Nếu như trước đây sản phẩm của làng làm quỳ vàng truyền thống Kiêu Kỵ góp phần tạo sự nguy nga trong các công trình kiến trúc cung đình thời phong kiến thì ngày nay lại được dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Hội , Văn Miếu Quốc Tử Giám và các di sản kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An...
Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được hình thành từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) để cung ứng vật liệu trang trí sơn son thiếp vàng tại các công trình kiến trúc của vua chúa và các đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô Thăng Long. Người có công gây dựng và truyền bá nghề này được người dân Kiêu Kỵ tôn làm ông tổ làng nghề là ông Nguyễn Quý Trị.
Ngay nay, làng Kiêu Kỵ có hàng trăm hộ gia đình chuyên kinh doanh và sản xuất vàng quỳ. Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Lê Bá Tươi thì được biết, xưởng làm quỳ, dát vàng của gia đình đã tạo việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng và các tỉnh khác với mức thu nhập đều đặn 3 - 6 triệu đồng/tháng. Chị Hoàng Thị Anh vợ của nghệ nhân Lê Bá Tươi chia sẻ: “ Để có được một quỳ vàng thành phẩm đạt 490 lá thì cần trải qua đến gần 40 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều có sự phức tạp riêng, chẳng hạn như phải nấu keo trộn bồ hóng, rồi đem đập, bóc, luộc mới có thể dùng được”.

Sau khi pha chế xong, mực được quét lên các tấm giấy cắt hình chữ nhật rồi đem phơi trên lá vải khô.