9 thg 3, 2021

Nam Châm, huyền tích và hiện thực

Núi Nam Châm nay có các bể chứa sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất vốn xưa đã ghi dấu ấn trong ca dao, lịch sử, với nhiều huyền tích.

Một ngày những năm đầu thập niên chín mươi thế kỷ XX, tôi đến làng Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) ngay bờ tây cửa Sa Cần. Bà cụ vợ ông Lê Văn Ba, cách mạng lão thành huyện Bình Sơn, hát cho tôi nghe nhiều câu ca dao thuở trước, mà bốn câu sau đây mới đầu tiên được nghe và chưa từng được ghi vào bất cứ sách vở nào: "Hòn Ông, hòn Kẽm, hòn Bà/ Hòn Ông ai đắp, Cổ Ngựa mà ai xây/ Ai làm đó hiệp cùng đây/ Núi Nam Châm há dễ một cây nên rừng".

Tất cả các “hòn” đều nằm ở chung quanh cửa Sa Kỳ - vịnh Dung Quất. Người ta mượn hình ảnh các núi ở ven biển để nhắn nhủ nhau, gửi gắm tâm sự cùng sống nương tựa nhau. Như núi sông, như cây rừng.
Núi Nam Châm nằm ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) cao 135m, gồng mình ra biển, tạo nên mũi đất nhọn cùng tên. Núi được định danh bằng chữ Hán, có tên gọi như vậy từ thời xa xưa. Khi được phiên vào chữ quốc ngữ được ghi là Nam Trâm hay Lâm Châm. Có lẽ do thổ âm địa phương mà khi người ta phiên tên gọi này trong sách vở có khác nhau. Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của nhà sáng chế chữ quốc ngữ nổi tiếng là cố đạo Tabert ấn hành năm 1838 ghi là “mũi Lâm Châm”, trong khi bản đồ do chính quyền thực dân Pháp xác lập đầu thế kỷ XX ghi là “Cap Nam Trâm”. Cap là mũi đất, Trâm có lẽ là trệch âm của Châm. Cũng như vậy, theo quán tính phát âm người địa phương mà Nam Châm biến thành Lâm Châm.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi là núi Nam Châm và viết: “Nằm cách huyện Bình Sơn 25 dặm về phía nam. Núi gối lên bờ biển làm thành mỏm Nam Đẩu. Phía bắc gần mỏm Đầu Ngựa, phía nam gần mỏm Tổng Binh. Đỉnh núi rất cao, thuyền của nước Thanh (Trung Quốc) trên đường biển đi về nam thường dùng núi này làm mốc để định vị trí”. Hai chữ Nam Châm ghi bằng chữ Hán, trong đó chữ Nam có nghĩa là phía nam, còn chữ Châm nghĩa là cây kim, hay vật có đầu nhọn, hay kim chỉ hướng, nam châm là kim chỉ hướng Nam, gần với ý nghĩa mà sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi.

Núi Nam Châm và các bể chứa sản phẩm dầu, nhìn từ bờ tây vịnh Dung Quất. ẢNH: CAO CHƯ

Bài Vè các lái của người buôn ghe bầu ra Bắc vào Nam có đưa điểm Nam Châm làm một dấu mốc để xác định hải trình: "Sa Cần, Châu Ổ bao xa/ Lâm Châm, Cây Quýt thiệt đà Tổng Binh".

Lâm Châm tức Nam Châm, còn Cây Quýt tức vịnh Kỳ Quýt hay vịnh Dung Quất. Tổng Binh là nơi tương truyền đóng hành dinh của vua Lê Thánh Tông trong cuộc Nam chinh lịch sử năm 1471. Trước đó, để chuẩn bị cuộc hành binh này, vua đã cho vẽ địa đồ và các địa danh trong vùng lưu truyền đến bây giờ rất có thể từ các sự kiện ấy mà ra. Phía bắc là mũi Nam Châm, phía nam là mũi Tổng Binh hay Phước Thiện choài ra biển lớn, ở giữa hai mũi bờ biển lõm vào, làm thành vũng Việt Thanh phía đông xã Bình Thuận và Bình Trị, cũng tức là phía đông NMLD Dung Quất.

Một sự kiện liên quan đến lịch sử ít người biết là tháng 11.1944, máy bay của phát-xít Nhật đâm đầu vào núi Nam Châm vỡ vụn, hai phi công nhảy dù bị cây nhọn đâm suýt chết, bọn quan binh Nhật và tay sai phải hối thúc dân đi cứu nạn. Từ đó mà người ta nghĩ núi có lực hút nam châm (có sức hút kim loại) và từ đó xuất hiện tên núi Nam Châm. Cách suy luận này mang đậm dấu ấn chủ quan, vì tên núi như đã nói có từ thời xưa, không phải sau này và máy bay Nhật rơi chắc hẳn vì một lý do khác, chứ không phải do nam châm (nếu có) ở núi hút.

Năm 2016, tôi đi dọc phía tây vịnh Dung Quất, nhìn về bờ đông vịnh, thấy núi Nam Châm vươn cao, lờ mờ trong sương khói và các bể chứa sản phẩm dầu dưới chân núi. Núi bây giờ mang dáng vóc công nghiệp. Giữa năm 2020, tôi đi dọc thôn Tuyết Diêm ngược ra hướng bắc xã Bình Thuận, đến mũi Cổ Cò nhọn như một mũi tên, nhìn xuống bãi biển cát vàng huyền ảo, lại nhìn về hướng nam thấy núi Nam Châm đứng vươn mình ra biển lớn thật kiên gan, hùng vĩ. Lại nhớ về huyền tích xa xưa.

Đi vào câu hát ca dao, vào sử sách, nằm gối đầu lên bờ biển và có dân cư sinh tụ chung quanh từ lâu đời, kỳ thực núi Nam Châm vốn có hệ động thực vật khá phong phú. Trên núi ngoài cây rừng còn rậm rịt các loại dây leo, đặc biệt là dây mây; từ đó núi trở thành nơi trú ẩn của nhiều loài động vật, đặc biệt có nhiều trăn, khỉ. Người địa phương kể, khi chèo thuyền dưới chân núi nhìn lên, thấy từng đàn khỉ dắt nhau đi hái trái cây ăn.

Do vị trí núi lại nằm ngay ở mé bắc NMLD Dung Quất, người ta cải tạo lại đất núi để xây dựng kho chứa sản phẩm của NMLD. Điều hết sức gây cảm xúc là trước đó, người ta còn thấy nhiều bầy khỉ dắt nhau xuống bãi cát biển để bắt cá, từ khi xây dựng kho chứa, khỉ cõng con dắt díu nhau đi đâu không ai biết. Chuyển từ hoang sơ đến công nghiệp phải có sự hy sinh không tránh khỏi và để lại nhiều niềm luyến tiếc không nguôi.

CAO CHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét