23 thg 3, 2021

Một thuở bến Tam Thương

Bến Tam Thương gắn với vùng đất Ấn - Trà một thuở xa xưa tấp nập trên bến dưới thuyền. Chỉ nghe tên gọi “Tam Thương” đã thấy dạt dào thương nhớ...

Ngày nay, bến Tam Thương nằm trên trục đường chính nối dài với cầu Trà Khúc 2 (TP.Quảng Ngãi). Dù không sầm uất như những bến đò khác, nhưng nơi đây đã in đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử một thời.

Lần tìm… “Tam Thương”

Ngày xưa, khi huyết mạch giao thông nối các miền quê là những dòng sông, thì các bến chợ là nơi ghi dấu bao câu chuyện đầu bờ cuối bãi. Tuổi thơ của bà Vương Thị Kim Loan (85 tuổi) ở tổ 3, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) đã gắn với bến Tam Thương, khi nơi đây được coi là chợ nổi.
“Gọi là Tam Thương vì là nơi ba ngã thông thương, buôn bán trên bến dưới thuyền, ghe từ dưới xuôi mang mắm cá lên non, rồi từ miền cao chở củi xuống đồng bằng. Bến chợ ấy ra đời đã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân địa phương. Các ghe thuyền xuôi ngược, tiếng rao lẫn tiếng mua bán nhộn nhịp. Giờ không còn cảnh người người chen nhau buôn bán, nhưng “bến chợ” vẫn đọng lại ký ức trong tôi”, bà Loan bồi hồi nhớ lại.


Những bồi lấp của thời gian, lịch sử ít nhiều làm phôi phai dấu ấn về bến Tam Thương, nhưng cái tên ấy vẫn đọng lại ký ức với nhiều người dân xứ Quảng. Ảnh:Trung Ân

Theo nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong, địa danh Tam Thương xuất hiện thành văn tự trong tư liệu sớm nhất khoảng sau năm 1954. Đó là xóm “Tan Tuong” nằm ở khu vực gần đầu cầu Trà Khúc, xưa thuộc thôn Phú Hoà, làng Chánh Lộ xưa. Rất có thể trước đó ở đây có một cụ làm quan chức Tán Tương (tức là chức vụ quan võ của triều đình, gọi đầy đủ là tán tương quân vụ), khi hồi hưu cụ về quê, nên người dân lấy tên xóm là Tán Tương. Khi người Pháp ký âm trong tư liệu chỉ còn là Tan Tuong, để sau này biến đổi thành là Tam Thương.

Một giả thiết khác, sau năm 1954, chính quyền có khơi đào một dòng chảy cũ phía bắc thành cổ Quảng Ngãi để trở thành một con kênh nối từ sông Trà Khúc vào khu vực ngã tư Quang Trung - Trương Quang Trọng, gọi là sông Đào. Sông Đào được dùng để đưa ghe, thuyền vào thông thương buôn bán, giao lưu văn hoá giữa miền xuôi và miền ngược, từ đây phát triển các chợ ở cửa sông, bến nước... Và bến Tam Thương là tên gọi trại đi của Tạm Thương, tức các kho tạm ra đời tại bến sông sau sự hình thành của con sông Đào này.

Còn theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, dựa vào các tài liệu viết bằng chữ Hán và các trang sử liệu còn lưu lại thì “Thương” ở đây là kho chứa (thóc, ngũ cốc). Ngoài kho thóc để dùng chứa thóc do người dân nộp thuế tô, thuế điền cho triều đình, vào thời Tự Đức nhà vua khuyến khích lập xác (xã thương), “nghĩa thương” để kịp thời chẩn chấp hoặc cho dân vay thóc mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, cho những người nghèo khổ tại địa phương. Tại đây đã có ba kho chứa thóc như vậy, nên gọi là “tam thương”. Như vậy, các kho chứa này đã có cách đây lâu lắm rồi, chứ không phải ra đời ở thế kỷ XX. Chỗ các kho chứa là nơi thuyền bè qua lại, nên người ta còn hiểu là nơi buôn bán...

Gắn với văn hoá, thơ ca

Người dân sống ở khu vực gần bến Tam Thương qua bao đời sống dựa vào nghề đánh bắt trên sông Trà Khúc. Bà Loan kể: Mùa hè, người dân sống gần bến Tam Thương dùng bờ xe để đưa nước lên đồng ruộng, từ bên này sang bờ bên kia để tưới cho rau màu. Những ngày nước lớn, tôi theo cha đi thả bè rớ đánh bắt cá trên sông Trà Khúc. Cả xóm bè treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt sông dẫn dụ cá vào tấm lưới. Cá được đem về kho mặn, muối mắm, còn dư thì đem ra chợ bán. Đó là chút hoài niệm về bến sông xưa với những ai từng lớn lên ở nơi này...

Chẳng phải vô tình mà cái tên “Tam Thương” lại được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm thơ ca, nhạc hoạ. Kỳ lạ thay, bất cứ một tác phẩm nào có “dính dáng” đến hai chữ “Tam Thương” cũng khiến con người ta dốc hết bâng khuâng, dốc hết miên man để chạy theo cảm xúc khó phai. “Một thương, hai thương, ba thương đó…có lẽ nào/ Có lẽ nào tình ấy phôi pha/ Em ơi! Bến Tam Thương chính là em đó/ Dù dãi nắng mưa, bên lở, bên bồi/ Hàng tre già chiều nay lá đổ/ Mà tình em xanh mãi trong ta” (trích thơ Bến Tam Thương của Nghệ sĩ ưu tú Tạ Hiền Minh).

Có thể bến Tam Thương đã gắn đời với chợ, giờ đã “vắng người sang những chuyến đò” bởi các con lộ giao thương phát triển muôn ngả với các phương tiện tân tiến. Nhưng địa danh này khơi dòng hoài niệm về một thuở, bởi “ghe lui còn để dấu dằm”...

TRUNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét