Thác Mạ Héc nhìn từ trên cao, xung quanh là rừng nguyên sinh Cham Chu.
Dẫn chúng tôi đi tham quan anh Triệu Thanh Tùng, cán bộ văn phòng xã Phù Lưu chỉ tay về phía núi cho biết, thác Mạ Héc chảy từ độ cao hơn 100 m trên vách núi đá Cham Chu xuống, quanh năm tung bụi nước mù mịt, nhìn từ xa như một dải lụa trắng hay mái tóc dài đẹp của một thiếu nữ.
Người dân thôn Thôm Tấu vẫn truyền tai nhau câu chuyện dân gian, chuyện kể rằng xưa kia nơi đây núi rừng hiểm trở, nước tưới cho đồng ruộng duy nhất chỉ có từ ngọn thác chảy về. Trong bản có một thiếu nữ nết na, xinh đẹp, giỏi giang được nhiều chàng trai yêu quý. Vốn tính nhân ái, cô đã đem lòng yêu một chàng trai nghèo. Năm ấy trời hạn nặng. Sắp đến ngày thành hôn mà trời vẫn chẳng có mưa. Suối khô cạn, cô gái phải đến tận chân thác để tắm.
Đang tắm, nghe tiếng ngựa hí, cô gái ngước nhìn lên thấy một con ngựa trắng. Ngựa đến bên cô rồi đưa cô lên đỉnh núi. Đến tối, không thấy con gái về, gia đình cô đến nhà trai và nhờ xóm làng tìm giúp. Khi đến chân thác, chàng trai chỉ thấy quần áo người yêu, gọi mãi, gọi mãi cũng không thấy trả lời. Tưởng nhớ người yêu, chàng trai đã mang con gà trống và con vịt bầu đến chân thác thắp hương. Hôm sau, trời đổ mưa. Nước trên thác lại chảy ào ào về đồng ruộng.
Từ đó, mỗi khi thời tiết khô hạn, người dân làng Thôm Tấu lại mang gà vịt vào thác cầu mưa. Hiện nay thác là nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cuộc sống bình yên của con người, nuôi dưỡng cho những ruộng lúa, cây ngô, cây cam của các hộ dân ở 4 thôn xã Phù Lưu: Thôm Táu, Pá Han, Bản Ban và Pác Cáp. Bà con sống gần thác Mạ Héc bảo, ai muốn đứng cạnh cầu vồng thì chiều nắng cứ vào Mạ Héc.
Du khách thích thú chụp ảnh cưỡi ngựa dưới chân thác Mạ Héc.
Từ thác Mạ Héc du khách có thể đi tham quan núi Cham Chu, nơi có ngọn núi cao 1.587 m so với mặt nước biển, cao nhất Tuyên Quang. Ở đây còn có khu rừng đặc dụng khoảng 15.000 ha có nguồn gen thực vật rất phong phú, với trên 80 loài thân gỗ, nhiều loài gỗ quí như pơmu, đinh, nghiến, chò chỉ và các loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ. Trong làn nước trong xanh của thác Mạ Héc và không gian trong lành, tinh khiết, bạn sẽ hiểu thêm về thiên nhiên kỳ thú, tạm quên những mệt nhọc, vất vả đời thường.
Đã có những nhà thơ đến đây và thốt lên: “Đôi mắt em trong ngần như nước Mạ Héc/Nụ cười khiến anh lạc vào chốn rừng sâu/Tiếng hát du dương vọng vào vách núi/ Rẽ lối đường rừng giúp anh vượt qua đỉnh Cham Chu”.
Cách chân thác Mạ Héc chừng vài trăm mét là thôn Thôm Táu nằm nép mình dưới chân núi Cham Chu. Bao năm qua, 118 hộ gia đình, trong đó có 46 hộ đồng bào người Dao đỏ quần tụ tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo. Từ xưa đến nay, phong tục tập quán truyền thống của người Dao đỏ vẫn luôn được dân bản giữ gìn ngay từ nếp sống sinh hoạt hàng ngày đến nghi thức cấp sắc, cưới hỏi, lễ tết. Thôn có vài trăm nhân khẩu, từ trước đến nay những người biết cúng, hát páo dung, thổi kèn pí lè, thêu thùa giỏi đều được kính nể và trọng dụng. Ngày ngày bên sườn núi, giai điệu ấy lại được cất lên, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì lảnh lót, rộn ràng của tiếng thác Mạ Héc chảy ngày đêm.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cường, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vừa có chuyến sáng tác ảnh nghệ thuật tại thác Mạ Héc khẳng định, đã từng leo nhiều con thác trong và ngoài tỉnh, nhưng thấy Mạ Héc thật sự quyến rũ và lãng mạn. Đến Mạ Héc vào ngày nghỉ cuối tuần du khách có thể cắm trại, nướng đồ và leo thác trải nghiệm, chụp ảnh cưỡi ngựa dưới chân thác thì thật là tuyệt vời. Tới Mạ Héc còn để hiểu về văn hóa người Dao đỏ, cũng như phương thức trồng cam sành nổi tiếng của người dân bản địa nơi đây.
Theo UBND xã Phù Lưu, thác Mạ Héc đang được huyện Hàm Yên xây dựng thành điểm du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng người Dao đỏ. Công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đang được đẩy mạnh, để nhân dân, du khách thập phương biết đến thác Mạ Héc ngày càng nhiều hơn.
Bài, ảnh: Quang Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét