn còn hoang vu với cây cối xanh um khiến du khách càng tò mò khi trước đó giọng nói của cô hướng dẫn viên du lịch trong điện thoại vang lên: “Chỗ này phong cảnh hữu tình, các anh chọn nơi đây là tuyệt vời nhất rồi đó”.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào bên trong Vườn Xoài là lối kiến trúc đậm chất cổ xưa giống như một vườn thượng uyển. Con đường Trạng Nguyên thẳng vào hồ Hương Giang với dãy hiên phủ ngói hai bên treo những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Chạy dọc theo các con đường trong khu du lịch là những hàng cây cọ dầu thân to đều. Chung quanh khuôn viên, những ngôi nhà giả cổ xây theo kiểu nhà vườn Nam Bộ lấp ló, ẩn hiện trong rừng cây xanh tốt đủ loại như xà cừ, trúc, lộc vừng...

Một góc hồ Hương Giang.

Dọc bờ sông Chảy

Con sông Chảy hiền hoà lượn qua nhiều tỉnh miền núi phía Bắc không chỉ chở nặng phù sa mà còn hình thành nên những sắc màu văn hoá đặc biệt.

Sông Chảy vốn bắt nguồn từ sườn Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419m) và sườn Đông Bắc đỉnh Kiều Liên Ti (2.402m) ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Sông đi qua địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi hợp lưu với sông Lô ở Phú Thọ, nhưng đoạn đẹp nhất là ở Lào Cai.

Nhằm khai thác tiềm năng của dòng sông Chảy, nơi có những vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc vùng cao, tỉnh Lào Cai đã đưa vào khai thác tour du lịch khám phá sông Chảy bằng thuyền để phục vụ du khách.

Sông Chảy có hai mùa là mùa nước lớn và mùa nước cạn. Mỗi mùa dòng sông mang một vẻ đẹp riêng. Nếu như mùa nước lớn, con sông trở nên mênh mang kì vĩ; thì ngược lại, đến mùa nước cạn, con sông lại hiền hòa, dịu êm.

Sông Chảy mùa nước cạn với lô nhô những bãi đá bên bờ và những con đò nhỏ nép mình bên sông.

Chợ Lớn rong chơi

Sài Gòn hơn 300 năm vẫn giữ vị trí trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Nói về thương mại, không thể không kể đến những người Hoa ở Chợ Lớn.

Trong 5 chợ được người Sài Gòn và du khách cho là thú vị nhất TPHCM (theo cuộc bình chọn năm 2012 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức), đã có 3 thuộc khu vực Chợ Lớn: Bình Tây, An Ðông và Soái Kình Lâm (thương xá Ðồng Khánh). Ðiều đó đủ thấy Chợ Lớn ghi dấu ấn thương mại đến đâu trong ý nghĩ của nhiều người.

Người Hoa vốn có khiếu kinh doanh. Một số người đến đất Sài Gòn lập nghiệp vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khi dư dả bèn nghĩ đến chuyện lập chợ để có nơi tập trung buôn bán. Theo họ, nơi buôn bán càng náo nhiệt càng dễ thu hút khách, dễ phát triển kinh doanh.

Ông Quách Ðàm, người Triều Châu, sang Việt Nam làm ăn một thời gian đã mở hãng buôn Thông Hiệp. Năm 1928, chính quyền tỉnh Chợ Lớn dự định xây chợ Lớn mới. Hay tin, họ Quách mua miếng đất sình lầy rộng 2,5 mẫu ở thôn Bình Tây, cho san lấp và đề nghị xây tặng ngôi chợ bê tông lớn để người dân buôn bán với điều kiện ông được cất mấy dãy phố lầu xung quanh để cho thuê và được dựng tượng mình ở chợ. Chính quyền chấp thuận, thế là chợ Lớn mới ra đời năm 1930, sau này gọi là Bình Tây. Ông Quách được tiếng hào phóng, lại có lợi nhuận từ các dãy phố. Trong khi đó, tiểu thương mang ơn ông vì đã giúp họ có nơi buôn bán. 


Du khách tham quan, mua sắm ở chợ Bình Tây

17 thg 2, 2013

Những ngôi nhà cổ của làng Phú Vinh

Là một điểm tham quan thú vị trong các tour du lịch đến Nha Trang, làng Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, cách thành phố Nha Trang khoảng 5km về phía tây hiện còn một số ngôi nhà cổ trải qua ít nhất sáu đời con cháu.

Con sông Cái Nha Trang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn – núi Gia Lố, vượt qua nhiều ghềnh thác, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh đến Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang) sông rẽ làm hai nhánh, một qua cầu Xóm Bóng và một qua cầu Hà Ra để đổ ra biển. Trên dòng chảy đến Ngọc Hiệp con sông có một nhánh rẽ nhỏ và làng Phú Vinh nằm trên lưu vực nhánh rẽ này.

Một ngôi nhà xưa

Chủ nhân của một trong các ngôi nhà cổ kể chuyện rằng từ xa xưa các vị tiền bối của dòng họ trên con đường Nam tiến đã dừng lại nơi này lập nghiệp và đặt tên làng Phú Giang, với hy vọng một vùng đất nhỏ cạnh bờ sông sẽ trở nên trù phú.

16 thg 2, 2013

Nhà thờ Mằng Lăng

Đến với vùng đất “núi Nhạn - sông Đà”, hẳn ai cũng muốn ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng để tận hưởng cảm giác bình yên giữa chốn thánh đường. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1892, do một vị linh mục người Pháp tên Joseph de La Cassagne mà người dân xứ đạo tại đây gọi tên theo tiếng Việt là Cổ Xuân phụ trách thi công.

Tên gọi của nhà thờ là “Mằng Lăng” nghe khá độc đáo và cũng có nguồn gốc của nó. Hơn 100 năm trước, khu vực An Thạch dân cư thưa thớt, cây rừng che kín cả lối đi, trong đó có một loài cây mọc rất nhiều, to lớn, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa chùm, nở ra màu tím hồng, được người dân trong vùng gọi là Mằng Lăng. Dấu vết khu rừng Mằng Lăng ấy giờ không còn nhưng nhà thờ vào thời điểm đó đã được đặt tên theo loại cây quý này. Trong nhà thờ hiện còn giữ một chiếc bàn mặt tròn làm bằng gỗ Mằng Lăng từ thuở vừa xây dựng, có đường kính đến 1,5m.